Cách tính ngày sinh dự đoán
Thông thường ngày sinh dự đoán của người phụ nữ mang thai được tính theo ngày đầu của kỳ kinh nguyệt cuối cùng và tính đúng 40 tuần kể từ ngày đầu của kỳ kinh nguyệt.
Nếu tính theo dương lịch, lấy ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng cộng (+) thêm 7 để có ngày sinh dự đoán, lấy tháng của kỳ kinh cuối cùng cộng (+) thêm 9 hoặc trừ (-) đi 3 nếu tổng số lớn hơn 12 để có tháng sinh dự đoán.
Ví dụ ngày đầu của kỳ kinh cuối là 15/9/2017 thì ngày sinh dự đoán của sản phụ sẽ là ngày 22 /6/2018.
Cũng có thể sử dụng bảng quay có sẵn tại cơ sở y tế để tính ngày sinh dự đoán. Khi người phụ nữ mang thai không nhớ ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng thì có thể dựa trên kết quả siêu âm để xác định tuổi của thai nhi, trường hợp này thường chính xác nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Trường hợp người phụ nữ mang thai không nhớ ngày dương lịch, chỉ nhớ ngày âm lịch thì nhân viên y tế phải dựa vào lịch âm dương mà chuyển ngày âm sang ngày dương, tháng âm sang tháng dương.
Ngoài ra, trong các trường hợp thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp bơm tinh trùng vào tử cung, chuyển phôi thụ tinh trong ống nghiệm thì ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng được tính trước ngày bơm tinh trùng hay chuyển phôi 14 ngày; ngày sinh dự đoán cũng được tính như cách đã nêu ở trên.
Mặc dù người phụ nữ khi đi khám thai được xác định ngày sinh dự đoán để chuẩn bị cho việc sinh để nhưng trên thực tế gần đến ngày sinh có những tình huống bất ngờ xảy ra làm cho người phụ nữ mang thai có thể bị đẻ rơi ở những vị trí khác nhau trước ngày sinh dự đoán mà không lường trước được.
Một sản phụ đẻ rơi trẻ sơ sinh trên đường đi đến cơ sở y tế
Xử trí trường hợp trẻ bị đẻ rơi
Trường hợp trẻ bị đẻ rơi được xác định khi tình trạng sinh đẻ của người phụ nữ mang thai không được dự kiến và thường xảy ra ngoài ý muốn của mọi người ở những nơi không phù hợp với việc sinh đẻ như: tại nơi đang làm việc gồm công sở, nhà máy, công ty, xí nghiệp, cánh đồng, chợ búa, thậm chí ngay ở cả nhà vệ sinh...; trên các phương tiện giao thông gồm xe ô tô, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay...; trên đường đi làm việc hoặc đi đến cơ sở y tế...
Việc xử trí trẻ bị đẻ rơi phải được thực hiện một cách khẩn cấp ngay tại chỗ xảy ra đẻ rơi và tùy theo tình huống cụ thể của sản phụ khi đó để can thiệp.
Trước hết phải nhanh chóng giải phóng thai nhi ra khỏi quần hoặc váy áo của sản phụ, sau đó nếu có sẵn túi đỡ đẻ sạch vô trùng thì xé ngay bao gói để sử dụng các vật liệu, dụng cụ đã có sẵn ở trong đó.
Cần trải tấm ni-lông ngay tại nơi bà mẹ đẻ rơi và đặt đứa trẻ sơ sinh nằm vào đó, ủ ấm trẻ bằng bất cứ thứ gì có thể có được ở người mẹ và người xử trí can thiệp như khăn, áo, giấy báo...
Tiếp theo lấy các sợi chỉ buộc dây rốn ở trong gói dụng cụ để buộc chặt dây rốn ở vị trí càng xa da bụng của trẻ càng tốt, lưu ý không được cắt dây rốn.
Sau đó chuyển đứa trẻ sơ sinh cho người mẹ ôm sát vào người để hạn chế tình trạng trẻ bị nhiễm lạnh và tìm mọi cách chuyển hai mẹ con đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được chăm sóc tiếp tục.
Tại cơ sở y tế, người mẹ sẽ được lấy bánh nhau ra, theo dõi và xử trí tình trạng chảy máu, nhiễm khuẩn; đứa trẻ sơ sinh sẽ được thực hiện việc buộc lại dây rốn đúng kỹ thuật và cả mẹ lẫn con sẽ được tiêm huyết thanh chống uốn ván.
Nếu trường hợp không có sẵn túi đỡ đẻ sạch vô trùng thì ngay lập tức phải ủ ấm trẻ sơ sinh bị đẻ rơi bằng mọi vật dụng đồ vải có sẵn tại chỗ.
Tiếp theo tìm một sợi dây nhỏ, mềm, bất cứ là loại dây gì như dây rút, dây xé từ vạt áo hay khăn tay, dây buộc đồ đạc... để buộc chặt dây rốn càng xa nơi của phần dây rốn ở bụng trẻ sơ sinh càng tốt.
Lưu ý không được cắt dây rốn, sau đó chuyển đứa trẻ sơ sinh cho người mẹ ôm ấp để ủ ấm và tìm mọi cách chuyển ngay hai mẹ con đến cơ sở y tế nơi gần nhất để tiếp tục xử trí can thiệp cho cả mẹ lẫn con như nội dung đã nêu ở trên.