Bệnh nhân V. nằm điều trị ung thư trực tràng tại Bệnh viện K T.Ư
6/9 anh em ruột cùng ung thư
Cuối năm 2017, bệnh nhân Phạm Duy V. (SN1968, trú tại Hải Dương) đến thăm khám tại Bệnh viện K T.Ư và được chẩn đoán ung thư trực tràng. Điều đặc biệt là gia đình anh có tới 7 người cùng mắc ung thư trực tràng.
Khi được chẩn đoán ung thư, anh V. muốn buông xuôi vì gia đình quá khó khăn, vợ anh lại mới trải qua lần đột quỵ còn để lại nhiều di chứng.
Trên thế giới mỗi năm có khoảng 1 triệu ca ung thư đại trực tràng mới mắc, chiếm khoảng 10% trong tổng số các bệnh ung thư và con số tử vong chiếm 8,5% tổng số bệnh nhân chết vì ung thư.
Tuy nhiên, được anh em họ hàng động viên “còn nước còn tát”, anh V. đã nhập viện phẫu thuật loại bỏ khối u kích thước 1x2cm và tiến hành truyền hóa chất.
Theo anh Nguyễn Ngọc Đ. (em rể anh V.), trước đó, trong gia đình cũng đã có anh cả mất vì ung thư trực tràng, tiếp đến là mẹ ruột của vợ anh.
Đến khi anh V. nhập viện vì căn bệnh này, mấy anh em còn lại động viên nhau cùng vào thăm khám vì khi hỏi nhau, đều có dấu hiệu kéo dài rất giống nhau là thường xuyên lâm râm đau bụng và đại tiện ra máu.
Thật bất ngờ trong cùng năm 2017, 4 anh chị em khác cũng lần lượt phát hiện và phải nhập viện điều trị cùng căn bệnh ung thư trực tràng. Trong đó có vợ anh Đ.
Cũng theo anh Đ., ban đầu khi vợ anh thường đau bụng và đại tiện ra máu nhưng chỉ nghĩ chắc do tại ăn uống mất vệ sinh, cơ thể nóng quá nên vậy, không ngờ lại mắc căn bệnh này.
Nhập viện từ tháng 11/2017, đến nay, vợ anh Đ. cũng đã trải qua 8 lần truyền hóa chất sau mổ…
“Hai vợ chồng cùng làm nông nghiệp, từ khi điều trị bệnh vợ tôi không còn sức khỏe để lao động nặng.
Chi phí điều trị dù đã được BHYT san sẻ nhưng vẫn rất nặng gánh với một gia đình thuần nông, nuôi 3 đứa con ăn học như gia đình tôi”, anh Đ. chia sẻ.
Hiện, cả 5 anh chị em nhà anh V. vẫn đang tiếp tục điều trị và tái khám đều đặn tại Bệnh viện K T.Ư.
Ung thư trực tràng có thể di truyền
Nói về gia đình rất đặc biệt vì có nhiều người cùng mắc ung thư trực tràng, TS. Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại Bụng 1, Bệnh viện K T.Ư Cơ sở Tân Triều cho biết, căn bệnh này mang yếu tố gia đình dù rất ít gặp.
Tại Bệnh viện K T.Ư mỗi năm cũng gặp 2 - 3 gia đình có người nhà cùng bị ung thư. Tuy nhiên, con số đó chỉ dừng lại ở 3 - 4 người còn riêng gia đình anh V. có tới 7 người bị ung thư đại trực tràng.
Theo phân tích của ông Bình, tất cả những trường hợp trên là hội chứng đa polyp gia đình do đột biến gene APC, có thể truyền từ bố mẹ sang con.
Đây là một loại gene có vai trò ức chế sự hình thành của khối u sinh ra ở đại tràng và có sự đột biến, nó chiếm 1% ung thư đại trực tràng.
“Để xác định mình có bị đa polyp hay không, những người trong gia đình có anh, chị, em, cha, mẹ bị đa polyp nên nội soi đại trực tràng ống mềm để bác sĩ đánh giá toàn bộ khung đại trực tràng cũng như có thể điều trị sớm bệnh.
Ngoài ra, khi xuất hiện các triệu chứng như thay đổi thói quen đại tiện, đi ngoài ra máu, người bệnh cũng nên chủ động tới bệnh viện kiểm tra hoặc làm xét nghiệm phát hiện ung thư đại trực tràng”, ông Bình khuyến cáo.
Thông thường, để điều trị ung thư đại trực tràng, bác sĩ đưa ra các phác đồ điều trị đa mô thức phẫu thuật mang tính chất triệt căn, truyền hoá chất, tia xạ và miễn dịch.
Ông Bình nhấn mạnh: “Chìa khoá thành công giúp bệnh nhân sống lâu hơn đó là chẩn đoán sớm để phẫu thuật triệt căn là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm bằng các phương pháp y học hiện đại vẫn chỉ mang tính cá thể”.
Do vậy, theo ông Bình, để phòng bệnh, mọi người cần phòng tránh các yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư đại trực tràng như: Người trên 50 tuổi, gia đình có người bị ung thư đại trực tràng, những người béo phì lười vận động, hút thuốc lá và uống rượu… cần có kế hoạch nội soi đại trực tràng tại các cơ sở y tế.