Sáng nay 15/10, TAND tỉnh Hà Giang tiếp tục phiên xử vụ án gian lận điểm thi, tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018 với phần xét hỏi bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, nguyên Trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng - Sở GD&ĐT.
Trưởng ban chấm thi nhận lỗi nhưng khẳng định "không có tội"
14h30, bị cáo Triệu Thị Chính bước lên bục trả lời, bị cáo này phản đối bản cáo trạng truy tố bà về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", quy định tại điều 358 Bộ luật Hình sự. Bị cáo Chính khẳng định lại, bà chỉ nhờ bị cáo Hoài nhờ xem điểm môn Ngữ Văn và không nhờ nâng điểm cho bất kỳ một thí sinh nào.
Thực tế, 13 thí sinh bị cáo này đưa cho Nguyễn Thanh Hoài cũng chưa xem được điểm và chưa nâng được điểm. Trong số danh sách 13 thí sinh bị cáo Chính đưa cho Hoài, có con gái ông Triệu Tài Vinh, con bị cáo Phạm Văn Khuông, cháu ruột bị cáo Chính và những con em người thân quen, đồng nghiệp khác.
Khai trước tòa, bị cáo Chính khai đã nhận tin nhắn của 6 người là cán bộ, lãnh đạo tại địa phương nhờ xem điểm thí sinh. Trong đó, có ông Vũ Văn Sử (nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT) nhờ xem điểm cho 3 thí sinh; bà Chúng Thị Chiêng, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang và nhiều cán bộ Sở, ban ngành khác.
Ngoài nhắn tin, ông Vũ Văn Sử có gặp riêng và nói “năm nay con anh Triệu Tài Vinh - Bí thư tỉnh”, bị cáo có nói “em biết rồi”.
"Bị cáo cũng nói với thầy Sử (tức ông Sử, GĐ Sở Giáo dục - PV) “mọi người đều nhờ xem điểm giúp, quan tâm. Em không biết quan tâm như thế nào. Chỉ xem điểm được môn Ngữ Văn và nếu nhờ chỉ nhờ anh Hoài mới có thể xem được nên bị cáo lập danh sách 13 thí sinh đưa anh Hoài nhờ xem điểm. Thầy Sử nói, xem gì thì xem, tuyệt đối không được làm sai quy chế”, bị cáo Chính khai.
Nữ bị cáo này nói, với tư cách là trưởng ban chấm thi nhưng đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài xem điểm. Bà thấy bản thân đã không gương mẫu trong công việc, đã để tỉnh cảm xem lẫn vào trong công việc nhưng bị cáo khẳng định “không phạm tội”.
Sau gần 3 giờ đồng hồ xét hỏi các vấn đề liên quy trình niêm phong bài thi, vai trò của từng người trong công tác chấm thi, một thanh viên trong HĐXX hỏi, suốt quá trình điều tra, bị cáo có bị cơ quan điều tra ép cùng để khai báo hay không? Bà Chính trả lời “không hề bị cơ quan điều tra ép cung, khi làm việc với đoàn công tác của Bộ Giáo dục bản thân cũng rất thành khẩn”.
Trước một số thông tin cho rằng, điểm thi kỳ thi năm 2017 cao bất thường, luật sư Hướng hỏi bà Chính có kiến nghị cơ quan điều tra xem xét lại toàn bộ tài liệu của kỳ thi này không? Bà Chính trả lời, cơ quan chức năng nên cho xem xét lại.
Bên cạnh những câu hỏi của luật sư, bị cáo Chính cũng đề nghị trong vụ án này, HĐXX cần xem xét yếu tố vụ lợi.
5h20, Chủ tọa Vương Thị Thu Hà tuyên bố tạm dừng, phiên xử sẽ bắt đầu vào 8h sáng mai 16/10.
Nữ cán bộ công an nói tâm can áy náy nếu không giúp "ân nhân" nâng điểm thi
Đầu giờ chiều, phiên xử tiếp tục với phần trả lời của bị cáo Lê Thị Dung (nguyên Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang). Dung khai rằng, khoảng tháng 6/2018 có đến nhà riêng của Nguyễn Thanh Hoài đưa danh sách 5 thí sinh nhờ Hoài nâng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Sau đó Dung đưa tiếp danh sách 15 thí sinh còn lại, nâng tổng số thí sinh được nâng điểm thông qua Dung là 20 thí sinh. Đáng chú ý, trong đó có một thí sinh Nguyễn Văn Du được nâng điểm cao nhất lên đến 37,5, chênh lệch 29,75 điểm so với điểm thực.
"Tôi đến nhà anh Hoài nhờ nâng điểm cho 5 thí sinh. Sau khi về, tôi lại nghĩ ra còn một vài trường hợp nữa. Tôi nghĩ đây đều là chỗ ân nhân của tôi, nếu không giúp được thì tâm can tôi rất áy náy. Lần thứ hai tôi đến nhà anh Hoài, anh Hoài nói không hứa trước, tôi nói cứ giúp được đến đâu thì giúp", bị cáo Dung nói.
Bị cáo Dung
Cựu cán bộ công an này cho biết, trong số 12 người nhờ Dung giúp nâng điểm cho 20 thí sinh, là những người thân thiết như người nhà, người bên gia đình thông gia và "ân nhân". Trong số 20 thí sinh có một người cháu ruột của bị cáo này sinh năm 1992 là thí sinh tự do, vừa hoàn thành nghĩa vụ công an.
Dung khai tiếp, sau khi Bộ Giáo dục chấm thẩm định, thấy mình sai nên đầu tháng 9/2018, bị cáo này đã chủ động làm bản tường trình gửi Giám đốc Công an tỉnh và Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra. Sau đó khoảng 2-3 tháng thì bị cơ quan ANĐT gọi lên làm việc.
Trong số 12 người có con, cháu nhờ nâng điểm thông qua Dung, có một số trường hợp rất khó hiểu, hầu như các thí sinh được nhờ thông qua Dung có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh khác.
Theo lời nữ bị cáo này kể thì cả những người từng làm lễ "cầu cúng", những người ở tận tỉnh Thanh Hóa khi nằm chữa bệnh cùng nhau tại Bạch Mai sau khi làm quen, từng giúp đỡ Dung thì được bị cáo này coi là "ân nhân".
“Người thân của thí sinh nhờ thì tôi cũng chỉ biết giúp thôi, ngoài cháu ruột tôi ra tôi không biết là các cháu khác thi những môn gì, thi bao nhiêu môn và đăng ký vào trường nào,” bị cáo Lê Thị Dung nói. HĐXX cho rằng không ai làm điều gì mà không có mục đích cả, bị cáo Dung nói như thế là không có cơ sở. Khi đưa danh sách bị cáo phải biết nguyện vọng của các thí sinh.
"Giúp người để tạo phúc...", bị cáo Dung nói tại tòa.
"Cho dù nâng đến nửa điểm cũng là trái pháp luật. Mình phải làm đúng với lương tâm, đạo đức con người mới là tạo phúc”, Thẩm phán Vương Thị Thu Hà đáp lại lời Dung.
Phạm Văn Khuông đau lòng khi nhắc lại chuyện cũ
Đến 10h45, Chủ tọa hỏi bị cáo Phạm Văn Khuông, bị cáo có ý kiến gì về cáo trạng? Khuông trả lời không có ý kiến gì. Khuông tự khai vào ngày 12/6, ông trao đổi công việc với bị cáo Hoài về các thủ tục hành chính.
Sau đó, Hoài có hỏi lại Khuông “số báo danh của con anh là bao nhiêu”, thì Khuông bảo không nhớ, chỉ nhớ 3 số cuối là 284. Sau câu trả lời của Khuông, bị cáo Hoài rút điện thoại gọi cho ai đó.
Sau đó, có người mang tập hồ sơ lên, Hoài hỏi lại “có phải ảnh con anh không?”, Khuông nói, đúng rồi nói “nhờ các chú quan tâm đến cháu”. Đến ngày 27/6, Khuông tiếp tục gọi cho Hoài bảo “anh sợ con anh trượt tốt nghiệp”. Hoài bảo “em hiểu”. Sau đó, cả hai không còn liên lạc gì.
Khi Chủ tọa hỏi tiếp, bị cáo có nhờ Hoài nâng điểm không? Khuông trả lời “bị cáo không nói chuyện nâng điểm môn nào, chỉ nhờ chung chung vậy thôi, cuối cùng con bị cáo được nâng 13,3 điểm. Bị cáo nói thế theo bị cáo hiểu, anh Hoài nghĩ là phải nâng điểm.
Đó là tự nguyện của anh Hoài, bị cáo không nói cụ thể gì cả. Anh em có quyền đến đâu thì giúp đỡ đến đó. Bị cáo và anh Hoài quen biết, công tác cùng nhau nhiều năm. Bị cáo không hứa hẹn gì trong công tác, cũng không đưa cái gì cho anh Hoài cả. Khi nhắc đến chuyện này, bị cáo rất đau lòng”, ông Khuông phân trần.
Sau phần trả lời của Khuông, HĐXX không đặt thêm câu hỏi.
Lúc 11h10, HĐXX tuyên bố tạm dừng nghỉ trưa. Phiên xử sẽ bắt đầu lúc 13h cùng ngày.
Con gái bí thư Triệu Tài Vinh được nhờ nâng điểm
Cũng trong phần xét hỏi của mình, lúc 10h, Luật sư Hướng nêu thêm trong cáo trạng thân chủ của ông (tức bà Triệu Thị Chính – PV) đã nhờ ông Hoài nâng điểm thi cho 12 người, sau lại thêm 1 người nữa là 13 người.
Tuy nhiên, theo diễn biến phiên tòa từ hôm qua đến nay, ông thấy danh sách đó không nguyên vẹn vì có đến 3 trường hợp mà ông Hoài từng trả lời là của ông Quý, con ông Khuông và con của Trưởng phòng tổ chức của Sở giáo dục, luật sư Hướng đề nghị ông Hoài khẳng định lại danh sách bị cáo này đã nhận lại là 9 người, 12 người hay 13 người?
Ông Hoài trả lời, trong danh sách bà Chính đưa cho ông có 13 thí sinh được đánh máy, khi đưa bà Chính có nói là nâng điểm cho 12 trường hợp còn 1 trường hợp là xem điểm.
Ông nói thêm trong bản danh sách bà Chính đưa có 3 trường hợp: Trường hợp thứ nhất là của Triệu Ngọc Mai, do chị Triệu Thị Giang nhờ, đây là trường hợp con Bí thư tỉnh ủy (tức bí thư tỉnh Hà Giang).
Trường hợp thứ hai là của Phạm Tiến Minh con ông Khuông – Phó GĐ Sở giáo dục và Đào tại tỉnh Hà Giang. Thứ ba là trường hợp Nguyễn Đỗ Minh Anh, con của bà Đỗ Lệ Hồng Thi, hiện đang giữ chức vụ Hiệu trưởng của một trường THPT trên địa bàn tỉnh Hà Giang mà ông Hoài không nói rõ.
Cuối cùng luật sư Hướng hỏi quá trình công tác từ trước đến nay ông có mâu thuẫn gì với bà Chính không. Ông Hoài khẳng định “không hề có mâu thuẫn gì”.
Bị cáo Hoài nhắn cho người tên Q. nói "đã đổi dữ liệu"
Lúc 8h45: Luật sư Hoàng Văn Hướng hỏi bị cáo Hoài, kỳ thi năm 2017 có nâng điểm không? Hoài trả lời "tôi không có thực hiện hành vi đó". "Ở trong kỳ thi 2018 ông có được giao phụ trách tổ chấm thi tự luận không?" luật sư Hướng hỏi tiếp thì Hoài trả lời "không".
Cũng trong phần xét hỏi này, luật sư Hướng có hỏi thêm một chi tiết nữa trong điện thoại và trong tài liệu có ghi lại tin nhắn ông gửi đi gửi lại đến người có tên viết tắt là Q vào ngày 10/7/2018, vậy Q ở trong điện thoại này là ai? Có phải của ông Quý không? Hoài trả lời rằng ông không nhớ.
Quang cảnh phiên tòa ngày 15/10 (Ảnh chụp qua màn hình tivi tại TAND tỉnh Hà Giang)
Sau câu trả lời của bị cáo Hoài, luật sư Hướng xin phép HĐXX đọc nội dung tin nhắn Hoài gửi đến người tên Q: "Em báo anh hai việc, một em vừa đổi danh sách dữ liệu thi xong kết quả dữ liệu trên phần mềm quản lý thi của Bộ trùng khít với dữ liệu trong đĩa CD anh Sử giữ; hai việc Lương chuyển bài thi trắc nghiệm và thiết bị xử lý bài thi về Sở là theo điều 26 Quy chế thi, và được đồng ý của em với nhiệm vụ Phó chủ tịch hội đồng thi và Trưởng ban thư ký.
Xong thầy Bình, thầy Sử, cô Chính đang nâng cao quan điểm quá" và "có gì anh xem giúp em".
Tuy nhiên, sau đó đại diện VKSND đã công bố lại đầy đủ nội dung của đoạn tin nhắn Hoài gửi ông Quý và cho biết không có chi tiết thầy Bình, thầy Sử, cô Chính "làm khó". Đề nghị các luật sư khi công bố phải đầy đủ các nội dung.
Luật sư Hướng nói tiếp, cái người tên Q. này đã "ok", ông xác nhận người tên Q. này có phải ông Quý – Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang không? Ông Hoài trả lời "kính thưa HĐXX cái tin nhắn này tôi nhắn cho anh Trần Đức Quý".
Luật sư Hướng hỏi tiếp, thế ông giải thích giúp tôi thầy Sử, thầy Bình, cô Chính đang gây khó khăn là khó khăn gì? Có phải khó khăn cho việc không cho nâng điểm thi? Vi phạm pháp luật của anh với anh Lương không?
Ông Hoài nói “cái việc tôi nhắn tin với anh Quý về tình trạng bài thì vì thầy Sử, thầy Bình, cô Chính đang gây khó khăn” luật sư Hướng tiếp lời “có phải chị Chính đang giám sát các ông rất chặt chẽ nên các ông không thể làm được đúng không?”. Hoài chỉ nói nói, “chị Chính lúc này không giám sát việc chấm thi chắc nghiệm nữa”.
Bị cáo Hoài và Lương trong ngày xử 14/10. Ảnh: Hoàng Cư.
Trước đó, trong phiên xử ngày 14/10, HĐXX đã tiến hành xét hỏi bị cáo Vũ Trọng Lương, tại tòa Lương thành khẩn khai báo hành vi phạm tội và khẳng định bản thân được mọi người nhờ nâng điểm “không đưa gì cũng không hứa hẹn nâng đỡ trong công tác”.
Đối với bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, HĐXX đề cập đến việc trong quá trình điều tra có thu giữ một mảnh giấy có chữ "lão phật gia" và một số báo danh, theo bị cáo thì "lão phật gia" và cái số báo danh đấy có liên quan gì đến kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang không?
Bị cáo Hoài trả lời, "lão phật gia" này là chị Tống Thị Bê, nguyên Chủ tịch công đoàn giáo dục Hà Giang giai đoạn 2012 – 2013 gì đó, Hoài bảo nhớ không rõ lắm, có thể "lão phật gia" này chỉ nhờ xem điểm".
Ngày 18/9, TAND tỉnh Hà Giang đã mở phiên xử sơ thẩm lần 1, tuy nhiên chỉ có 55 nhân chứng có mặt, 60 người có đơn xin vắng và 62 người vắng mặt không có lý do.
Việc vắng mặt của 122/177 người, theo quan điểm của VKSND tỉnh Hà Giang và luật sư bào chữa cho các bị cáo là "ảnh hưởng đến quá trình xét xử" nên vị đại diện VKS đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.
Theo cáo trạng, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Nguyễn Thanh Hoài đã bàn bạc, thống nhất rồi đưa danh sách 93 thí sinh cho Vũ Trọng Lương sửa kết quả bài thi để nâng điểm. Ngoài ra, Lương còn trực tiếp nhận nâng điểm cho 14 thí sinh khác. Sau đó, một mình vị Phó trưởng phòng Khảo thí đã sửa kết quả 309 bài thi các môn để nâng điểm cho 107 thí sinh.
Bị can Phạm Văn Khuông đã cung cấp thông tin của con ông này để nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng thêm 13,3 điểm.
Cựu công an Lê Thị Dung có mối quan hệ quen biết nên nhờ bị can Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh. Sau đó, 20 em này đều được nâng điểm.
Riêng bị can Triệu Thị Chính bị cáo buộc không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao và chuyển danh sách 13 thí sinh cho Nguyễn Thanh Hoài nhờ nâng và xem điểm thi.
Cơ quan điều tra không thu thập được chứng cứ chứng minh có vụ lợi hay tiền bạc trong vụ án. Công an cũng đấu tranh với gia đình các thí sinh nhưng không ai khai nhận đưa tiền hay vật chất để nhờ nâng điểm.
Bên cạnh đó, 2 bị can Hoài và Lương cũng không thừa nhận mà chỉ giúp nâng điểm do quen biết, bạn bè, người thân.
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định được 210 người là bố, mẹ của 107 thí sinh được nâng điểm. Căn cứ lời khai, cơ quan điều tra đã đề xuất Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang chỉ đạo xử lý những phụ huynh này theo quy định.