Xóa băng cướp trên biển

Khắc Đoàn |

Ngay khi nhảy lên tàu, các đối tượng đã bắt trói và dùng băng dính bịt mắt 7 ngư dân rồi thả họ lên một đảo hoang thuộc huyện Vân Đồn sau khi cướp đi toàn bộ tài sản cùng con tàu trị giá hơn 1 tỷ đồng, tẩu thoát.

Vụ cướp táo tợn

Chiều mùng 2 tết Nhâm Ngọ 2002, Công an tỉnh Quảng Ninh nhận được tin báo: trên vùng biển huyện đảo Vân Đồn đã xảy ra một vụ cướp nghiêm trọng.

Nạn nhân là 7 ngư dân quê ở xã Hải Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An trên con tàu không số đang hình trình từ Vịnh Bắc Bộ về Nghệ An, bị một nhóm khoảng chục đối tượng đi trên một xuồng máy, nổ súng uy hiếp, bắt dừng tàu.

Ngay sau đó, các đối tượng nhảy lên tàu, bắt trói và dùng băng dính bịt mắt 7 ngư dân rồi thả họ lên một đảo hoang thuộc huyện Vân Đồn sau khi cướp đi toàn bộ tài sản cùng con tàu trị giá hơn 1 tỷ đồng, tẩu thoát. 2 ngày bị bỏ đói khát trên đảo, các nạn nhân trên đã may mắn được những người dân đi biển phát hiện giải cứu.

Nhận được tin, Công an tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương vào cuộc. Qua nghiên cứu lời khai của nhóm ngư dân, thấy có nhiều mâu thuẫn, lực lượng điều tra nhanh chóng “tách” họ để đấu tranh.

Bước đầu chủ tàu là Nguyễn Văn Đào, sinh 1957, cùng nhóm thuyền viên buộc phải thú nhận thường xuyên sử dụng tàu chở hàng hóa buôn lậu từ Trung Quốc về Nghệ An tiêu thụ.

Xóa băng cướp trên biển - Ảnh 1.

Vùng biển Trà Cổ, giáp ranh với Trung Quốc, khu vực các đối tượng gây án

Theo đó, sáng 11-2-2002, nhóm của Đào nhận chở hàng thuê cho một số đối tượng (không rõ địa chỉ) từ bến Đầm Cát, Giang Bình, Trung Quốc về Nghệ An.

Khi về đến khu vực biển giáp ranh Trung Quốc và Việt Nam thì bị một nhóm đối tượng trên cướp đi toàn bộ hàng hóa cùng con tàu.

Từ kinh nghiệm điều tra, khám phá hàng chục vụ cướp tài sản và các phương tiện hành nghề của các ngư dân, trên biển, các trinh sát nhận định: đây băng cướp táo tợn, chuyên nghiệp, hoạt động có tổ chức khá chặt chẽ với quy mô lớn.

Nhiều khả năng, chúng sẽ sử dụng địa bàn TP Hải Phòng để tẩu tán hàng hóa cướp được.

Ngay trong đêm giao thừa, một mũi trinh sát được tung ngược ra Móng Cái, thu thập tài liệu thông tin về vụ cướp, mũi khác phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự CATP Hải Phòng rà soát đối tượng, truy tìm con tàu tang vật bị cướp và chiếc xuồng phương tiện gây án.

Kết quả, ngày 16-2-2002 (tức mùng 5 Tết Nhâm Ngọ), Công an tỉnh Quảng Ninh được sự giúp đỡ của CATP Hải Phòng và bộ đội Biên phòng Hải Phòng đã phát hiện con tàu không số bị cướp đang neo đậu tại bến Thùy Giang, thuộc huyện Kiến Thụy.

Ngay trong đêm, các trinh sát đã bí mật ập lên con tàu, bắt gọn một tên cướp là Đào Xuân Quýnh, sinh 1975, ở xã Quang Trung, huyện An Lão, Hải Phòng, thu giữ tại chỗ một số hàng hóa, tang vật của vụ cướp, như: vỏ ti vi, khung xe đạp, bát đĩa sứ…

Lộ mặt băng cướp

Tại cơ quan công an, Quýnh khai nhận, được anh trai là Đào Xuân Sơn, giao trông coi tàu.

Ngày mùng 6 tết Nhâm Ngọ, căn cứ vào lời khai của Quýnh, lực lượng phá án đã tóm gọn Đào Xuân Sơn (tức Sơn “tễ”, từng có 1 tiền án về tội Buôn lậu hàng hóa qua biên giới), sinh 1955, ở phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân, khi y đang sát phạt trên chiếu bạc. Khám xét nơi ở của Đào Xuân Sơn, cơ quan điều tra thu giữ 59 triệu đồng là tiền do hắn bán số hàng cướp được.

Tiếp tục mở rộng án, trinh sát đã dựng được băng cướp, gồm: Đào Xuân Quýnh; Đào Xuân Sơn; Nguyễn Văn Hiện (tức Hiện “đen”), sinh 1962, ở phường Đông Khê, quận Ngô Quyền; Nguyễn Đình Dênh (tức Dênh “lợn”), sinh 1962, ở xã Nam Hải, huyện An Hải (nay là phường Nam Hải, quận Hải An), có 1 tiền án về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài; Đỗ Hồng Thái, sinh 1962, ở 34/47 Trần Nguyên Hãn, Lê Chân, có 2 tiền án về tội Trộm cắp tài sản và Cố ý GTT; Bùi Văn Xuân, sinh 1962, ở xã Đông Hải, huyện An Hải (nay là phường Đông Hải I, quận Hải An); Lê Quang Hải, sinh 1962, ở 17 VT6 Phương Lưu, phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền; Trần Văn Tình, sinh 1973, ở xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy.

Ngày 28-2-2002, thông qua biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với CATP Hà Nội đã bắt giữ được Nguyễn Văn Hiện, Bùi Văn Xuân và Bùi Văn Dênh. Khai thác nóng Bùi Văn Dênh, cơ quan điều tra đã thu giữ tại hang Thủy, thuộc huyện Vân Đồn, Quảng Ninh khẩu súng AK và 9 viên đạn là tang vật vũ khí gây án, đồng thời thu tại nhà riêng của Dênh ở phường Nam Hải, 1 khẩu súng AK khác.

Hai khẩu súng này, Dênh khai nhận do đồng bọn giao cho cất giấu để chờ cơ hội gây án. Những ngày sau đó, các đối tượng thuộc băng cướp là Lê Đức Quảng, sinh 1962, ở phường Đông Hải, quận Hải An, có 1 tiền án về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài vàTrần Ngôn Long (tức Long “đầu đất”), sinh 1975, ở phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, lần lượt sa lưới.

Tại Công an tỉnh Quảng Ninh, các đối tượng đã cúi đầu nhận tội.

Thủ đoạn gây án

Do biết trên vùng biển Quảng Ninh giáp ranh với Trung Quốc có nhiều tàu thuyền chở hàng hóa buôn lậu từ Trung Quốc về Việt Nam chạy qua nên Đỗ Hồng Thái và Bùi Văn Xuân đã bàn bạc với Lê Quang Hải, Trần Văn Tình, Nguyễn Đình Dênh và Trần Văn Hiện tổ chức đi cướp hàng.

Sau đó, cả nhóm thống nhất phân công người sang bến Đầm Cát, Giang Bình, Trung Quốc theo dõi, nắm tình hình tàu buôn lậu Việt Nam chạy từ Trung Quốc về để thông báo cho các đối tượng trong nhóm biết, kịp thời lập kế hoạch gây án; đồng thời sang huyện Cát Hải, thuê một chiếc tàu đánh cá chạy ra neo đậu tại vùng biển Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh để chờ vận chuyển hàng hóa cướp được về Hải Phòng, giao cho Thái và Xuân mang đi tiêu thụ; Thái chuẩn bị một xuồng máy, lương thực, xăng dầu cho các đối tượng trong nhóm cùng ra khu vực biển Trà Cổ, chờ thông tin của đồng bọn từ Trung Quốc điện về và sẵn sàng ra tay hành động.

Tuy nhiên, ngày 6-2-2002 (tức 25 tết Nhâm Ngọ), Hải, Dênh, Hiện đến gặp Đào Xuân Sơn và Lê Mạnh Hùng (sinh 1960, ở 36, Đ46, phường Đổng Quốc Bình, quận Ngô Quyền, có 1 tiền án về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản), kể lại kế hoạch tổ chức cướp hàng.

Sau đó, Hải, Dênh, Hiện bàn với Sơn và Hùng là khi chúng cướp được hàng sẽ không giao cho bọn Thái, Xuân mà đưa về cho 2 tên này tiêu thụ. Sơn thống nhất với nhóm của Hải là cho Đào Xuân Quýnh, Đào Trọng Thành, sinh 1966 và Vũ Đình Sáu (tức Xấu), sinh 1968, cùng ở thôn Quần Mục, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, đi ô tô với Hùng ra Trà Cổ, Móng Cái, đợi đưa hàng về.

Theo kế hoạch đã bàn, ngày 7-2-2002, Thái và Xuân phân công Trần Ngôn Long sang bến Phù Long, huyện Cát Hải, thuê tàu của một người dân chạy ra neo đậu tại vùng biển Trà Cổ.

Ngày 9-2-2002 (tức 28 tết), nhóm Hải, Dênh, Hiện, Tình và Quảng, tập trung tại nhà của Bùi Văn Xuân, ở Đông Hải quận Hải An.

Đến chiều tối, Đỗ Hồng Thái tự lái xe ô tô du lịch loại nhỏ đến đón cả bọn xuống khu 3 Đồ Sơn. Tại đây, Thái giao cho nhóm Hải, Dênh chiếc xuồng máy vỏ nhựa lắp máy 65CV và số điện thoại của để liên lạc với đồng bọn bên Trung Quốc.

Khoảng 21h cùng ngày, nhóm Hải, Dênh, Hiện, Tình và Quảng cho xuồng xuất phát, còn lại Thái và Xuân ở lại Hải Phòng để chờ đón hàng.

Trên đường đi, Dênh cho xuồng tạt vào một đảo thuộc huyện Vân Đồn, lấy 1 khẩu súng AK cất giấu từ trước ở đó, đem xuống xuồng giao cho Quảng quản lý. Xuồng tiếp tục chạy đến nơi tàu do Trần Ngôn Long thuê đang neo đậu, đón Long sang xuồng rồi đến đỗ tại một điểm khác để chờ thông tin của đồng bọn từ bên Trung Quốc.

Đến 6h 30, ngày 11-2-2002 (tức 30 tết), Hải nhận được điện thoại của đồng bọn bên Trung Quốc, báo tàu buôn lậu đã rời bến. Cả bọn sau đó đã thực hiện hành vi gây án.

Tại Hải Phòng, sau khi nhận được điện của nhóm Thành, Quýnh báo tàu đã về đến khu biển Đồ Sơn, Đào Xuân Sơn tổ chức thuê một số thuyền nan, xe taxi vận chuyển gần hết số hàng, gồm: vải, xe đạp, ti vi, đầu video cũ, bát đĩa sứ… bán cho một số người ở Hải Phòng, lấy tiền chia nhau ăn tiêu.

Số hàng còn lại cùng con tàu, Sơn cho đưa về đậu tại bến Thùy Giang, huyện Kiến Thụy và thuê Quýnh trông coi, đến khi bị lực lượng công an phát hiện bắt giữ.

Các đối tượng tham gia gây án còn lại bỏ trốn, bị cơ quan điều tra ra quyết định truy nã. Ngày 10-1-2003, Trần Văn Tình bị bắt theo quyết định truy nã; ngày 23-12-2003 Lê Quang Hải ra đầu thú; Vũ Đình Sáu và Đào Trọng Thành bị bắt cùng ngày 5-5-2003; ngày 20-5-2003 Đỗ Hồng Thái bị bắt; ngày 17-1-2018 Lê Mạnh Hùng ra đầu thú.

Căn cứ vào vai trò hành vi của từng bị cáo, ngày 16-1-2003, TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên phạt: Bùi Văn Xuân 11 năm tù, Nguyễn Đình Dênh 9 năm tù, Lê Đức Quảng, Trần Văn Hiện, Trần Ngôn Long và Đào Xuân Sơn chung mức hình phạt 8 năm tù, Đào Xuân Quýnh 7 năm tù cùng về tội Cướp tài sản.

Trong đó, Nguyễn Đình Dênh bị phạt thêm 2 năm tù về tội Tàng trữ vũ khí trái phép, tổng hình phạt Dênh phải chấp hành 11 năm tù; Lê Đức Quảng phạm tội trong thời gian thử thách chấp hành bản án 3 năm tù cho hưởng án treo của TAND TP Hải Phòng về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai bản án là 11 năm tù.

Riêng Nguyễn Văn Đào vừa là bị hại vừa là cáo, bị xử phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Tiếp đó, trong các ngày 2-3, 24-3, 14-8-2003 và 24-5-2018, TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên phạt Lê Quang Hải 6 năm tù, Trần Văn Tình 8 năm tù, Đỗ Hồng Thái 5 năm tù, Vũ Đình Sáu 4 năm tù, Đào Trọng Thành 4 năm tù, Lê Mạnh Hùng 3 năm tù cùng về tội cướp tài sản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại