Giải tán ngay cấp phòng giáo dục
Các chuyên gia giáo dục đều đánh giá cao đề xuất của Bộ GDĐT, khi xếp lương giáo viên cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên tiền ở đâu, tăng thế nào vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Trước khó khăn này, thầy giáo Bùi Nam hiến kế, để có tiền tăng lương giáo viên, trước tiên phải tinh gọn bộ máy quản lý giáo dục.
Thầy phân tích, tính chung trên cả nước, cán bộ quản lý từ mầm non đến THPT là 103.821/ 822.454 viên chức (chiếm 12,6%). Con số này chưa kể đến lực lượng viên chức tăng cường về thực hiện nhiệm vụ tại sở/phòng GD nhưng vẫn nhận lương tại các trường.
Việc tăng lương cho giáo viên như dự thảo Luật Giáo dục là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay để giáo viên toàn tâm, toàn ý chăm lo cho giáo dục và đổi mới giáo dục.
Nhưng không thể tăng lương khi mà lực lượng biên chế ngành quá nhiều, nhiều cán bộ quản lý nhưng làm việc không hiệu quả, dư thừa.
Hiệu trưởng sẽ được tự chủ về chuyên môn, tài chính và các quyết định khác. Việc tổ chức thi cử, trường sẽ trực tiếp "nhận lệnh" từ Sở GDĐT. Có thể quản lý bằng công nghệ, chứ không cần qua cấp trung gian là phòng giáo dục nữa.
Chưa kể mới đây, nhiều cán bộ công tác ở cấp phòng, sở giáo dục còn đồng loạt kiến nghị cần tăng lương và phụ cấp cho đội ngũ cán bộ quản lý.
Từ đó, thầy Nam góp ý: Cần giải tán các phòng giáo dục ở các huyện, quận trong cả nước, thay vào đó tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường.
Giáo viên “mở cờ”
Ngay sau khi kiến nghị này được đăng tải, cộng đồng sư phạm, trong đó có các hiệu trưởng và đặc biệt là các giáo viên như “mở cờ trong bụng”.
Thầy Q.Tr (Hiệu trưởng một trường tiểu học) chia sẻ: “Quản lý giáo dục của ta hiện nay quá nhiều tầng nấc trung gian. Họ đều tự cho mình cái quyền chỉ đạo các nhà trường, chỉ đạo giáo viên phải làm như thế này, thế kia.
Càng nhiều tầng nấc càng trói chân tay giáo viên, khiến họ chịu áp lực và không thể sáng tạo được”.
Cô N.T.N (giáo viên đang dạy ở một trường THPT tại Hưng Yên) cũng đồng tình: “Tôi thấy phòng giáo dục địa phương rất ít khi đề xuất được các giải pháp thiết thực trong cải cách quản trị và nâng cao chất lượng giáo dục.
Chủ yếu họ làm nhiệm vụ về kiểm tra, dự giờ giáo viên. Điều này chỉ thêm áp lực cho nhà giáo chúng tôi”.
Tuy nhiên, một số giáo viên cũng kiến nghị, nếu bỏ cấp trung gian là phòng giáo dục thì cần trao cho nhà giáo quyền được bầu trực tiếp hiệu trưởng.
Bằng không khi quyền lực tập trung vào tay hiệu trưởng, giáo viên sẽ rơi vào cảnh “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”.