Ken và mẹ
"Hai, tư, sáu, cha đi làm nè, ngủ ở trên chỗ trực
Ba, năm, bảy, cha về nhà với con".
Ken đánh dấu thời khóa biểu như thế. Trong kí ức của cậu nhóc, mỗi lần cha về, bên hông xe sẽ treo lủng lẳng ly trà sữa hoặc ổ bánh mì thơm phức. Đó là món quà cha dành cho hai chị em sau đêm trực dài.
Vậy mà có ngày cha lại về trong một chiếc hũ. Kể từ ngày đó, Ken vắng hơi ấm tình thương, cả vòng tay khỏe khoắn của cha. Thi thoảng, Ken nhớ cha, em chỉ biết chui xuống gầm bàn thờ của cha nằm ngủ. Trong giấc mơ đó, Ken đã ước mình có thể gặp lại cha.
Cậu bé Ken
Đó là câu chuyện xúc động của gia đình anh Phan Hồng Phong, Tổ trưởng dân phố tại phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân.
Lần nào anh ra khỏi cửa, chị Nguyễn Cẩm Hường (vợ anh) cũng nói với theo: "Anh đi cẩn thận nha, nhớ mang khẩu trang, xịt khuẩn kĩ lưỡng nha". Tham gia công tác phòng chống dịch, anh cứ miệt mài từ khu cách ly này, đến điểm phong tỏa nọ. Chị lo biết bao nhiêu, nhưng nhìn anh tâm huyết với công việc mà không nỡ kêu anh bỏ.
Rồi một ngày, anh bị sốt âm ỉ, đến bệnh viện khám đã test ra kết quả dương tính. Cả nhà đều mắc Covid-19. Do không có triệu chứng nặng nên mọi người đều điều trị ở nhà, anh khó thở nên được đưa vào bệnh viện dã chiến. Chị cũng vào theo để chăm sóc anh.
Cái đêm mà anh trở nặng, anh xoay người sang thều thào: "Mình ơi, chắc anh qua không nổi, anh mệt quá". Bác sĩ chuyển anh đến khoa cấp cứu, chị cứ lặng lẽ dõi theo cho đến khi băng ca khuất xa khỏi tầm mắt. Chỉ nửa tiếng sau, chị nhận được tin báo: "Anh đã qua đời".
Chị Hường vẫn không khỏi xúc động khi nói về chồng
"Lúc đó tôi điếng người, đi như mất hồn. Các bác sĩ cho phép tôi gặp anh lần cuối. Lúc tôi xuống, ảnh đã nằm trong chiếc túi", chị Hường nghẹn ngào. Chị chầm chậm bước vào căn phòng lạnh lẽo, run rẩy mở túi ra để nhìn anh lần cuối cùng, trái tim của chị như bị ai bóp nghẹt. Một nửa cuộc đời của chị đã mất.
Không còn anh, căn nhà trở nên lạnh lẽo. Nhiều đêm ôm con ngủ, bé Ken thủ thỉ: "Mẹ ơi, con nhớ cha quá, nhớ không chịu nổi luôn". Chị chỉ biết khóc và an ủi con.
Gia đình nhỏ thiếu vắng người cha
Con gái lớn của anh Phong và chị Hường đã học năm hai Đại học. Lúc còn sống, anh chưa bao giờ để Nhung (tên con gái lớn) phải tự chạy xe đi học. "Ảnh thương con lắm, ảnh muốn lo cho con từ những điều nhỏ nhất. Cả hai đứa đều do ảnh chở đi học, dù trường con bé có xa nhà cách mấy ảnh vẫn chở đi", chị Hường nhớ lại.
Không còn cha, Nhung thấy trống trải vô cùng. Nhung chưa hình dung được đoạn đường đi học của mình sẽ như thế nào nếu vắng bóng cha.
Trong năm học này, Ken vào lớp 1. Sách vở, tập bút… của Ken đã được cha chuẩn bị từ trước. Chị Hường xót xa: "Vậy mà ảnh lại ra đi, ảnh không kịp nhìn thấy thằng bé tập đọc, học viết chữ. Lâu lâu, tôi thấy nó cứ chui xuống bàn thờ của cha nằm ngủ. Tôi kêu nó ra thì không chịu, nó bảo nhớ cha quá. Có bánh kẹo nó cũng ngồi ở đó ăn".
Mẹ chồng chị Hường vẫn chưa biết chuyện con trai mình đã ra đi. Bà mắc bệnh lao màng não, tuổi đã cao, bà không thể tự di chuyển, ăn uống. Vậy mà bà đã vượt qua Covid-19, nhưng con trai thì không. Gia đình vẫn giấu bà về sự ra đi của anh Phong. Bởi lẽ, nếu bà hay tin sẽ không thể chịu nổi mà bệnh nặng hơn.
Sách, tập, bút của Ken được cha mua từ trước
Bàn thờ anh Phong được đặt ở nhà trước. Mỗi ngày, gia đình vẫn chăm sóc bà ở nhà sau và không dám đẩy bà lên trên. Cứ như thế, bà và con trai cách nhau một vách tường.
Từ khi chồng mất, mọi khó khăn đổ dồn lên đôi vai của chị Hường. Hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học, mẹ chồng và chị chồng đều lớn tuổi, không còn sức lao động. Trước dịch, chị đi làm giúp việc cho các hộ gia đình nhưng hiện tại chị vẫn thất nghiệp. Thấy thương mẹ, con gái lớn ngỏ ý: "Con nghỉ học đi làm, kiếm tiền phụ mẹ nha". Mỗi lần như thế, chị lại gạt phắt đi. Chị kể: "Hồi cha nó còn sống, ổng có dặn dù khổ cỡ nào cũng phải lo cho con ăn học tới nơi tới chốn".
Vừa làm cha, vừa làm mẹ, chị chưa một lời than vãn. "Chỉ cần tụi nó được đi học, cực cỡ nào tôi cũng sẽ cố gắng", chị nói.
Vừa qua, các Ban ngành, đoàn thể, đơn vị nơi anh Phong công tác cũng đã xuống trao quà, thăm hỏi, động viên gia đình.