Ở Thái League, Xuân Trường được đá chính cả hai trận đầu, mỗi trận trên dưới 50 phút rồi bị thay ra, không để lại dấu ấn nào. Cách đó vài nghìn cây số, Công Phượng ngồi dự bị trong trận ra quân của Incheon United, không được vào sân thi đấu. Biết rằng vạn sự khởi đầu nan, song cơ hội để hai nhân tố nổi bật nhất trong đội hình U19 HAGL JMG năm nào toả sáng vẫn không sáng sủa hơn so với chuyến xuất ngoại cách đây bốn năm.
Công Phượng vẫn chưa đá phút nào cho Incheon United.
Xin đừng ngộ nhận thành công
Sau thành công trong năm 2018 và đầu năm 2019 ở bốn giải lớn liên tiếp (U23 châu Á, ASIAD, AFF Cup và Asian Cup), bóng đá Việt Nam đã trưởng thành và dần tiến lên nhóm hai trong hàng ngũ đội mạnh châu Á. Nếu không kể nhóm đầu với những Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Iran, Qatar, Ả Rập Xê Út hay Uzbekistan, Việt Nam có thể đá sòng phẳng với các đội còn lại ở châu Á, mơ về World Cup, và thậm chí, là xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài.
Một nền bóng đá đang lên, không thể chấp nhận toàn bộ đội tuyển chỉ đang chơi bóng trong nước như lời mỉa mai của một tờ báo tại Iran. Ngay sau Asian Cup, Văn Lâm chuyển sang Muangthong United, Xuân Trường được Buriram mời gọi. Quang Hải nuôi mộng châu Âu, sắp sang Deportivo Alaves tập thử như vài lời đồn đoán, trong khi Công Phượng được một đội bóng ở Đan Mạch để ý. Các cầu thủ Việt Nam lọt vào tầm ngắm của tuyển trạch viên nước ngoài, xách vali đi đến miền trời xa, nhưng...
Ngoại trừ Văn Lâm, cả Xuân Trường, Công Phượng đều đang chới với. Xuân Trường ra sân hơn 100 phút sau hai trận, được đăng ký chơi ở AFC Champions League song mờ nhạt hoàn toàn. Sự có mặt của Công Phượng giúp Incheon United chứng kiến lượng khán giả đông chưa từng có, nhưng cũng chẳng đủ giúp tiền đạo gốc Đô Lương có lần đầu ra sân tại K-League.
Xuân Trường sẽ ra sân ở AFC Champions League?
Đây đã là lần thứ hai những đứa con của bầu Đức xuất ngoại. Khác với lần đầu tiên, Công Phượng, Xuân Trường giờ đã trưởng thành hơn, nhiều kinh nghiệm hơn, không còn được gọi là cầu thủ trẻ. Bóng đá Việt Nam cũng được nhìn nhận với vị thế cao hơn, không phải thị trường để các đội K-League, J-League chiêu mộ cầu thủ nhằm "kích cầu" truyền thông. Nhưng cũng như lần đầu tiên, không có thảm đỏ, chẳng có hoa hồng. Muốn ra sân, cả hai phải vô cùng nỗ lực.
Xuân Trường là đội trưởng U23 Việt Nam tạo nên kỳ tích ở đất Thường Châu năm 2018. Giải đấu năm ấy, U23 Thái Lan bị loại ở vòng bảng. Công Phượng toả sáng ở Asian Cup với hai bàn thắng, có màn trình diễn được nhiều tờ báo đánh giá cao hơn cả... Son Heung Min, song đấy chỉ là thành công ở giải đấu ngắn hạn. Nên nhớ, V-League và bóng đá Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi những "lớp" định kiến cũ, nghiệp dư, non kém, chưa thực sự chuyển mình lên chuyên để các tài năng một bước được toả sáng ở chân trời mới.
Chơi ở V-League khác nhiều so với K-League, thậm chí... Thái League. Sự khác biệt giữa giải VĐQG của Việt Nam và Thái Lan, Hàn Quốc khiến Công Phượng, Xuân Trường chật vật, chưa kịp thích nghi. Nhìn vào thực tế đó, chúng ta cần có thêm động lực để phát triển giải đấu quốc nội hơn, tạo điều kiện cho các cầu thủ bắt kịp trình độ quốc tế, thay vì bì tị, ức chế rằng tại sao những ngôi sao con cưng lại phải làm bạn với băng ghế dự bị.
Công Phượng không còn là "con cưng" như khi ở HAGL.
Hãy nhẫn nại
Công Phượng, Xuân Trường hay những nhân tố của học viện HAGL JMG lớn lên trong vòng tay yêu thương vào bảo bọc của bầu Đức. Nhiều người nói vui rằng nếu các cầu thủ tiền bối sống khổ sống sở, những nhân tài của HAGL JMG đến cái quần cũng có người giặt cho. Bước vào tuổi trưởng thành, U19 HAGL được khán giả tin yêu, chờ đợi, dẫu lứa cầu thủ này chỉ để lại dấu ấn ở các giải trẻ trước năm 2018, còn ở V-League, HAGL năm nào cũng đứng ở nửa dưới bảng xếp hạng.
Ở Việt Nam, Công Phượng, Xuân Trường được nhẫn nại trao cơ hội, cưng chiều như "bảo vật", bởi họ là những người được đánh giá cao nhất, có những tố chất nổi trội nhất, nhưng ở Buriram United hay Incheon United thì khác. Những đội bóng này đủ sức mua được nhiều... Công Phượng, Xuân Trường khác, và hai ngôi sao của Việt Nam cũng chỉ bình thường như bao người khác. Sức hút lớn với giới truyền thông không thể giúp một cầu thủ có thể đứng cao hơn các đồng đội, đó là bóng đá chuyên nghiệp.
Do đó, đừng chờ đợi Thái League hay K-League sẽ nhẫn nại, trải thảm đỏ và chờ đợi Công Phượng, Xuân Trường toả sáng. Nhiều cổ động viên từng lầm tưởng việc Công Phượng sẽ được ra sân vì giúp Incheon United bán vé, bán áo nhiều hơn, song trận ra quân chính là gáo nước lạnh. Ở những phương trời xa lạ, những ngôi sao Việt sẽ không có bất cứ ngoại lệ nào.
Và điều đó tốt cho họ.
Ở độ tuổi phát triển (từ 18 đến 23), cầu thủ cần được tạo cơ hội càng nhiều càng tốt, song bước vào ngưỡng trưởng thành, cầu thủ phải tự chứng minh khả năng nếu muốn được ra sân thi đấu. Xuân Trường bị thay ra sớm, Công Phượng ngồi dự bị, nhưng đó lại là... điềm hay. Những cột trụ của bóng đá nước nhà đang bị "nung trong lửa", và chỉ có thứ vàng "xịn" mới được tôi luyện thành bảo vật.
Công Phượng, Xuân Trường xuất ngoại lần nữa dù đã một lần vấp ngã, đó sẽ là động lực để các cầu thủ Việt Nam khác mạnh dạn ra nước ngoài. Khi nói về bóng đá Nga, một cựu danh thủ từng phân tích: "Cầu thủ Nga ngại ra nước ngoài, vì đãi ngộ trong nước quá ổn, họ không có động lực". Bóng đá Việt Nam cũng khép mình quá lâu bởi các cầu thủ tự hài lòng với một sự nghiệp chỉ gắn với các đội V-League.
Thời thế thay đổi, hãy cứ mạnh dạn trải nghiệm và thất bại. Những bài học có được ở xứ người, dù ít hay nhiều, vẫn sẽ có giá trị không gì so sánh được.