95% kiến nghị chỉ để... giáo dục
Tại hội thảo, tân Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý đã có bài phát biểu ấn tượng trước giới học giả và truyền thông.
Một trong những vấn đề ông đề cập đến khi nói về việc giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển nói chung và ở Biển Đông nói chung chính là ý chí chính trị của các quốc gia.
Ông Quý nói: "Tôi tán thành với Đại sứ Bruno Angelet (Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam) là chúng ta phải đi đến những kiến nghị càng cụ thể càng tốt.
Nhưng các quốc gia liên quan sẽ tiếp nhận những kiến nghị của chúng ta như thế nào? Chính vì thế, cần phải có ý chí chính trị".
Trả lời câu hỏi của giới học giả tại Hội thảo về các sáng kiến xử lý vấn đề tại Biển Đông, TS Đặng Đình Quý cho biết:
"Thời gian làm giám đốc Học viện Ngoại giao, tôi học được nhiều từ quý vị và rất trăn trở về nhiều kiến nghị hay nhưng không quá 5% kiến nghị đi vào thực tế. Còn lại chỉ để giáo dục.
Ở địa vị mới (vị trí Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), mong muốn của tôi là nhiều ý tưởng của các học giả được đưa vào thực tế".
Theo TS Quý, muốn hợp tác thì phải có lòng tin, mà muốn có lòng tin thì phải hướng đến việc không còn những sự việc trên Biển Đông như thời gian vừa qua.
Những sự việc như đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của VN ở Biển Đông hay bồi đắp trái phép các đảo ở Trường Sa đã làm xói mòn lòng tin vào Trung Quốc.
Không có ý chí chính trị, đến khi giải quyết được thì biển đã chết
Bên lề Hội thảo, TS. Đặng Đình Quý - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã có cuộc chia sẻ với báo giới về vai trò của truyền thông trong việc thúc đẩy ý chí chính trị của các vị lãnh đạo các quốc gia có liên quan đến vấn đề Biển Đông.
PV: Xin ông có thể giải thích rõ hơn về vai trò của truyền thông trong việc thúc đẩy ý chí của các nhà lãnh đạo các quốc gia trong việc xử lý vấn đề tại Biển Đông?
TS. Đặng Đình Quý: Ý chí chính trị của giới cầm quyền là hết sức quan trọng. Bởi chúng ta biết rằng liên quan đến những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, tranh chấp vùng biển trên Biển Đông có rất nhiều sáng kiến rồi.
Nhưng để cho những ý kiến đó đi vào cuộc sống thực tiễn được thì phải có ý chí chính trị. Việc giải quyết phân định ở vịnh Bắc Bộ là có quyết tâm chính trị của cả hai bên rất lớn. Hiện trên Biển Đông còn đang thiếu cái đó.
Giới truyền thông, học giả có vai trò rất quan trọng vì đó là những người cung cấp thông tin, cung cấp đánh giá rằng tình hình nguy hại đến như thế mà không giải quyết được thì nó sẽ ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài, đến lợi ích của chính các quốc gia, các dân tộc đó.
Vì thế, phải đi đến quyết tâm chính trị mà làm.
Như tôi đã nói rằng nếu bây giờ không giải quyết được, cứ lừng chừng mà không có quyết tâm chính trị thì đến khi giải quyết được thì biển của chúng ta đã trở thành biển chết rồi.
PV: Ông đánh giá như thế nào vai trò của giới học giả và truyền thông Việt Nam?
TS. Đặng Đình Quý: Chúng ta đã làm và làm rất nhiều. Chúng ta đã sẵn sàng ý chí chính trị để làm việc đó.
Nhưng để làm được việc đó thì cần ý chí chính trị của rất nhiều bên liên quan. Và chúng ta vẫn chưa nhìn thấy những quyết tâm chính trị đó để có thể giải quyết vấn đề đó một cách đến cùng.
PV: Trong những buổi hội thảo như thế này thì có nhiều học giả đến từ các nước, vậy chúng ta phải làm như thế nào để họ có quyết tâm như chúng ta để thúc đẩy ý chí chính trị của các nước khác có lợi ích liên quan?
TS. Đặng Đình Quý: Để có ý chí chính trị và quyết tâm chính trị, đó là một trong những mục tiêu của hội thảo như thế này.
Vì thế, trong hội thảo này chúng ta có sự hiện diện của các quan chức, các học giả từ các bên liên quan đến tranh chấp, từ các nước ASEAN, từ Trung Quốc.
Và vì vậy tiếng nói, những trao đổi, kiến nghị thì qua các kênh học giả đó để mình truyền tải đến giới lãnh đạo các nước liên quan về vấn đề cần có một ý chí chính trị về lợi ích của chính họ, cũng là vì lợi ích của cả cộng đồng.
Xin cám ơn ông.