Dưới thời Sir Alex Ferguson, không cầu thủ nào của Man United là bất khả xâm phạm. Thậm chí với những ngôi sao từng khiến cho các fan của Quỷ đỏ phát cuồng.
Sir Alex từng trừng phạt Paul McGrath, Paul Ince, Jaap Stam, Ruud van Nistelrooy và David Beckham. Người ta nói về Sir Alex thời ấy có một "thuyết cai trị cứng rắn".
Conte hẳn ít nhiều học được cách quản lý của Sir Alex
Antonio Conte cũng đang đi trên con đường tương tự. Ông loại bỏ Diego Costa vào cuối mùa bóng chỉ với một tin nhắn rất đơn giản. "Xin lỗi, cậu không còn trong kế hoạch mùa tới của tôi nữa".
Antonio Conte như một học trò xuất sắc, người thấm nhuần tư tưởng quản lý của Sir Alex.
Không có tình bạn trong bóng đá. Đây là công việc, là chỗ để đưa ra những quyết định có thể bị cho là tàn nhẫn nếu cần thiết. Tất cả vì mục tiêu hàng đầu là làm điều tốt nhất cho đội bóng của mình.
Conte đã "phũ phàng" với Costa, người góp công lớn giúp Chelsea vô địch Premier League trong mùa đầu tiên ông làm việc ở nước Anh. Nhưng Conte thấy cần phải như thế, khi ông muốn hướng tới một Chelsea ổn định hơn trong tương lai.
Conte thông báo loại bỏ Costa chỉ bằng một tin nhắn qua điện thoại
Để đưa ra quyết định này, có lẽ Antonio Conte đã phải nghiên cứu triết lý của Sir Alex. Thời còn cầm quân, ông đã bán những ngôi sao lớn nhất ngay trước thời điểm họ nghĩ rằng Man United sẽ không thành công nếu thiếu họ. Nhiều người trong số đó, đặc biệt là Inco, Stam, Van Nistelrooy hay Beckhams ra đi và thành công ở những đội bóng khác.
Nhưng Man United, dù không có họ, vẫn thẳng tiến về phía trước. Họ có chiếc cúp này đến chiếc cúp khác.
Antonio Conte thấy mình như đang đi vào con đường của Sir Alex. Ông thấy mình cần phải làm một điều gì đó để áp đặt "thuyết cai trị cứng rắn" của mình ở Chelsea.
Costa là một gã cá tính. Anh cũng có những mối quan hệ mật thiết với những cái tên máu mặt khác trong phòng thay đồ Chelsea. Nhưng điều Conte không hài lòng nhất từ Costa chính là lòng trung thành của tiền đạo gốc Brazil này.
Hồi tháng Một, Costa đã tự ý đàm phán để tính chuyện ra đi sau khi nhận được lời đề nghị của một số CLB Trung Quốc. Hành động này không được sự cho phép từ phái BLĐ Chelsea hay cá nhân Conte. Tiếp đó, Costa còn lên mạng xã hội, đăng tải bức ảnh ăn tối với HLV cũ Diego Simeone.
Với Conte, ông là người lãnh đạo cao nhất trong phòng thay đồ của Chelseathấy tất cả những điều đó. Và ông không thể tha thứ cho những hành động bị cho là "vượt cấp" này của Costa.
Rất nhiều người đã nói rằng Costa xứng đáng có một cuộc nói chuyện trực tiếp vào cuối mùa giải, hay ít nhất cũng là một cuộc trao đổi trực tiếp trên điện thoại. Nhưng Conte không làm thế. Ông chỉ gửi một tin nhắn, nói tất cả những điều cần nói. Với Conte, có lẽ thế là đủ cho một thông điệp chia tay.
Với cá tính của mình, Costa tự tạo ra câu chuyện ầm ĩ. Anh chia sẻ tin nhắn của Conte với đồng đội, với truyền thông. Bởi thế, tương lai của Conte ở Stamford Bridge đã hết.
Về phần mình, đây không phải là lần đầu tiên Conte thể hiện rõ vai trò của người có quyền lực cao nhất ở đội bóng mà mình dẫn dắt. Khi còn làm việc ở Juventus, ông thẳng tay phạt Paul Pogba vì đến tập muộn, Vidal hay Quagliarella cũng từng nhận án phạt vì những hành vi bị cho là vô kỉ luật...
Antonio Conte muốn khẳng định rằng ông phải là người kiểm soát tất cả. Với ông, ngay cả những người góp công lớn giúp CLB vô địch cũng không có nghĩa được hưởng những đặc quyền lớn. Costa là người đầu tiên, và sẽ còn những cái tên khác cũng như thế nếu tỏ thái độ tương tự.
Bây giờ, Costa sẽ phải nghiêm túc lựa chọn bến đỗ mới cho mình. Anh từng nói "ghét cuộc sống ở nước Anh" khi nhận được những lời đề nghị khủng từ các CLB Trung Quốc. Có lẽ mùa tới, Costa sẽ là đồng đội của Ramires (chơi cho Jiangsu Suning) hay Oscar (Shanghai SIPG) hoặc chuyển tới Qatar để nhận những khoản lương khổng lồ.
Costa rõ ràng là người chơi bóng vì tiền, chứ không phải vì những danh hiệu. Và đó là lý do Conte thẳng tay loại bỏ anh.