“Mua bất động sản trồng sầu” trở thành xu hướng đầu tư mới lạ trên thị trường địa ốc. Trong một số diễn đàn, nhiều môi giới đăng tải thông tin với lời kêu gọi đầy hấp dẫn. Cụ thể, khách hàng chỉ cần bỏ ra mức tài chính từ 3-4 tỷ đồng. Phía công ty sẽ đảm nhiệm toàn bộ quá trình quản lý, trồng sầu, lo đầu ra sản phẩm. Mức lợi nhuận mà nhà đầu tư nhận được trung bình mỗi năm từ 20-30%.
Đơn cử như theo tư vấn của một nhân viên đến từ công ty V.F, người mua bỏ 3,8 tỷ đồng sẽ được sở hữu 1 ha diện tích đất, với số lượng cây sầu riêng tương đương mật độ 150 cây/ha.
Người mua còn nhận đặc quyền là hệ thống tưới tiêu, chăm bón cùng cơ sở hạ tầng cũng như công nghệ theo dõi, chăm sóc, quản lý và giám sát vườn từ xa thông qua app.
Số tiền 3,8 tỷ đồng được thanh toán thành 5 đợt, trong vòng 12 tháng. Phía công ty cam kết về sản lượng, bao tiêu đầu ra giúp nhà đầu tư có thể hoàn vốn vào năm thứ 7.
Quyền lợi mà nhà đầu tư nhận được. (Ảnh chụp màn hình)
Nhân viên tư vấn này nhấn mạnh, rủi ro lớn nhất khi gặp thiên tai. Còn phía công ty sẽ cam kết về sản lượng cây trồng.
Mô hình mua đất vận hành phát triển nông nghiệp được quảng cáo nhiều trên trang diễn đàn. (Ảnh minh hoạ)
Một công ty đến từ Đăk Nông cũng tung ra mô hình mời hợp tác trồng sâu riêng tại quỹ đất diện tích 2000m2. Mức vốn cố định 100 triệu đồng và có thể thu lợi nhuận 40 triệu đồng/năm từ năm thứ 6 sau khi trồng. Thời hạn hợp tác là 20 năm.
Ngoài thu nhập từ sầu riêng 40 triệu đồng/2.000m2/ 1 năm khi cây cho thu hoạch trái, khách hàng mỗi năm sẽ được tận hưởng 12 ngày nghỉ dưỡng trị giá 6 triệu đồng từ hệ thống du lịch nghỉ dưỡng của công ty và 50kg sầu riêng sạch để sử dụng trị giá 3 triệu đồng.
Anh N., một nhà đầu tư có hơn 10 năm kinh nghiệm đến từ TP.HCM cũng từng nhận được lời mời gọi xuống tiền vào hình thức kiếm lời dễ dàng, thẳng thắn cho rằng: “Trên đời này làm gì có miếng pho mát ngon vậy? Nếu trồng sầu mà lợi nhuận cao đến thế thì nông dân đã có thể kiếm vài trăm triệu trong một năm".
Theo anh N., nếu khách hàng mua tự đầu tư, tự khai thác, mướn người quản lý thì gặp các vấn đề sau: Một, chi phí trả lương người chăm hàng tháng và kiểm tra như thế nào khi lương trả tháng mà làm việc có hiệu quả hay không? Hai, chi phí phân bón, thuốc trừ sâu sẽ phải kiểm soát. Ba, nếu chăm tốt sau 7 năm thì chủ vườn có quản lý được năng suất của cây như loại trái hay sản lượng trái trên cây. Điều quan trọng là giá sầu không phân bổ đồng đều mà phân dựa trên trái đã phân loại và cũng phụ thuộc vào mùa. Chăm cây không tốt hoặc thời tiết không thuận lợi thì thương lái sẽ chê và không mua.
Như vậy, để thu hoạch và kiếm lời từ trồng sâu, có rất nhiều vấn đề phải quản lý và vận hành mà người chủ phải kiểm soát và không hề đơn giản.
“Thế nên, nếu theo như quảng cáo một số công ty, vậy chỉ cần bỏ tiền ra, còn quản lý vận hành sẽ do công ty. Tưởng chừng giải quyết được các vấn đề phức tạp ở trên nhưng nếu là “kèo thơm” như vậy, tại sao phía công ty không tự làm”, vị này nhấn mạnh.
“Điều quan trọng nhất, nếu công ty bán đất cho khách hàng. Một năm sau, công ty bỗng nhiên giải thể, khách đã mua sẽ tìm ai để chịu", nhà đầu tư này nói thêm: "Cẩn thận không trồng sầu, sầu không nở, lướt sầu thành nông dân”.
Thực tế, trước đó, trên cáctrang mạng xã hội “bỏ phố về rừng, về quê”, hình thức mua bất động sản, giao lại cho phía công ty vận hành, hưởng lợi nhuận "khủng" được môi giới chào bán rầm rộ.
Ở thời điểm 2020-2021, “ăn theo” trào lưu “bỏ phố về rừng”, mô hình đầu tư bất động sản, vận hành farmstay xuất hiện và bùng nổ. Người mua chỉ cần bỏ tiền ra đầu tư, vừa được hưởng một khoảng thời gian nghỉ dưỡng nhất định, vừa được hưởng mức lợi nhuận từ phía công ty bán. Sau đó, các mô hình mua đất phát triển nông nghiệp với cách thức mua – bán, vận hành và chia lợi nhuận cho người mua từ 10-30%/năm bắt đầu nở rộ.
Tuy nhiên, những nhà đầu tư bất động sản lâu năm khuyến nghị, người mua cần phải cẩn trọng và cân nhắc với mô hình mua bất động sản, phát triển nông nghiệp và hưởng lợi nhuận "khủng".