Một bữa nhậu đêm ở Việt Nam không thể thiếu bia hơi, đồ uống quen thuộc với hàm lượng cồn khoảng 3%. Người ta uống bia trên những chiếc ghế nhỏ trên vỉa hè.
Ngành sản xuất bia thủ công ở Việt Nam đang bùng nổ với hơn 10 nhà máy bia đi vào hoạt động trong vòng hai năm qua, làm thay đổi thị trường bia trong nước.
"Văn hóa uống bia của người Việt bắt đầu bằng bia hơi", Hao Tran, người quản lý trang web viết về phong cách sống của người Việt Nam (Vietcetera) nói với CNN. Theo Hao, văn hóa uống bia hơi được hình thành từ Phố cổ Hà Nội hoặc phố Bùi Viện ở Sài Gòn.
Hương vị mới mẻ
Theo bộ Công thương, Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ bia lớn nhất châu Á với 3,8 tỷ lít trong năm 2016.
Trước sự tồn tại của các thương hiệu lớn như Tiger, bia Saigon, bia thủ công vẫn có chỗ đứng trên thị trường. Chỉ tính riêng thành phố Hồ Chí Minh, người tiêu dùng đã có thể kể đến các nhà sản xuất như Platinum, Pasteur Street Brewing, Winking Seal, Heart of Darkness và Fuzzy Logic.
Những thương hiệu bia này đã mang hương vị bia vàng Ấn Độ (IPAs) cùng một số hương vị bia lạ vào thị trường Việt Nam.
"Thu nhập của người Việt dần tăng lên, họ trải nghiệm nhiều hương vị bia đạt tiêu chuẩn thế giới", Tran cho biết. "Thị hiếu và sở thích của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi và phát triển".
Người Việt cởi mở hơn
Là một trong những nhà tiên phong sản xuất bia thủ công ở Việt Nam, Pasteur Street Brewing ra mắt vào năm 2015 và hiện phân phối sản phẩm không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Malaysia, Australia, Hong Kong và Mỹ.
Cuối năm nay, công ty sẽ mở rộng thị trường sang Nhật Bản và châu Âu. Thương hiệu này dù nhập khẩu hoa bia từ Mỹ và lúa mạch từ châu Âu nhưng cũng kết hợp cả những nguyên liệu địa phương trong quá trình sản xuất.
Bia thủ công kết hợp các nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam.
Các nhà sản xuất bia tiếp cận với đủ các loại nguyên liệu địa phương từ sô cô la Marou đến cà phê Đà Lạt hay các loại trái cây, thậm chí cả sầu riêng, loại quả có mùi đặc trưng.
"Người Việt Nam đang trở nên cởi mở hơn", John Reid, giám đốc Pasteur Street Brewing, nhận xét.
"Với Internet và công nghệ thông tin, người Việt muốn trở thành một phần trong xu hướng của thế giới. Bạn có thể thấy bia thủ công có mặt ở Mỹ, có lẽ một vài gia đình Việt Nam đã đến California... và chợt nghĩ: ‘Tại sao nước mình không có thứ này?’"
Trong khi những nhà máy bia đầu tiên được người nước ngoài thành lập, các doanh nhân Việt Nam cũng bắt đầu tham gia thị trường mới mẻ này.
Bia thủ công dần dần khẳng định chỗ đứng trong thị trường bia Việt.
Có thể kể đến công ty bia East West dưới sự điều hành của Loc Truong, một người Mỹ gốc Việt, từng làm việc cho công ty Anheuser-Busch InBev, hãng sản xuất bia rượu và nước giải khát nổi tiếng, hay sản phẩm bia của Le Wit từ quả lê hoặc mâm xôi.
"Nhiều người không biết bia có rất nhiều hương vị khác nhau", Truong cho biết.
"Chúng tôi thấy khách hàng quay lại 5,6 lần một tuần và nói rằng họ không thể uống những loại bia truyền thống (như bia hơi) được nữa. Một khi đã nếm thử bia thủ công, họ không thể chối từ".
Một trong những phương thức quảng bá bia thủ công là các tour tham quan nhà máy bia.
Bên trong tòa nhà kính khổng lồ, khách tham quan có thể hòa mình vào các quán bar hay nhà hàng sang trọng phục vụ bia thủ công ở các tầng phía dưới hoặc lên tầng cao nhất, tận mắt trông thấy những thùng bia trong quá trình lên men.
Xương chưng cất bia thủ công.
Trước khi bắt đầu kinh doanh, Truong dự đoán người nước ngoài và khách du lịch sẽ là nguồn tăng doanh thu chính.
Tuy nhiên, sau 6 tháng đầu đi vào hoạt động, 85% khách hàng của anh lại là người Việt Nam. Để lý giải điều này, Trương nhận định một phần là do người Việt thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng tăng.