Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) nói trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Năm rằng họ đã bắt giữ tàu chở dầu Nika Spirit của Nga, trước có tên là Neyma, tại cảng Izmail.
Tuyên bố trên nhắc tới một vụ đối đầu xảy ra vào tháng 11 năm ngoái, trong đó Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) đã xả đạn vào 3 tàu hải quân Ukraine sau khi cáo buộc các tàu này vi phạm quy định hàng hải khi đi qua eo biển Kerch và bắt giữ chúng.
Động thái của Nga lúc bấy giờ vấp phải chỉ trích của Kiev, các đồng minh phương Tây của họ, trong đó có Mỹ.
"Trái với thông lệ của luật hàng hải quốc tế, các binh sỹ của FSB của Nga đã sử dụng vũ khí một cách trái phép, chặn đường di chuyển của các chiến hạm Ukraine trong lúc chúng đang đi qua kênh Kerch-Yenikalskyi ở eo biển Kerch với sự hỗ trợ của tàu chở dầu "NEYMA"" - tuyên bố của SBU nêu rõ.
"Các hành động phi pháp như vậy góp phần gây ra bạo lực, bằng việc sử dụng vũ khí, cùng với việc bắt giữ các chiến hạm Ukraine cùng 24 thành viên thủy thủ đoàn" - tuyên bố nói thêm, cáo buộc Nga thay đổi tên tàu Neyma "với mục đích che đậy sự liên quan của con tàu này trong các hành động phi pháp và hành động hung hăng diễn ra vào ngày 25/11/2018".
SBU cho hay họ đã bắt đầu quá trình thẩm vấn thủy thủ trên con tàu này và thu giữ được "nhiều tài liệu cần thiết để tìm ra sự thực" liên quan tới vụ việc hồi năm ngoái. Trong khi đó, Moscow cảnh báo rằng hành động bắt giữ của Ukraine vi phạm luật pháp quốc tế.
Ông Leonid Slutsky - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga - đã gọi sự việc trên là "một hành động cướp bóc".
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga, Konstantin Kosachev cũng lên án động thái của Ukraine trên mạng xã hội, gọi đây là một khởi đầu tệ hại cho mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Moscow và Kiev dưới thời của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
"Tình trạng hiện nay cần phải được làm rõ và quan điểm của ông Zelensky cần được lý giải ngay lập tức. Đâu mới là Ukraine thực sự, họ muốn nhe nanh vuốt hay đàm phán hòa bình?" - ông Kosachev viết trên Facebook - "Sự thực đang được phơi bày".
Quan hệ giữa Moscow và Kiev đã trở nên căng thẳng kể từ sau làn sóng nổi dậy năm 2014 khiến lãnh đạo Ukraine có tư tưởng thân Nga bị lật đổ. Sau một cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, Crimea trở lại thành một phần của nước Nga.
Chính quyền mới có tư tưởng thân phương Tây của Ukraine cùng nhiều đối tác của họ chỉ trích Nga vì hành động này.
Trong vụ việc mới nhất, Cao ủy Nhân quyền Nga Tatiana Moskalkova đã có cuộc điện đàm với đối tác Ukraine Lyudmila Denisova, yêu cầu bà "làm rõ về vụ bắt giữ tàu cùng thủy thủ đoàn: Liệu có công dân Nga trên tàu hay không? Số lượng bao nhiêu?
Liệu quyền của họ có bị vi phạm? họ có nhận được thực phẩm và nước uống cần thiết hay không? Thủy thủ đoàn có cần hỗ trợ y tế?"...
Đại sứ Nga tại Ukraine hôm 26/7 cho hay, "thủy thủ đoàn của tàu chở dầu đang trở về nhà", nhưng "con tàu vẫn ở lại Ukraine".
Dù Moscow và Kiev đã tham gia nhiều cuộc đàm phán về việc trả tự do cho các chiến hạm của Ukraine gồm Nikopol, Berdyanskas cùng tàu kéo Yana Kapu , nhưng có 2 con tàu khác - đều là tàu chở dầu - hiện cũng đang bị bắt giữ bởi các bên thù địch cách đó hàng nghìn dặm.
Eo biển Hormuz là tuyến hàng hải vận chuyển dầu nhộn nhịp nhất thế giới, nhưng đang trở thành điểm nóng xung đột giữa Mỹ và Iran, sau khi Mỹ cáo buộc Iran tấn công nhiều tàu chở đầu ở vùng biển gần Vịnh Oman.
Hồi đầu tháng này, Anh đã bắt một giữ tàu chở dầu của Iran, cáo buộc con tàu này vận chuyển dầu tới Syria, vi phạm các lệnh trừng phạt của EU.
Tàu Grace 1 của Iran bị hải quân Anh bắt giữ trong lúc đang di chuyển qua eo biển Gibraltar, kết nối Đại Tây Dương với Địa Trung Hải.
Tuần trước, lực lượng vệ binh cách mạng Iran (IRGC) cũng bắt giữ tàu mang cờ Anh Stena Impero ở eo biển Hormuz và mang nó về cảng Bandar Abbas , cáo buộc con tàu này gây nguy hiểm cho tuyến hàng hải và không tuân thủ các quy định an toàn. Động thái này được cho là trả đũa Anh vụ bắt giữ tàu Grace 1.
Trong một diễn biến liên quan, 2 tàu của Iran là Bavand và Termeh, ở cảng Paranagua của Brazil đã công ty dầu khí nhà nước của nước này từ chối cho tiếp nhiên liệu do lo sợ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Hai con tàu này sẽ buộc phải trở về nước trong khi đang chở hàng nghìn tấn ngô, tuy nhiên lại không thể thực hiện hành trình dài khi cạn nhiên liệu.