Xu hướng mới của chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu: 'Not Made in China'

Nguyễn Hải |

Được khởi động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, xu hướng rời khỏi Trung Quốc của chuỗi cung cấp toàn cầu càng được đẩy nhanh hơn khi virus corona xuất hiện và lây lan.

Cho đến 3 năm trước, Trung Quốc vẫn là một món quà trời ban cho hoạt động sản xuất thiết bị. Thế nhưng điều đó đang thay đổi 180 độ trong kỷ nguyên của chiến tranh thương mại và virus corona.

Bước vào kỷ nguyên này, các nhà sản xuất thiết bị điện tử trên thế giới đang tích cực tìm kiếm những cách thức khác để đa dạng hóa chuỗi cung cấp của mình và tránh phải phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào, cho dù nó có hấp dẫn đến đâu đi nữa.

Chưa bao giờ các nhà cung cấp trên toàn cầu lại lo lắng đến vậy. Không có gì lạ với điều này, bởi vì bất chấp mọi tính toán, thế giới đang phải đối mặt với những cú sốc về sản xuất lớn nhất thế giới từ 30 năm trước đến nay – thời điểm những nhà sản xuất Đài Loan, những người lắp ráp phần lớn linh kiện điện tử trên toàn cầu, bắt đầu chuyển nhà máy của họ sang Trung Quốc đại lục.

Xu hướng mới của chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu: Not Made in China - Ảnh 1.

Thế nhưng một xu hướng mới đã bắt đầu với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đạt đến đỉnh điểm vào năm ngoái. Giờ đây cuộc tấn công của đại dịch Covid-19 đã khiến kế hoạch này được tăng tốc đáng kể và khuyến khích các nhà lãnh đạo cởi mở hơn về những nỗ lực rời khỏi Trung Quốc của mình.

Ngày càng nhiều hơn những cuộc đối thoại giữa giám đốc các công ty công nghệ Đài Loan xung quanh việc chọn lựa địa điểm sản xuất tốt nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục. Họ ưa thích Việt Nam, bởi vị trí địa lý gần gũi của nơi này với Trung Quốc, cho dù chi phí lao động tại đây đang có xu hướng gia tăng. Cho dù Đài Loan là quê nhà họ, nhưng chi phí lương tại đây đang ngày càng đắt đỏ, buộc họ phải tìm đến những địa điểm khác.

Điều này khác hẳn với trước đây, khi ông Trump mới nhậm chức Tổng thống Mỹ. Khi đó các giám đốc điều hành thường tránh né những câu hỏi của các nhà phân tích về việc chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc, do không muốn chọc giận Bắc Kinh. Nhưng gần đây, họ ngày càng cởi mở hơn về các kế hoạch này khi thấy điều đó là không thể tránh khỏi. Không ai muốn bị coi là người đi sau trong việc phòng ngừa rủi ro.

Simon Lin, chủ tịch công ty lắp ráp iPhone, Wistron Corp, thậm chí còn táo bạo nói với các nhà phân tích vào tuần trước rằng, đến năm 2021, công ty ông sẽ 50% công suất lắp ráp ở bên ngoài Trung Quốc. Cũng chỉ trong tuần vừa qua, hai nhà lắp ráp khác của Đài Loan cũng thông báo kế hoạch của riêng họ để tăng cường năng lực sản xuất ngoài Trung Quốc.

Covid-19 đang trở thành động lực thúc đẩy ngoài dự kiến cho những kế hoạch này. Eric Tseng, CEO của hãng nghiên cứu Isaiah Research tại Đài Loan, cho biết một số công ty vốn đang ngần ngại đưa ra các quyết định về chuyển đổi chuỗi cung cấp, nhằm chờ đợi xem liệu có giải pháp lâu dài nào cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hay không. "Nhưng rồi virus corona mang lại ngay cơ cho gây bệnh cho mọi người. Giờ rất nhiều công ty sẽ tăng tốc việc rời đi của họ."

Xu hướng mới của chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu: Not Made in China - Ảnh 2.

Ngay cả những nhà cung cấp của Apple cũng đang bắt đầu quá trình rời khỏi Trung Quốc, dù Apple không vội vàng với điều này.

Tất nhiên, sẽ không dễ dàng gì tái tạo lại một bản sao cả một mạng lưới phức tạp của các nhà cung cấp, các công nhân có trình độ, hệ thống phân phối hiệu quả và một thị trường nội địa khổng lồ như của Trung Quốc, nơi chính quyền địa phương cũng đang tìm mọi cách giữ chân họ ở lại.

Tại Trịnh Châu, nơi có khu siêu phức hợp khổng lồ "Thành phố iPhone", chính quyền đã chỉ định đặc biệt những quan chức giúp đỡ Foxconn, đối tác của Apple, để giải quyết các vấn đề về hậu cần và thiếu hụt lao động khi virus corona lan rộng.

Thế nhưng ngay cả Apple cũng không vội vàng tìm cách rời khỏi Trung Quốc chỉ vì những gián đoạn liên quan đến virus. "Chúng tôi đang nói về việc điều chỉnh một số điểm thắt, không phải các thay đổi cơ bản, toàn bộ." CEO Tim Cook cho biết vào cuối tháng Ba vừa qua.

Cho dù vậy, từ năm ngoái Foxconn cũng đã bắt đầu sản xuất một số iPhone phiên bản cũ tại Ấn Độ, một động thái cho thấy Apple cũng đang ngày càng quan tâm đến việc củng cố sự hiện diện của mình tại thị trường smartphone lớn nhất thế giới sau Trung Quốc. Cho dù họ chọn Ấn Độ, Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào đi nữa – một điều rõ ràng rằng các nhà sản xuất điện tử đã đến điểm không thể quay lại trong hành trình rời khỏi Trung Quốc.

Xu hướng mới của chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu: Not Made in China - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại