Xuất hiện 'hiệp sĩ' bất ngờ cứu EU giữa khủng hoảng năng lượng

Minh Khôi |

Nỗi lo thiếu khí đốt của châu Âu vào mùa đông có thể được xóa tan, nhờ một 'hiệp sĩ' bất ngờ: Trung Quốc.

Trung Quốc đang cung cấp "nguồn sống" cho EU

Trung Quốc đang cung cấp cho châu Âu một "huyết mạch" năng lượng với việc bán lại LNG

Trung Quốc - nhà mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới đang bán lại một số lô hàng LNG dư thừa do nhu cầu năng lượng trong nước giảm. Điều này đã cung cấp cho châu Âu nguồn cung dồi dào, mặc dù giá cao hơn.

Kết quả, nhập khẩu LNG của châu Âu đã tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái trong 6 tháng đầu năm, theo công ty nghiên cứu Kpler. EU đã mua 53 triệu tấn và đã nâng tỷ lệ lấp đầy các kho chứa khí đốt của châu Âu lên đến 77%.

Nếu xu hướng này được tiếp tục, châu Âu có khả năng đạt được mục tiêu đã nêu là lấp đầy 80% các cơ sở lưu trữ khí đốt của mình vào tháng 11.

Hiện tại, châu Âu đã có thể tránh được một cuộc khủng hoảng năng lượng.

Tập đoàn JOVO của Trung Quốc, một nhà kinh doanh LNG lớn, gần đây đã tiết lộ rằng họ đã bán lại một lô hàng LNG cho một người mua châu Âu.

Một nhà giao dịch tương lai ở Thượng Hải nói với Nikkei rằng lợi nhuận thu được từ một giao dịch như vậy có thể lên tới hàng chục triệu đến 100 triệu USD.

Tập đoàn lọc dầu lớn nhất Trung Quốc Sinopec Group cũng thừa nhận trong một cuộc họp báo thu nhập vào tháng 4 rằng họ đã chuyển LNG dư thừa vào thị trường quốc tế.

Truyền thông trong nước cho biết chỉ riêng Sinopec đã bán được 45 chuyến hàng LNG, tương đương khoảng 3,15 triệu tấn. Tổng lượng LNG của Trung Quốc đã được bán lại có thể là trên 4 triệu tấn, tương đương 7% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu trong nửa năm từ tháng 1 đến tháng 6.

Liệu có kéo dài?

Vậy điều gì đã khiến Trung Quốc, một quốc gia khát năng lượng thay đổi hướng đi và trở thành người bán hàng?

Thứ nhất, nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc. Tăng trưởng GDP thực tế trong nửa đầu năm chỉ đạt 2,5%. Xuelian Li, nhà phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu Marubeni cho biết việc phong tỏa ở các đô thị đã dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu về nhiên liệu công nghiệp và hóa chất, từ đó dẫn đến nhu cầu khí đốt thấp hơn trong nửa đầu năm.

"Xu hướng này có vẻ như sẽ không tăng nhiều hơn trong nửa sau", Xuelian Li nói.

Thứ hai là Trung Quốc đang thúc đẩy sản xuất năng lượng, bao gồm cả than. Trọng tâm hiện nay của Trung Quốc là an ninh năng lượng, Mika Takehara, nhà nghiên cứu cấp cao của Tổng công ty Quốc gia Dầu khí và Kim loại Nhật Bản cho hay.

Ví dụ, tỉnh Sơn Tây đã tăng sản lượng than thêm 100 triệu tấn lên 1,3 tỷ tấn trong năm nay và sẽ tăng thêm 50 triệu tấn vào năm 2023, theo truyền thông địa phương.

Sản xuất khí đốt của chính Trung Quốc cũng đang mở rộng. Theo công ty tư vấn khí Sia Energy, sản lượng khí đốt trong nước dự kiến sẽ tăng 7% so với cùng kỳ năm trước vào năm 2022. Đồng thời, nhập khẩu LNG của Trung Quốc có thể sẽ giảm 20% trong năm nay.

Nhưng các nhà nghiên cứu chỉ ra một lưu ý quan trọng. Sự cứu trợ này cho châu Âu là do kinh tế Trung Quốc sụt giảm trong thời gian qua. Ngay khi hoạt động kinh tế bùng phát trở lại ở Trung Quốc, tình hình sẽ nhanh chóng đảo ngược.

Nhập khẩu giảm của Trung Quốc đã tác động đến giá quốc tế. Giá LNG ở Châu Á hiện vào khoảng 45 USD/BTU - rẻ hơn 10 USD so với khí tự nhiên của Châu Âu (có giá trên 60 USD/triệu BTU).

Hiện nay, nhu cầu của châu Âu đang rất lớn. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu đang ở mức thấp nhất trong vòng 40 năm. Lượng khí chạy qua các đường ống chỉ bằng 20% so với cách đây một năm.

Châu Âu đã phản ứng bằng cách mua LNG trên thị trường giao ngay - bất kể giá cao hơn - và đã đồng ý giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên 15% vào tháng 3 năm sau.

Tuy nhiên, luôn có khả năng nhập khẩu khí đốt từ Nga cuối cùng có thể giảm xuống 0, Toshiyuki Makabe, một nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết. Trong kịch bản đó, châu Âu sẽ phải mua hầu hết tất cả lượng LNG còn lại trên thị trường giao ngay - một nhiệm vụ phi thực tế.

Kết quả của những điều này là Trung Quốc ngày càng có vai trò quan trọng trên thị trường năng lượng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại