1.Tổng quan về xơ gan
Xơ gan là kết quả cuối cùng của quá trình xơ hóa lan tỏa do sự tăng sinh xơ xuất hiện cùng với các tổn thương gan mạn tính trong một thời gian dài.
Trong những năm trở lại đây, tỷ lệ người mắc các bệnh về gan nói chung và xơ gan nói riêng ở Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh.
Điều này liên quan mật thiết đến các vấn đề nhức nhối trong xã hội như lạm dụng rượu bia , thực phẩm bẩn, sử dụng thuốc tùy tiện.
Xơ gan chia làm 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn tiềm tàng (còn bù).
+ Giai đoạn tiến triển (mất bù).
2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh xơ gan
Nguyên nhân gây xơ gan vô cùng đa dạng mà hai nguyên nhân chính là viêm gan do virus B , C, D,…và nghiện rượu.
Ngoài ra, hiếm gặp hơn có thể gặp xơ gan do thuốc, hoá chất, sán, rối loạn chuyển hoá di truyền, bệnh tự miễn… Các nguyên nhân khác:
+ Nhiễm khuẩn: sán máng, HIV
+ Các bệnh chuyển hóa, di truyền: bệnh Wilson,…
+ Bệnh đường mật: Tắc mật
+ Bệnh tự miễn: Viêm gan tự miễn, xơ gan mật tiên phát
+ Do thuốc và nhiễm độc
3.Dấu hiệu nhận biết xơ gan
Bệnh cảnh lâm sàng của xơ gan rất đa dạng, phụ thuộc vào bệnh cảnh gây xơ gan, các giai đoạn của xơ gan.
Viêm gan do virus là một trong những nguyên nhân dẫn đến xơ gan
4.Biểu hiện của xơ gan
Xơ gan biểu hiện lâm sàng bằng 2 hội chứng chính:
- Hội chứng suy tế bào gan: Giai đoạn sớm là người bệnh mệt mỏi chán ăn, rối loạn tiêu hóa. Ở giai đoạn muộn hơn người bệnh sụt cân, phù chân, tràn dịch đa màng, vàng da, sạm da, có thể có xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Có thể có sốt nhẹ kéo dài do tổn thương gan tiến triển, rối loạn tiêu hóa: đầy bụng, chướng hơi, ăn uống kém...
- Hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa: Xơ gan cổ trướng ở các mức độ, lách to từ độ 1 đến độ 4, xuất huyết tiêu hóa…
Xơ gan được phân thành ba giai đoạn: xơ gan tiềm tàng, xơ gan còn bù tốt và xơ gan tiến triển mất bù. Triệu chứng chủ yếu của bệnh là hai hội chứng chính: hội chứng suy tế bào gan và hội chứng tăng áp lực cửa. Trên lâm sàng bệnh nhân nhập viện với tình trạng mệt mỏi, ăn uống không tiêu, đầy bụng, đau tức hạ sườn phải, vàng da, bụng chướng.
5. Biến chứng xơ gan
Các biến chứng của xơ gan bao gồm: Tăng áp lực tĩnh mạch cửa, xuất huyết tiêu hóa, xơ gan cổ trướng và phù, nhiễm trùng dịch cổ trướng, nhiễm trùng cơ quan bộ phận khác, sốc nhiễm khuẩn, hội chứng não gan, hội chứng gan thận, hội chứng gan phổi, ung thư gan , ung thư biểu mô tế bào gan,… Hậu quả cuối cùng là tử vong.
6.Chẩn đoán xơ gan
Sau khi khám lâm sàng các bác sĩ chỉ định các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, cụ thể siêu âm bụng, xét nghiệm sinh hóa, siêu âm đàn hồi gan, chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ gan (MRI). Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh thực hiện nội soi mật tụy ngược dòng để phát hiện các vấn đề về ống mật hoặc nội soi đường tiêu hóa trên để phát hiện tình trạng giãn tĩnh mạch hoặc chảy máu trong ở các cơ quan tiêu hóa…
Sinh thiết gan để chẩn đoán các giai đoạn xơ hóa gan vẫn là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và quản lý bệnh gan mạn tính.
Lạm dụng bia rượu dẫn đến xơ gan
7.Điều trị xơ gan
Phương pháp điều trị xơ gan phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương gan của người bệnh.
Mục tiêu của điều trị là làm chậm sự tiến triển của mô sẹo trong gan, kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa hoặc điều trị các biến chứng của bệnh.
Tùy thuộc vào từng cá nhân, giai đoạn bệnh, nguyên nhân gây bệnh mà các bác sĩ sẽ có những chỉ định thích hợp. Điều trị nguyên nhân cơ bản có thể giảm thiểu thiệt hại cho gan. Một số phương pháp điều trị bao gồm:
Điều trị bằng nội khoa với các thuốc để kiểm soát viêm gan siêu vi. Các thuốc điều trị viêm gan B hoặc C có thể hạn chế tổn thương tế bào gan do các tình trạng này gây ra. Đối với bệnh nhân nghiện rượu, cần cai rượu, giảm cân; với người bị xơ gan do viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, cần giảm cân và kiểm soát lượng đường trong máu.
Sử dụng thuốc kiểm soát các nguyên nhân và triệu chứng khác của xơ gan… Điều trị cổ chướng và tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Ngoài ra, cần có chế độ ăn uống nghỉ ngơi, cân đối năng lượng. Ghép gan là phương pháp điều trị hiệu quả nhất khi xơ gan giai đoạn mất bù song còn nhiều hạn chế về mặt chi phí và gan ghép. 8. Phòng ngừa xơ gan
Bệnh xơ gan có thể phòng tránh bằng các biện pháp đơn giản. Để ngăn ngừa gan xơ hóa, cần có một chế độ ăn uống lành mạnh, tạo lập các thói quen tốt trong sinh hoạt cũng như chủ động phòng tránh các nguyên nhân có thể gây xơ gan trong đó hạn chế sử dụng rượu.
Kiểm soát lượng rượu tiêu thụ và tần suất sử dụng rượu bia phù hợp để không gây hại cho sức khỏe. Trường hợp đã mắc bệnh về gan, người bệnh cần kiêng hoàn toàn rượu bia.
Hằng ngày cần có chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung rau, củ, trái cây, thực phẩm giàu protein và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế chất béo và cắt giảm lượng muối trong chế độ ăn uống. Ăn chín, uống sôi, đặc biệt không ăn sống các loại hải sản có vỏ vì chúng có thể chứa vi khuẩn và ký sinh trùng gây nhiều bệnh lý nguy hiểm dẫn đến viêm gan, xơ gan.
Ngoài ra cần duy trì cân nặng hợp lý, luyện tập thể dục đều đặn, kiểm tra sức khỏe định kỳ, bỏ hút thuốc lá, tránh các nguy cơ cao làm lây nhiễm viêm gan B hoặc C, chẳng hạn như tiêm chích ma túy hoặc quan hệ tình dục không an toàn.
Cần tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan A, B, tiêm phòng cúm hàng năm, tiêm phòng viêm phổi… và điều trị các bệnh lý nếu có để ngăn ngừa thành bệnh mạn tính, nhờ đó hạn chế được việc dùng thuốc kéo dài cũng giảm thiểu nguy cơ xơ gan hiệu quả. Đặc biệt, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc mà chưa có chỉ định của các bác sĩ. Việc lạm dụng thuốc hoặc sử dụng sai liều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến gan.