Theo thông tin Lê Thị Huệ mẹ bé Nguyễn Hà Anh (ở khu 2, phường Yên Hải, Quảng Yên, Quảng Ninh) cho biết: “Chiều tối 9/4, Hà Anh đang chơi đùa cùng với bạn ở nhà bà ngoại thì không may ngã vào nồi bỗng rượu nóng vừa nấu xong bỏng nặng.
Ngay lập tức, bà ngoại sơ cứu cho cháu và chuyển lên Trung tâm Y tế Thị xã Quảng Yên.
Tại đây, bé Hà Anh được các bác sĩ sơ cứu tạm thời, sau đó chuyển qua Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh. Đến sáng 10/4, các bác sĩ quyết định chuyển con tôi lên Viện Bỏng quốc gia cấp cứu".
Cháu bé bị bỏng toàn thân sau khi ngã vào nồi bỗng rượu nóng.
Tại Viện Bỏng quốc gia, sau khi thăm khám, các bác sĩ cho biết, tình trạng bệnh nhi bỏng 40% trên cơ thể, mức độ bỏng 3, 4.
Chị Huệ tâm sự: “Đến hôm nay, cháu bị được 10 ngày. Trong 7 ngày đầu, bác sĩ gọi chồng tôi vào bảo sức khỏe của cháu luôn trong tình trạng nguy hiểm. 3 ngày trở lại đây, sức khỏe của cháu đã khá hơn.
Do đó, bác sỹ cho tháo ống thở máy và cho Hà Anh tập thở dần dần nhưng vẫn có kèm theo máy thở hỗ trợ.
Hôm nay, bác sĩ lại cho lắp lại ống thở và cho biết con bé đủ điều kiện sức khỏe để cấy ghép da.
Theo phác đồ điều trị của các bác sĩ, sắp tới, những phần da bị tổng thương sâu như cách tay, ngực và mặt của con gái tôi sẽ lấy phần da tốt bên chân phải và trái ghép vào”.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới, tai nạn bỏng chiếm vị trí hàng đầu trong những loại tai nạn xảy ra tại nhà ở trẻ em và là nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây tử vong cho trẻ.
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Viện Bỏng quôc gia, trong 100 nạn nhân bị bỏng phải nhập viện, có khoảng 2/3 là trẻ em. Tác nhân gây bỏng ở trẻ chủ yếu là nước sôi, lửa, hóa chất, điện và sử dụng đồ dùng không đúng cách.
Có những trẻ bị bỏng nặng do ngã vào nồi canh hay tiếp xúc với bàn ủi còn nóng/bàn ủi đang cắm điện, có cháu bị bỏng nước khi cùng mẹ pha nước tắm, có bé bị bỏng dầu mỡ sôi do tiếp xúc với bếp,... thậm chí có trẻ bị bỏng do ôm bình nước nóng siêu tốc vào lòng.
Tai nạn bỏng không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý của trẻ mà còn có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Đa số trường hợp trẻ bị bỏng là do sự bất cẩn của người lớn trong quá trình trông nom, chăm sóc trẻ.
Theo các nhà chuyên môn, trong trường hợp trẻ bị bỏng, trước hết người lớn phải bình tĩnh, nhanh chóng tách rời trẻ ra khỏi nguồn gây bỏng.
Sau đó, cần tưới rửa vùng bỏng bằng vòi nước sạch, phủ vùng bỏng bằng gạc sạch rồi nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế bằng phương tiện tốt nhất, không cần thiết phải bôi thuốc vào vết bỏng.