Anh Lê Văn Huân ở Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, phần lớn mọi người đều không có kế hoạch chi tiêu cho khoản tiền mình kiếm được.
Có người còn có tư tưởng “sống phải biết hưởng thụ, phải đi đây đi đó” rồi “trẻ không hưởng thụ già ngồi ôm tiền cũng không có ý nghĩa gì”. Thế nên, tiền làm ra sẽ tiêu sạch, không lo nghĩ gì đến việc tích lũy.
Còn anh Huân thì cho rằng, tiền làm ra được nhiều hay ít không quan trọng, song phải biết tính toán trước sau, làm sao để vừa có tiền tích lũy, vừa đảm bảo cuộc sống được thoải mái.
Theo anh Huân, đời người chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, tính từ lúc còn nhỏ đến 23 tuổi, bố mẹ sẽ bao nuôi vì trong độ tuổi đi học.
Giai đoạn thứ hai, từ 23-60 tuổi, là lúc đi làm kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình. Giai đoạn thứ 3 là giai đoạn nghỉ hưu, không kiếm được mà chỉ tiêu tiền.
40 tuổi bắt đầu tiết kiệm tiền để dưỡng già.
Như vậy, cuộc đời chỉ có giai đoạn thứ 2 để kiếm tiền, tức khoảng hơn 30 năm. Trong giai đoạn này, cần chia khoản tiền ra làm các phần, trong đó nhất định phải có khoản tiết kiệm dành cho giai đoạn sau khi nghỉ hưu để dưỡng già.
Anh Huân kể rằng, anh cưới vợ từ năm 28 tuổi. Hai vợ chồng đi làm và tiết kiệm đến năm 35 tuổi, anh chị trả nợ xong tiền mua nhà chung cư rộng 75m2 hiện vợ chồng và 2 đứa con anh đang ở.
Đến năm anh 39 tuổi, anh tậu được chiếc ô tô cũ giá 450 triệu đồng, tiện bề cho gia đình về quê thăm họ hàng nội ngoại và thỉnh thoảng đi chơi xa.
Năm anh 40 tuổi, lương mỗi tháng là 18 triệu đồng (anh làm cho một doanh nghiệp nước ngoài) còn vợ anh là 7 triệu đồng. Tổng thu nhập của cả hai vợ chồng vào khoảng 25 triệu đồng/tháng. Anh chị bắt đầu lên kế hoạch tiết kiệm để lo dưỡng già.
Cụ thể, với khoản tiền 25 triệu đồng/tháng, vợ chồng anh chia làm hai khoản chính: 17 triệu đồng dành để chi tiêu sinh hoạt gia đình, nuôi hai con ăn học, tiền hiếu hỷ, biếu bố mẹ hai bên nội ngoại…
8 triệu đồng còn lại gửi vào tài khoản tiết kiệm tự động để cuối năm rút hết ra, đem gửi ngân hàng với kỳ hạn 1 năm một (lãi suất sẽ cao hơn).
Tiền thưởng của hai vợ chồng được khoảng 60 triệu đồng/năm sẽ được chi ra để cho gia đình đi du lịch, tiêu Tết và tiền chi phí cho ốm đau bệnh tật.
Như vậy, mỗi năm anh chị có 96 triệu đồng tiền tiết kiệm, 20 năm gửi liên tiếp với khoản tiền lãi mỗi năm cộng dồn luôn vào tiền gốc (lãi suất 7%/năm - mức lãi tạm tính với lãi suất hiện tại) thì khi 60 tuổi, vợ chồng anh có khoảng 4 tỷ đồng.
Tất nhiên, số tiền chỉ được như vậy khi cả nhà không xảy ra biến cố lớn về sức khỏe, công việc,... hay rủi ro nào khác.
Với khoản tiền trên, anh chị dự tính sau khi nghỉ hưu anh chi 100 triệu mua hai xe máy cho hai con (con tốt nghiệp đại học đi làm, cần có xe), 400 triệu đồng lo đám cưới cho các con.
Số tiền còn lại còn khoảng 3,6 tỷ đồng vợ chồng anh tiếp tục gửi tiết kiệm lấy lãi suất 250 triệu đồng/năm (tạm tính với mức lãi hiện tại).
Chia số lãi cho 12 tháng, vợ chồng anh sẽ có khoản tiền 21 triệu đồng/tháng cộng với khoản lương hưu để chi tiêu sinh hoạt hàng tháng. Tính ra, số tiền này có thể giúp vợ chồng anh về già sống an nhàn, du lịch đó đây.
Anh Huân cho hay đã thực hiện kế hoạch trên được gần 3 năm nay, anh thấy không quá khó khăn. Với khoản tiền 17 triệu đồng, vợ chồng anh vẫn đủ chi tiêu sinh hoạt cho gia đình.
Theo anh Huân, lúc mới lên kế hoạch tiết kiệm, vợ chồng anh cũng đắn đo suy tính xem nên đầu tư vào mua vàng, mua nhà hay gửi tiết kiệm.
Suy đi tính lại, hai vợ chồng đều quyết định gửi tiết kiệm bởi tiền gửi sẽ có lãi, vợ chồng anh sau này chỉ cần sống bằng khoản tiền lãi đó đã đủ. Tiền gốc sau khi "hai năm mươi" vẫn có thể di chúc lại cho con cái.
Còn mua vàng về cất tủ, thì sau 20 năm vợ chồng anh chị cũng chỉ có số vàng tương đương với khoản tiền 2 tỷ đồng.
Riêng mua nhà thì khó thực hiện hơn vì khoản tiết kiệm mỗi tháng chỉ có 8 triệu đồng, chưa kể giá nhà đất lên xuống bấp bênh, khó tính được.