Sáng 12/9, TAND cấp cao tại Hà Nội đã diễn ra phiên xử phúc thẩm các bị cáo trong vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) khiến 13 người tử vong.
3 bị cáo Nguyễn Diệu Linh (32 tuổi, chủ quán), Hoàng Văn Tuấn (25 tuổi, thợ hàn) và Lê Thị Thì (56 tuổi) bị truy tố tội Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy.
Theo cáo trạng của, Linh là người đã để quán karaoke hoạt động dù chưa có giấy phép và chưa được nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Tháng 11/2016, Linh thuê Lê Thị Thì tới hàn các khung sắt ở trần để ốp gỗ tại quán karaoke với giá 500.000 đồng. Thì đã cùng Hoàng Văn Tuấn đến thi công.
Quá trình làm việc, Tuấn dùng lửa cắt bản lề cánh cửa ra vào phòng hát tại tầng 2. Khi thi công Tuấn không sử dụng các dụng cụ che chắn, bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy khiến vảy hàn bắn vào phần ốp cách âm, gây cháy.
Vụ hỏa hoạn làm 13 nạn nhân tử vong (gồm 1 nhân viên và 12 khách). Lửa thiêu rụi toàn bộ quán karaoke và mặt tiền 3 căn nhà gần đó.
Tại phiên sơ thẩm diễn ra hồi tháng 3/2018, TAND Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Diệu Linh 9 năm tù giam, Hoàng Văn Tuấn và Lê Thị Thì cùng chịu chung mức án 7 năm tù.
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm này, trả lời HĐXX, bị cáo Linh khóc, trình bày bố mẹ đã bán hết nhà cửa để bồi thường, cô không thể đền bù được nữa. Hơn nữa, bị cáo lại đang nuôi con.
Linh khẳng định bị cáo vẫn giữ nguyên kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt mà tòa sơ thẩm đã tuyên 9 năm tù.
Các bị cáo tại phiên xử. Ảnh: H A.
Đến phần xét hỏi, bị cáo Lê Thị Thì nói, bị cáo là người quản lý của thợ hàn. Tuy nhiên, khi Tuấn hàn bắt vít vào các bản lề cánh cửa thì bị cáo đang đứng cách đó khoảng 3m mải nói chuyện với người khác nên không để ý.
Chủ tọa giải thích, bị cáo là người quản lý Tuấn, nếu bị cáo không đồng ý thì Tuấn sẽ không dám thực hiện công việc. Từ hồ sơ vụ án cho thấy chị chẳng quan tâm gì đến phòng cháy chữa cháy.
Nghe chủ tọa phân tích, bị cáo Thì khóc, cho rằng việc để xảy cháy là do thợ hàn thực hiện, bị cáo không thể quản lý hết các công việc của thợ được. "Mong tòa xem xét cho bị cáo. Bị cáo muốn có bản án thấp nhất để có ngày trở về, bị cáo bù đắp phần nào cho các bị hại", Thì nói.
Là người được xét hỏi cuối cùng, Tuấn khai, khi hàn có biết việc hàn có thể sẽ gây ra cháy, tuy nhiên bị cáo đã chủ quan. Gia đình bị cáo khó khăn, bị cáo là lao động chính.
"Trong hợp đồng hàn ở quán karaoke, bị cáo chỉ được hưởng công 200.000 đồng. Bị cáo kháng cáo mong HĐXX xem xét hoàn cảnh, giảm nhẹ hình phạt", Tuấn nói.
Nói trong phiên Tòa, anh Sơn (đại diện gia đình nạn nhân) khẳng định các gia đình đều yêu cầu tăng hình phạt đối với Linh.
Theo anh Sơn, gia đình nạn nhân không kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt với Tuấn. Nhưng với Linh, dù ở phiên sơ thẩm bị cáo đã xin lỗi, nhưng việc Linh đền bù 120 triệu chỉ là hành động qua loa.
Trong phần luận tội, VKS nêu quan điểm, xét lời khai của các bị cáo, người liên quan tại tòa, có đủ căn cứ các bị cáo Linh, Tuấn và Thì khi thực hiện hành vi liên quan đã không tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, quy định về an toàn lao động.
Từ đó, VKS đề nghị HĐXX bác kháng cáo của 3 bị cáo, không chấp nhận kháng cáo của gia đình các bị hại. VKS đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau phần nghị án, HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với các bị cáo.