Im ắng
Giữa tháng 12/2020, phóng viên Tiền Phong tìm về Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Hà Nam. Nằm cách trung tâm thành phố Phủ Lý khoảng 4km, với tầm vóc “khủng”, nhà thi đấu nổi bật giữa khung cảnh hoang vắng xung quanh. Từ hướng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tòa nhà thường được mọi người ví như “đĩa bay” của tỉnh Hà Nam.
Theo tìm hiểu, được khởi công từ cuối năm 2012, nhà thi đấu hoàn thành cuối năm 2014 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và một số nguồn khác lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhà thi đấu quy mô khán đài khoảng hơn 5.000 khán giả; mặt sàn hàng chục nghìn mét vuông trên khu đất rộng đến hàng chục ha. UBND tỉnh Hà Nam giao Sở VHTT&LD Hà Nam tiếp nhận quản lý công trình từ năm 2014.
“Một năm cũng chỉ có khoảng 20 giải thi đấu nội dung trong nhà, phân chia ra hơn 40 nhà thi đấu đủ tiêu chuẩn khắp cả nước nên cùng lắm một năm chỉ đăng cai được 1 - 2 giải là cùng” Ông Nguyễn Ngọc Thanh
Trong vai một người có nhu cầu thuê địa điểm tổ chức sự kiện, phóng viên phải gọi điện và được sự cho phép của người được cho là quản lý Nhà thi đấu, các nhân viên bảo vệ mới đồng ý cho vào tham quan, khảo sát để thuê mặt bằng. Tòa nhà khá lớn, nhân viên bảo vệ phải nhắc “đi xe máy một vòng, chứ nếu đi bộ phải mất cả tiếng”.
Theo quan sát, bên trong tòa nhà còn khá mới, nhưng nhiều nơi như hành lang, nhà vệ sinh, phòng phụ trợ bám bụi bẩn, vương vãi rác. Các cửa vào sân khấu hầu hết đóng kín, chỉ có cửa vào từ khán đài D là mở. Phía cầu thang lên khán đài D, nhiều đồ dùng như nồi cơm điện, dây điện, đồ đạc sinh hoạt cá nhân để bừa bộn. Vài công nhân đang sửa chữa trong khuôn viên Nhà thi đấu.
Trong phía sân khấu vẫn treo tấm biển Giải võ thuật tỉnh Hà Nam năm 2020 diễn ra trong các ngày 28,29/11/2020. Nhiều khu vực bụi bẩn, có lẽ chưa được quét dọn một thời gian. Dưới sân, một vài chú dê thả rông đi lại tự do ăn cỏ trong khuôn viên. Nhiều khu vực vương vãi phân dê. Cây xanh được trồng khá nhiều. Toàn bộ khuôn viên Nhà thi đấu được quây kín bằng tường cao khoảng 2 mét. Chu vi bên ngoài tòa nhà có đường khá rộng. Nhân viên bảo vệ quản lý rất chặt, ra vào đều phải đăng ký thời gian, mục đích đến làm việc…
Nằm chờ... các giải đấu
Đàn dê được chăn thả trong khuôn viên Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Hà Nam.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Chánh văn phòng Sở VHTT&DL tỉnh Hà Nam Nguyễn Ngọc Thanh cho rằng, từ khi đưa vào hoạt động năm 2014 đến nay, Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Hà Nam chủ yếu dùng để tổ chức các giải, gồm cả cấp quốc tế, toàn quốc và các giải cấp tỉnh. “Nhà thi đấu này đủ tiêu chuẩn khu vực và thế giới”, ông Thanh nói.
Được biết, Nhà thi đấu đã tổ chức một số giải đấu như giải bóng chuyền các câu lạc bộ nữ châu Á 2015, VTV cup 2016; giải bóng chuyền nam châu Á 2017. Ông Thanh tiết lộ, năm nay, nếu không có dịch COVID-19, Nhà thi đấu sẽ đăng cai Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV cup. Nói về ý kiến cho rằng, nhà thi đấu nghìn tỷ “lãng phí” khi tổ chức được rất ít sự kiện, ông Thanh cho rằng, hiệu quả cao hay không tùy vào nhận định.
“Toàn quốc và cả thế giới đều thế. Bây giờ trên toàn quốc này, có nhà thi đấu nào hiệu quả sử dụng cao? Một năm có bao nhiêu giải thi đấu trong nhà. 63 tỉnh thành, hơn 40 nhà thi đấu đạt tiêu chuẩn. Cái này nó vô cùng lắm”, ông Thanh nói. Về thông tin cho rằng nguồn vốn đầu tư xây dựng Nhà thi đấu lên tới cả nghìn tỷ đồng, ông Thanh không xác nhận vì ông không nắm được cụ thể.
Ông Thanh cho biết, Nhà thi đấu vẫn cho thuê để tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao. Liên quan đến chi phí quản lý, ông Thanh cho rằng, do đây là một thiết chế thể thao thuộc Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao tỉnh Hà Nam quản lý, nên chi phí không lớn, sử dụng công năng bao nhiêu, phát sinh chi phí bao nhiêu thì chi trả. “Như tòa nhà trụ sở này, điện nước dùng hết bao nhiêu thì trả như thế”, ông Thanh nói.
“Vì nó là thiết chế thuộc Trung tâm nên kinh phí thường xuyên chi trả, không tách bạch ra được”, ông Thanh nói, đồng thời cho biết, ông “không nắm được cụ thể mỗi năm hết bao nhiêu tiền” để quản lý, vận hành. “Nó cũng không phải là đơn vị sự nghiệp, có con dấu riêng để có bộ máy, con người. Vì nó là một thiết chế, nên hôm có sự kiện thì Trung tâm điều người đến phục vụ, cần duy tu, bảo dưỡng thì cử người đến; có người trông coi, bảo vệ”, ông Thanh nói thêm.
Đại diện Sở VHTT&DL tỉnh Hà Nam cũng cho rằng “sau này khu vực nhà thi đấu sẽ đẹp hơn”, hướng tới phục vụ cho sinh viên khu Đại học Nam Cao; khu công nghiệp Đồng Văn; tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao của các Cty, doanh nghiệp khu vực lân cận. Ông Thanh cho biết, theo quy hoạch trước đây các khu hành chính công, các sở, ban, ngành cũng chuyển về khu vực này. “Nhưng do đầu tư công giai đoạn 2015 - 2020 bị cắt giảm đi nên chưa hoàn thành được”, ông Thanh nói.
Hiện nay, ông Thanh cho biết, hàng năm Sở đều có kế hoạch báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh, đề xuất với Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ VHTT&DL) để có định hướng xin đăng cai các giải thể thao quốc gia, khu vực, quốc tế tại nhà thi đấu của tỉnh.
Trước mắt, trong quý I/2021, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch đăng cai thi đấu nội dung Futsal nam, nữ SEA Games 2021. “Một năm cũng chỉ có khoảng 20 giải thi đấu nội dung trong nhà, phân chia ra hơn 40 nhà thi đấu đủ tiêu chuẩn khắp cả nước nên cùng lắm một năm chỉ đăng cai được 1 - 2 giải là cùng”, ông Nguyễn Ngọc Thanh nói.