Miền Bắc nước ta vừa trải qua chuỗi ngày dài với kiểu thời tiết mưa phùn, kéo theo độ ẩm trong không khí cao. Vào những ngày này, cụm từ thường được nhiều người than trời đó chính là "nhà đổ mồ hôi".
Giải thích kỹ hơn hiện tượng đổ mồ hôi, tức là sàn nhà, tường nhà hay thậm chí là các vật dụng, đồ nội thất trong gia đình bị chảy nước. Hiện tượng này diễn ra trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ của không gian cũng như hiệu quả hoạt động của các thiết bị.
Đặc biệt với tường nhà, trong các góc tối, khe kẽ mà con người ít để ý tới, chúng có thể xuất hiện những vết mốc thâm đen, thậm chí là phồng rộp, bong tróc. Nếu không được xử lý kịp thời, các vết mốc này còn khiến ngôi nhà dễ bị thấm nước, từ đó kéo theo công trình nhà ở xuống cấp.
Tường nhà sau những ngày nồm ẩm có thể bị mốc. (Ảnh minh họa)
Nếu gia đình bạn cũng đang gặp phải tình trạng mốc đen, phồng rộp hay bong tróc tường nhà, trước khi tiến hành xử lý vấn đề sâu hơn, có thể vệ sinh qua bằng các nguyên liệu đơn giản, hầu như nhà nào cũng có. Chúng bao gồm chanh, giấm, baking soda và thuốc tẩy.
1. Với giấm
Là một gia vị được sử dụng quen thuộc trong căn bếp, tuy nhiên giấm cũng có công dụng làm sạch các vật dụng hiệu quả, nhờ vào axit mà giấm có chứa. Theo chuyên trang The Spruce, giấm trắng chưng cất có tính axit đủ để phá vỡ cấu trúc và tiêu diệt các vết nấm mốc một cách hiệu quả và nhanh chóng. WikiHow cũng cho biết, giấm là một giải pháp tốt cho nấm mốc trên bất kỳ bề mặt nào, kể cả thảm hay các vật dụng bằng gỗ, và với tường nhà cũng vậy.
Cách làm vô cùng đơn giản như sau: Đổ giấm vào một lọ hoặc bình xịt, sau đó xịt lên các khu vực tường nấm mốc cần làm sạch. Để trong khoảng 30 phút để giấm được thấm sâu vào các vết nấm mốc. Cuối cùng là dùng khăn mềm lau sạch lại.
Giấm có thể làm sạch các vết mốc trên tường hiệu quả. (Ảnh minh họa)
Với các vết nấm mốc có vẻ cứng đầu hơn, cũng có thể kết hợp giấm với một loại nguyên liệu khác, đó là baking soda. Baking soda dù không phải là kiểu nguyên liệu tự nhiên như giấm song vẫn khá an toàn với sức khỏe con người. Nó còn có thể dùng trong nấu ăn hay làm sạch răng miệng.
Bạn sẽ trộn giấm và baking soda lại, sao cho có một hỗn hợp đặt sệt. Sau đó dùng bàn chải chà hỗn hợp lên các khu vực tường nấm mốc cần làm sạch. Ở hỗn hợp này, chỉ cần để ngâm trong khoảng 15 phút. Cuối cùng cũng dùng khăn sạch lau lại và để tường khô tự nhiên.
2. Với chanh
Tương tự như giấm, trong chanh cũng có chứa axit, vì vậy nó cũng có hiệu quả trong việc tẩy rửa các vết bẩn hay nấm mốc. Tuy nhiên, cách làm với chanh chỉ phù hợp với những vết mốc chưa quá nghiêm trọng.
Cách làm là cắt đôi quả chanh ra, sau đó dùng các phần nửa quả, chà xát lên các bề mặt cần làm sạch. Một cách làm khác nữa đó là vắt chanh và lấy nước cốt ra một chiếc cốc. Sau đó dùng bàn chải thấm nước cốt chanh rồi cọ bề mặt tường. Cuối cùng thì dùng một nước sạch và khăn mềm lau lại.
Ảnh minh họa.
3. Với thuốc tẩy
Thuốc tẩy là phương pháp cuối cùng mà người dùng nên cân nhắc tới, bởi cho dù có độ hiệu quả cao, song mùi thuốc tẩy vốn không thân thiện với sức khỏe con người, đặc biệt là trong không gian quá nhỏ và kín.
Thuốc tẩy sẽ có tác dụng trên cả bề mặt tường bê tông, tường gạch hay cả tường kính. Trước khi thực hiện vệ sinh nấm mốc bằng thuốc tẩy, hãy trang bị cho bản thân găng tay và khẩu trang, đồng thời mở tất cả các cửa trong nhà.
Cách làm như sau: Trộn thuốc tẩy với nước theo tỷ lệ 1:2. Ví dụ với diện tích làm sạch là 20m2 tường, thì dùng 1 lít thuốc tẩy và 2 lít nước sạch. Bước tiếp đến dùng dụng cụ lăn sơn nhúng vào hỗn hợp dung dịch và lăn trên mảng tường bị nấm mốc, rồi dùng bàn chải cọ sạch. Khi các vết mốc đã được cọ sạch thì dùng quạt thổi lên tường để mùi hóa chất bốc đi nhanh hơn.
Các nguyên nhân khác dẫn tới thấm, mốc tường nhà
Theo một số công ty, đơn vị xây dựng chuyên nghiệp, không chỉ có vào những ngày nồm nghiêm trọng, Việt Nam với đặc điểm thời tiết nhiệt đới ẩm gió mùa, nguy cơ tường nhà bị thấm nước, thấm ẩm dẫn tới mốc có thể vào thời gian quanh năm, đặc biệt với những ngôi nhà không được xử lý chống thấm tốt ngay từ đầu.
Tiếp đến, cũng có thể do chọn loại sơn tường kém chất lượng, dẫn đến lâu ngày, nước sơn không còn được bền đẹp như ban đầu mà dẫn đến bong tróc. Hoặc do lúc thi công, người thợ không thực hiện đúng kỹ thuật pha trộn hỗn hợp, dẫn đến mất cân bằng tỉ lệ, ảnh hưởng đến chất lượng của cả mảng tường được sơn.
Một số nguyên nhân khác cũng được chỉ ra như:
- Thợ thi công tiến hành sơn tường vào thời điểm bề mặt bê tông còn tươi, độ kiềm cao, tường chưa khô hoàn toàn.
- Không sơn đủ 2 mặt trong và ngoài của tường, chỉ sơn 1 mặt.
- Có những tác động bởi lực từ bên ngoài như cạy, sử dụng chất có độ dính treo đồ, va chạm với các vật cứng,..
Nếu vết mốc không thể xử lý triệt để bằng các dung dịch và hỗn hợp về sinh trên, tốt hơn hết bạn nên áp dụng các biện pháp "nặng" hơn. Có thể kể tới là cạo toàn bộ lớp tường mốc, phồng rộp ra, để cho khô ráo rồi tiến hành trát lại toàn bộ. Hoặc có thể dùng các miếng nhựa, miếng xốp dán tường. Tuy nhiên đó đều chỉ là phương pháp tạm thời, với những gia đình chưa có điều kiện để giải quyết, loại bỏ ngay những mảng phồng rộp, bong tróc trên tường nhà mình.
Với những vết mốc nghiêm trọng không thể vệ sinh, cần cạo sạch mảng tường đó đi...
rồi tiến hành sơn lại hoặc dán các miếng nhựa, xốp dán tường lên. (Ảnh minh họa)
Bạn có thể mua về những miếng nhựa PVC, hoặc những miếng xốp dán tường trang trí, che phủ lên phần bong tróc kém thẩm mỹ. Việc làm này chỉ giải quyết được vấn đề về phần nhìn chứ không giải quyết được phần sâu trong bản chất.
Tóm lại, đối với những gia chủ chưa gặp trường hợp tường nhà bị mốc lở, bong tróc như trong bài viết, tốt hơn hết hãy xử lí triệt để ngay từ đầu. Đó là chọn loại sơn chất lượng, thi công đúng cách, đặc biệt là chống thấm nước, thấm ẩm thật tốt.