Người lao động trầm cảm vì áp lực công việc
Trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản là đất nước chật vật ứng phó với vấn nạn karoshi - "Chết do làm việc quá sức". Theo số liệu của chính phủ, trong 3 tháng đầu năm 2021, đã có hơn 2.800 yêu cầu bồi thường liên quan đến karoshi, tăng 43% so với 10 năm trước.
Vấn nạn này đã dấy lên làn sóng phản đối kịch liệt của công chúng khi một nhân viên 24 tuổi tại công ty quảng cáo Dentsu tự tử vào năm 2015 sau khi làm việc quá giờ.
Các quốc gia láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc cũng được biết đến với tình trạng làm việc quá sức.
Yuikmi Takahashi (phải), mẹ của Matsuri Takahashi, nữ nhân viên 24 tuổi tự tử sau khi tăng ca quá nhiều, tại buổi họp báo cùng Bộ Y tế Nhật Bản ngày 7/10/2016. Ảnh: AP
Trong văn hóa làm việc "996" của Trung Quốc, đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực công nghệ, nhân viên làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần.
Còn tại Hàn Quốc, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thống kê, người Hàn Quốc làm việc trung bình 1.908 giờ vào năm 2020, cao nhất ở châu Á và nhiều hơn 221 giờ so với mức trung bình của các nước OECD.
Hàng loạt các quốc gia thử nghiệm xu hướng tuần làm 4 ngày
Nhật Bản, quốc gia nổi tiếng từ lâu với văn hóa làm việc khắc nghiệt, hiện đi đầu trong xu hướng mới tại châu Á. Một số công ty lớn ở nước này đã bắt kịp xu hướng khi công bố kế hoạch cắt giảm số ngày làm việc trong tuần.
Cụ thể, tập đoàn Hitachi thông báo áp dụng thử nghiệm 4 ngày làm việc/tuần cho khoảng 15.000 nhân viên, dự kiến kết thúc vào tháng 3 năm sau. Cùng tháng, nhà phát triển trò chơi Game Freak, nổi tiếng với tựa game Pokemon, cũng cho biết đã thử nghiệm chương trình cắt giảm ngày làm việc với một số nhân viên. Các công ty tên tuổi khác như Panasonic Holdings và NEC cũng xem xét các biện pháp này.
Persol Holdings, "gã khổng lồ" ngành nhân sự Nhật Bản, gần đây đã khảo sát khoảng 1.000 nhân viên về những chính sách mà họ mong muốn công ty sẽ áp dụng. 23,5% nhân viên, chiếm tỷ lệ lớn nhất, ủng hộ tuần làm việc 3-4 ngày.
Nhân viên SMBC Nikko Securities Inc. làm việc tại văn phòng công ty ở Tokyo ngày 30/6/2011. Ảnh: Reuters.
Tương tự, tại Indonesia, công ty cho vay ngang hàng Alami đã giới thiệu chính sách tuần làm việc 4 ngày từ năm 2021, trong nỗ lực cải thiện sức khỏe tinh thần và năng suất lao động cho nhân viên.
Tại Ấn Độ, theo các quy định lao động sẽ được áp dụng trong năm nay, người lao động có thể được chọn làm việc 4 ngày/tuần, dù tổng thời gian làm việc khoảng 48 giờ/tuần sẽ không đổi.
Trước đó, năm 2019, công ty giáo dục Eduwill trở thành đơn vị đầu tiên tại Hàn Quốc áp dụng chính sách tuần làm việc 4 ngày. Sáng kiến của Eduwill đã thúc đẩy bà Sim Sang-jung thuộc đảng Công lý, người từng là ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc hồi tháng 3, coi kế hoạch làm việc 4 ngày/tuần là một trong những chính sách tranh cử quan trọng.
Được biết, xu hướng tuần làm việc 4 ngày ra đời nhằm thích ứng với bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhiều công ty lẫn nhân viên suy nghĩ lại về cách thức làm việc. Các cuộc khảo sát ở nhiều nước châu Á cho thấy tuần làm việc ngắn hơn là một trong những chính sách được người lao động mong muốn nhất.
Ngoài ra, nỗ lực rút ngắn ngày làm cũng là một phần trong làn sóng phản ứng của người lao động với thời gian làm việc vốn đã quá dài ở châu Á.
Vẫn còn nhiều thách thức
Thời gian làm việc kéo dài dẫn tới năng suất lao động không đạt hiệu quả. Một báo cáo năm 2021 của Tổ chức Năng suất Châu Á cho thấy ngoài Singapore, nhiều quốc gia trong khu vực không theo kịp phương Tây về năng suất lao động. Mức năng suất trung bình của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thấp hơn 81% so với Mỹ.
Ở phương Tây, các doanh nghiệp được yêu cầu phải có khoảng nghỉ giữa các ca làm việc và phải trả nhiều tiền khi một nhân viên làm thêm giờ. Nhưng ở Nhật Bản, tiền trả thêm giờ chỉ là mức lương cơ bản cộng với 25%, thấp hơn nhiều so với tiền làm thêm giờ ở Mỹ và Anh.
Do đó, một số nhà nhận định cho rằng không chỉ riêng các công ty mà chính phủ cũng cần hành động.
Song, không phải chính phủ nào cũng đồng tình với sáng kiến làm ít ngày hơn trong tuần. Tại Trung Quốc, Bộ Lao động nước này đã "dội một gáo nước lạnh" lên các nhà lập pháp vào năm ngoái khi họ đề xuất một tuần làm việc 36 tiếng, tương đương 4,5 ngày.
"Chẳng có cơ sở thực tiễn nào để rút ngắn thời gian làm việc", Bộ trích dẫn chi phí cao cùng gánh nặng sẽ đè lên vai doanh nghiệp. Người tuyển dụng phải trả từ 150% đến 300% mức lương cơ bản cho những giờ làm thêm.
Một nhân viên chợp mắt bên trong trụ sở của tập đoàn Alibaba tại Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Rút ngắn thời gian làm việc có thể cản trở Trung Quốc trở thành quốc gia phát triển hàng đầu vào năm 2035. Bên cạnh đó, cũng có nhiều thách thức khi các quốc gia áp dụng thay đổi đáng kể trong mô hình làm việc.
Kyoko Kida, người điều hành website tuyển dụng Nhật Bản Doda, cho biết một số công ty áp dụng một tuần làm việc 4 ngày đã chỉ ra một loạt vấn đề, ví dụ như khối lượng công việc giảm xuống nhiều hơn đối với một số nhân viên, cũng như khiến việc quản lý và tính toán lương phức tạp hơn.
Khi nói đến việc thực hiện một tuần làm việc 4 ngày, "thiếu sự chuẩn bị thích hợp sẽ dẫn đến thất bại", ông Kida kết luận.
Nguồn: Nikkei Asia