Cựu TGĐ PVN xin giảm nhẹ hình phạt
Chiều 11/5, phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận.
Tại bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Phùng Đình Thực (nguyên TGĐ PVN) mức án 9 năm tù giam vì tội Cố ý làm trái; buộc bị cáo bồi thường cho PVN số tiền thiệt hại hơn 119 tỷ đồng.
Chia tỷ phần với các bị cáo khác, ông Thực phải bồi thường số tiền 7,5 tỷ đồng.
Bào chữa cho thân chủ Phùng Đình Thực, luật sư Đinh Anh Tuấn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, gia đình ông Thực đã quyết định bán nhà để lấy tiền khắc phục cho bị cáo.
Cụ thể, sáng 11/5, gia đình ông Thực đã làm thủ tục nhận tiền đặt cọc bán nhà và đã nộp 1 tỷ đồng cho cơ quan thi hành án. Theo luật sư, việc làm này thể hiện tinh thần trách nhiệm của bị cáo.
Luật sư Đinh Anh Tuấn cho rằng, bản án sơ thẩm đã bỏ qua, chưa đánh giá các tài liệu, chứng cứ có giá trị gỡ tội cho bị cáo Thực, mặc dù các tài liệu, chứng cứ đó đã được các luật sư giao nộp tại phiên tòa sơ thẩm.
Ảnh: TTXVN
Theo luật sư, những tình tiết có lợi cho bị cáo Thực cũng bị bỏ qua, chưa được xem xét, đánh giá.
Chẳng hạn như việc bị cáo Thực đã phân công, phân quyền trong Ban TGĐ, theo đó bị cáo không phụ trách Dự án NMNĐ Thái Bình 2 nên trách nhiệm của bị cáo trong vụ án này rất hạn chế.
Luật sư Tuấn khẳng định, có 4 văn bản mà bản án sơ thẩm dùng để quy kết hành vi phạm tội của ông Thực, trên thực tế bị cáo không hề nhận được.
Chứng cứ về việc này đã được giao nộp tại phiên tòa sơ thẩm, và cũng được người làm chứng là ông Hồ Công Kỳ (nguyên Chánh văn phòng PVN) và ông Khương Văn Đạt (Phó Chánh Văn phòng PVN) xác nhận tại tòa phúc thẩm...
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Phùng Đình Thực cho rằng, tại thời điểm xảy ra vụ án, bị cáo không biết những sai phạm xảy ra và không cố ý làm trái.
Bị cáo nhận trách nhiệm về những sai phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước và có ý thức khắc phục thiệt hại. Bị cáo đã bàn với gia đình tiếp tục thực hiện bồi thường dân sự theo quyết định của bản án.
Khi ông Thực nhắc đến các giải thưởng Hồ Chí Minh của mình để mong HĐXX cân nhắc thêm tình tiết giảm nhẹ, vị Chủ tọa phiên tòa giải thích, việc lập công chuộc tội thì công phải được lập sau khi thực hiện hành vi phạm tội.
Ở đây, các giải thưởng của bị cáo chỉ được coi là thành tích trong công tác, không thể coi là lập công chuộc tội.
Các bị cáo còn rất khỏe
Tiếp đó, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã thực hiện đối đáp lại các luật sư và bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN và Tổng công ty Xây lắp dầu khí PVC.
"Phiên tòa diễn ra 5 ngày rồi, chúng tôi thấy luật sư và các bị cáo còn rất khỏe, đặc biệt là các bị cáo có sức khỏe rất tốt để phục vụ phiên tòa này.
Chúng tôi nhận thấy các bị cáo mong muốn bản án được ban hành sớm nhất để chấp hành"- Phó viện trưởng VKSND cấp cao Lê Tư Quỳnh mở đầu phần đối đáp với các bị cáo và luật sư.
Đến thời điểm này, VKS thấy không có bị cáo nào kêu oan, chỉ có bị cáo Đinh La Thăng và Phùng Đình Thực cho rằng các bị cáo không phạm tội cố ý làm trái như bị quy kết, mà phạm một tội khác nhẹ hơn là tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Về hành vi của bị cáo Đinh La Thăng, VKS thấy về cơ bản không có gì mới. Căn bản nhất là bị cáo đã nhận thấy việc này là sai, nhưng việc nhận của bị cáo có mức độ.
Đến thời điểm này, quan điểm của VKSND Cấp cao là có điều kiện áp dụng cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ là khai nhận hành vi phạm tội.
Về hành vi của bị cáo Phùng Đình Thực, theo VKS, bị cáo Thực và bị cáo Đinh La Thăng phạm tội theo điều 165 BLHS (tội Cố ý làm trái) chứ không phải điều 285 (tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng).
Tại thời điểm này, có thông tin gia đình bị cáo đã quyết định bán nhà để khắc phục hậu quả cho bị cáo, nếu đúng vậy thì đây là tình tiết giảm nhẹ "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả"
VKS thấy không có đủ căn cứ miễn TNHS cho bị cáo, nhưng có thể giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo ở mức tối đa.
"Đối với sức khỏe, hoàn cảnh, đặc biệt là trình độ của bị cáo, bị cáo vẫn là người đang có ích cho xã hội, vẫn có thể cống hiến được hơn nhiều người khác.
Chúng tôi đã trao đổi với các kiểm sát viên khác, thấy rằng đối với bị cáo Thực, giai đoạn thi hành án, bị cáo có thể xin ông Chánh án TAND TP. Hà Nội xin không chấp hành để làm một việc gì đó, hoặc lý do gì đó.
Chắc chắn họ cũng không bắt bị cáo đi thi hành bản án", đại diện VKS nói và cho biết thêm, từng thời kỳ, bị cáo có thể xin Chủ tịch nước sẽ được ân giảm, không nhất thiết phải bắt các bị cáo phải đi thi hành án.
HĐXX tuyên án ông Đinh La Thăng và 6 đồng phạm trong vụ án làm thất thoát 800 tỷ đồng của PVN