Tờ Live Science dẫn lời nhóm khảo cổ Trung Quốc cho biết trong hàng trăm báu vật chất đầy trong mộ, họ đã tìm được một thứ chưa từng xuất hiện trong các ngôi mộ cổ, đó là một loại lịch thiên văn cổ đại.
Cụ thể, tấm lịch lạ lùng gồm 23 tấm gỗ có kích thước 2,5x10 cm, bên trên có khắc văn tự Trung Quốc thể hiện đó là một tấm lịch Thiên Can Địa Chi, có nguồn gốc từ thời nhà Thương (năm 1600-1045 trước Công nguyên).
Các lỗ tròn ở mép mỗi tấm trượt cho thấy chúng đã từng được buộc lại với nhau.
Tuy hệ thống lịch Thiên Can Địa Chi không xa lạ, nhưng do kiểu lịch cổ này chưa từng được thấy trước đây nên các nhà khảo cổ vẫn chưa thể khẳng định cách thức người xưa sử dụng tấm lịch gỗ này.
Họ chỉ đoán rằng một mảnh lịch sẽ đại diện cho năm hiện tại khi sử dụng, 22 mảnh còn lại có thể được sử dụng để xác định bất kỳ năm nào, theo China News.
Ngoài tấm lịch cổ quý giá, ngôi mộ tọa lạc ở quận Vũ Long của TP Trùng Khánh cũng chứa hàng loạt hiện vật có giá trị khác, khẳng định địa vị quý tộc của người trong mộ.
Ngôi mộ cổ có một danh sách bằng văn bản liệt kê rõ các vật tùy táng cũng như ghi chú cho biết mộ được lập vào năm 193 trước Công nguyên, tức vào thời Tây Hán (năm 206 trước Công nguyên đến năm 9 sau Công nguyên).
Tiếp sau triều đại Tây Hán là triều đại Đông Hán, kéo dài đến năm 220 sau Công nguyên. Hai triều đại cùng nhau tạo nên một thời kỳ hoàng kim của Trung Quốc cổ đại với nhiều truyền thống được hình thành.
Theo nhà khảo cổ học Wang Meng, thành viên nhóm nghiên cứu của TP Trùng Khánh, ngôi mộ cổ này là ngôi mộ buồng gỗ được bảo tồn tốt nhất từng được khai quật ở phía Tây Nam Trung Quốc.
Nói với tờ Global Times, trưởng dự án Huang Wei cho biết ngoài tấm lịch, trong mộ còn chứa 600 hiện vật khác từ các vật dụng ăn uống hàng hàng, lọ, đĩa sơn mài, nhạc cụ, tượng nhỏ, đồ gốm, đồ đồng... Sau 2.200 năm, các hiện vật này đều trở thành những báu vật.