Theo đó, con tàu đang neo đậu gần bờ sông (có lẽ là sông Volga cạnh nhà máy Zelenodoslk). Qua quan sát, phần lớn thiết bị, vũ khí đã được lắp đặt hoàn chỉnh, trừ các tổ hợp radar (radar Mineral-ME đã đặt sẵn phía mũi tàu) và ống phóng tên lửa Uran-E.
Việc con tàu di chuyển ra sông có thể nhằm chuẩn bị cho chuyến đi đến nơi thử nghiệm (biển Đen) để hoàn thiện các tính năng trước khi bàn giao.
Hình ảnh mới nhất về tàu Gepard của Việt Nam đang được hoàn thiện tại Nga
Radar Mineral-ME được đặt ngay trước khẩu pháo AK-176MA
Cặp tàu Gepard thứ hai được Việt Nam đặt mua từ Nga vào năm 2013. Đến ngày 27/4 năm nay, chiếc đầu tiên đã hạ thủy và sang ngày 26/5 là chiếc tiếp theo.
Một trong những thay đổi lớn nhất ở cặp tàu Gepard thứ hai so với cặp đầu tiên là vũ khí săn ngầm. Bên cạnh đó, thiết kế thượng tầng, tháp radar, ống khói cũng có một chút chỉnh sửa nhằm tăng khả năng tàng hình cũng như tạo thuận tiện trong quá trình vận hành.
Mặc dù gặp phải trở ngại lớn ảnh hưởng đến tiến độ thi công do những rắc rối xung quanh vấn đề động cơ từ phía Ukraine, nhưng bất chấp khó khăn kể trên, nhà máy Zelenodolsk vẫn nhanh chóng đưa tàu ra thử nghiệm vào quý III năm nay để kịp bàn giao chiếc thứ nhất cho phía Việt Nam trong tháng 11/2016.
Hiện nay đã xuất hiện thông tin cho biết Việt Nam và Nga đang tiến hành đàm phán về việc đóng mới cặp tàu Gepard thứ ba, đáng chú ý là hệ thống tên lửa hành trình Kalibr sẽ thay thế Uran-E.
Cấu hình thiết bị, vũ khí trên cặp tàu Gepard thứ hai của Hải quân Nhân dân Việt Nam bao gồm:
- 1 pháo hạm AK-176MA.
- 1 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Palma.
- 2 pháo bắn nhanh AK-630M.
- 2 x 4 ống phóng tên lửa chống hạm Uran-E.
- 2 x 2 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm.
- 1 radar kiểm soát hỏa lực pháo 5P-10-03E Laska.
- 1 radar dẫn bắn cho tên lửa Mineral-ME.
- 1 radar cảnh giới đường không Pozitiv-ME.
- Sàn đáp cho trực thăng săn ngầm Ka-28.
Hình ảnh mới nhất về tàu Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam trên sông Volga