"Vào ngày giao dịch hoàn tất, tôi cầm chìa khóa và tập hồ sơ trên tay, nhẹ nhõm bước qua đường".
Đó là chia sẻ của chị Joey Zhou sau khi mua được căn hộ đầu tiên cho riêng mình. Khoảnh khắc quẹt thẻ thanh toán, người phụ nữ này biết mình sẽ mắc nợ, song lại cảm thấy an toàn một cách khó tả.
Chị Qi Sun, 34 tuổi, cũng vừa mua một căn hộ rộng 60 m2 tại thành phố Thượng Hải để thoát khỏi cảm giác bất an khi thuê nhà. "Bạn tôi nói mua nhà dễ hơn tìm người yêu. Đúng là khi mua xong, tôi nhận ra việc kết hôn không còn quan trọng nữa".
Sun cho biết rất nhiều phụ nữ có cùng chung suy nghĩ với cô. "Họ mua nhà và không hối hận. Thứ duy nhất chúng tôi tiếc là không mua một căn lớn hơn", Sun nói.
Nữ giới cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến nhà đất
Zhou và Sun chỉ là 2 trong số rất nhiều phụ nữ Trung Quốc khao khát muốn mua nhà. Báo cáo trong năm 2021 của Viện Nghiên cứu Shell cho thấy, phụ nữ tại một số thành phố lớn như Trùng Khánh hay Thiên Tân thậm chí còn mua nhà nhiều hơn nam giới. Tỷ lệ phụ nữ mua nhà tại 30 thành phố lớn đã tăng khoảng 2% trong năm 2020, trong đó đáng chú ý nhất là nhóm dưới 29 tuổi.
Thị trường bất động sản không còn là sân chơi riêng cho những người giàu muốn gia tăng tài sản hay những nhà đầu tư muốn đầu cơ. Giờ đây, nữ giới cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến nhà đất, đơn giản để cảm thấy tự do và an toàn. Số liệu thống kê cho thấy khoảng 82% phụ nữ có kế hoạch mua nhà trong vòng 5 năm tới, trong khi 40% muốn sở hữu căn hộ riêng sau 2 năm.
"Nhiều người trong số này đều là con một. Ý thức về bản thân đã được hình thành từ những năm 1980-1990", giáo sư Dong Yige thuộc Đại học Buffalo (New York) cho biết. "Họ luôn muốn có cuộc sống riêng, tài sản riêng và ý thức rất rõ về sự độc lập".
Không còn mặn mà với việc kết hôn
Bất mãn với một xã hội bất bình đẳng giới được cho là nguyên nhân chính khiến phụ nữ Trung Quốc không còn mặn mà với việc kết hôn. "Người phụ nữ cảm thấy bị phân biệt đối xử. Và khi khoảng cách giàu nghèo càng mở rộng, lựa chọn tốt nhất cho họ là cố gắng đầu tư vào những tài sản có thể nắm giữ", giáo sư Dong nói.
Theo Emma Zang, phó giáo sư tại Đại học Yale, những thay đổi trong luật hôn nhân Trung Quốc hồi năm 2011 cũng tác động lên tâm lý phụ nữ đại lục. Trước đó, khi vợ chồng ly hôn, nhà riêng sẽ được chia đôi vì pháp luật coi đây là tài sản chung. Tuy nhiên, kể từ sau năm 2011, quyền sở hữu ngôi nhà sẽ phụ thuộc vào chữ ký trên giấy tờ chứng nhận tài sản - thứ vốn do người chồng đứng tên theo phong tục Trung Quốc. Chính vì vậy, phụ nữ sau khi kết hôn thường không dám ly hôn vì sợ mất tài sản.
Số liệu thống kê cho thấy năm 2020, chỉ có 8,13 triệu cặp vợ chồng Trung Quốc kết hôn - mức thấp nhất kể từ năm 2003
Tất cả những yếu tố trên khiến ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc ngại kết hôn. Số liệu thống kê cho thấy năm 2020, chỉ có 8,13 triệu cặp vợ chồng Trung Quốc kết hôn - mức thấp nhất kể từ năm 2003. Lo sợ điều này sẽ tác động lên các chính sách trẻ hoá dân số, bắt đầu từ tháng 1/2022, chính phủ đại lục chính thức áp dụng "30 ngày hòa giải" đối với các cặp đôi muốn ly dị. Trong khoảng thời gian tạm hoãn này, nếu 1 trong 2 người thay đổi ý định, thủ tục ly dị sẽ được huỷ bỏ.
Tuy nhiên, ngay cả khi chính phủ Trung Quốc nỗ lực "kết duyên" các cặp vợ chồng như vậy, chị Zhou vẫn quyết định ly hôn. Mọi ý thức về nghĩa vụ hôn nhân cũng như lý tưởng lãng mạn về người chồng cũ sẽ mãi mãi không thể quay trở lại.
"Tôi không ngờ việc khó khăn nhất trong quá trình ly hôn lại là thuyết phục bố mẹ. Họ rất truyền thống và quan niệm phụ nữ không nên ly dị chồng", chị Zhou nói.
Vài năm sau, Zhou tự mua cho mình căn hộ đầu tiên. Điều này càng khiến nhiều người quan ngại rằng cô sẽ độc thân suốt phần đời còn lại.
"Một số người cho rằng rất khó để kết hôn với phụ nữ đã có nhà riêng. Tôi khuyên bạn nên tránh xa những người như vậy. Họ chính là lý do khiến tôi và các cô gái khác muốn mua nhà trước khi kết hôn. Chúng tôi hiểu rằng mình phải kiếm sống trước đã", chị Zhou chia sẻ.
Theo: The Bharat Express News