20h00 ngày 13/6, bảng D, Euro 2016, SVĐ Municipal: Tây Ban Nha vs CH Séc
Messi đang ở Argentina, còn Ronaldo cũng đã về mặc áo Bồ Đào Nha…
Kể từ chức vô địch Euro 2008, đến chức vô địch World Cup 2010, rồi lại thống trị châu Âu năm 2012, Tây Ban Nha luôn có nòng cốt phần lớn là các cầu thủ Barca, Real.
Thực ra từ trước nữa cũng vậy, nhưng ở đây có một sự trùng hợp lớn hơn: Đấy cũng là lúc 2 CLB xứ Bò tót sở hữu lực lượng mạnh bậc nhất lịch sử!
Khi 2 đại kình địch ở Tây Ban Nha có nhiều hảo thủ bản địa, dĩ nhiên La Roja hưởng lợi lớn.
Trong trận Chung kết World Cup 2010, họ có Iker Casillas trong khung gỗ, Ramos – Pique – Puyol - Joan Capdevila ở hàng thủ, Sergio Busquets – Alonso – Xavi, Iniesta ở hàng tiền vệ, và trên hàng công là Pedro cùng David Villa.
Trên băng ghế dự bị, Tây Ban Nha còn nhiều hảo thủ nữa, và khi thắng Hà Lan 1-0 (116’), họ đã thay các ngôi sao như Navas, Fabregas, Torres vào sân.
Nhưng hiện tại, Tây Ban Nha còn ai nữa, trong lứa "Dream team" ấy?
Trong tay HLV Vicente del Bosque lúc này không có nhiều ngôi sao để đặt niềm hy vọng.
Joan Capdevila không còn ở phong độ đỉnh cao nên chẳng được triệu tập, Puyol đã giải nghệ. Alonso vắng bóng, trong khi Xavi cũng chỉ đang vật vờ, dưỡng già tại Qatar.
Trên hàng công cao nhất, David Villa cùng người bạn thân Torres xem Euro qua tivi trong khi Gã đồ tể Diego Costa tưởng là niềm hy vọng mới cũng chẳng được triệu tập.
Những cái tên còn sót lại, như Iker Casilla, Ramos, Pique, Sergio Busquets, Iniesta và Pedro đều không còn ở đỉnh cao phong độ. Tệ hơn, Iker sa sút thảm hại, như niềm tự tôn đã đánh rơi lúc phải rời Real. Còn Pique đang nổi loạn, chống đối HLV Enrique tại Barca nên không ít bất ổn…
Nói dài như vậy để chỉ ra 1 vấn đề là tại sao Tây Ban Nha sa sút khi các nhân sự yếu kém đi, mà Barca và Real, vẫn còn nhiều những con người trong số ấy, lại chơi tốt?
Câu trả lời nằm ở Messi và Ronaldo, 2 siêu sao vượt trội phần còn lại của bóng đá thế giới ở thời điểm hiện tại. Cùng với Neymar và Suarez, Messi vẫn giúp Barca là thế lực đáng sợ nhất thế giới bóng đá cấp CLB.
Trong khi Ronaldo, vừa hay lại vừa may, vẫn một mình gánh vác Real, bất chấp sự đe dọa chiếm chỗ đến từ cơn sóng sau mang tên Gareth Bale.
Tây Ban Nha không có cái tên nào sống mãi như thế và đáng tiếc hay, họ lại càng không có những cái tên kế cận xứng đáng.
Real không có truyền thống đào tạo trẻ, còn Barca thực tế từ lâu đã phải mua người để duy trì sức mạnh, đấy là Neymar hay "bom tấn" tiếp theo mang tên Suarez.
Thủ môn đang là vị trí cần lo ngại của Tây Ban Nha, khi De Gea có phong độ tốt thì lại gặp scandal tình ái. Phần còn lại, kể cả Iker đều không chắc tay.
Nhưng bi kịch của NHM bóng đá xứ Bò tót không chỉ nằm ở đó
Nhiều người không thể tưởng tượng nổi màn trình diễn của Tây Ban Nha ở World Cup 2014. Ngay ở vòng bảng, họ thua Hà Lan 1-5, thua Chile 0-2 để rồi chiến thắng 3-0 trước Australia chằng còn chút nghĩa lý nào.
Cất công đến Brazil trong tư thế của nhà vô địch thế giới, vô địch châu Âu nhưng Tây Ban Nha lủi thủi ra về, không kèn, không trống. Thời điểm ấy, cũng giống như hiện tại, nhiều hảo thủ TBN đã không còn trên đỉnh cao phong độ.
Nhưng lý do họ thất bại chẳng phải vấn đề chuyên môn. Dễ hiểu thôi, khi bạn đã vô địch Euro 2 lần liên tiếp, xen lẫn 1 lần World Cup, rồi lại đoạt vô số danh hiệu tại Barca hay Real, còn đâu động lực chiến đấu?
Vấn đề là tinh thần của TBN cũng chẳng thay đổi tẹo nào, sau thất bại sấp mặt trên xứ Samba. Tại vòng loại Euro 2016 ngày, họ thắng đến 9 và chỉ thua 1. Nhưng chậm đã, TBN thua Slovakia 1-2, họ thắng Ukraine 1-0, thắng Belarus 1-0, thắng Macedonia 1-0 rồi lại thắng Ukraine 1-0.
Phải chăng những đối thủ này quá mạnh ư, hay TBN mạnh quá, chỉ cần đá nhẹ nhàng thế là đủ, chẳng ngại "lật kèo"?
Bỏ qua những vấn đề bên lề sân cỏ, TBN vẫn kiểm soát bóng tốt, chỉ thủng lưới 3 bàn sau 10 trận ở vòng bảng. Nhưng thực tế, nó không có nghĩa La Roja còn mạnh mẽ như trước.
Ở những trận đấu đó, chính NHM xứ Bò tót những ngán ngẩm với màn trình diễn của các cầu thủ đội nhà. Sự nhạt nhòa, thiếu cống hiến thể hiện rõ trong các bước chạy của ĐT TBN.
Bóng ma tại Brazil 2014 có vẻ như vẫn chưa buông tha La Roja hoặc giả chính họ không muốn thoát khỏi nó…
Với việc David De Gea vừa phải nhận scandal tình ái, Pedro cũng như nhiều thành viên khác của đội khẳng định rằng họ chẳng thấy có chút nào ảnh hưởng. Nhưng vụ việc này như một ngọn lửa nhỏ, châm bùng lên đống lửa lớn hơn là những bất ổn trong lòng thầy trò HLV Vicente del Bosque.
Thế đấy. Nhìn Tây Ban Nha lúc này chẳng có một "đấng cứu thế" nào về mặt tinh thần và khả năng chuyên môn. Thế nên NHM có quyền để nghi ngờ về chuyện họ sẽ có một kì Euro thành công trên đất Pháp.
CH Séc thủng lưới cả 10 trận vòng loại Euro 2016. Đây là cơ hội cho TBN nhưng ĐT xứ Bò tót lại không có các cái tên kì vọng được trên hàng công.
Thông tin lực lượng
TBN: De Gea đối mặt scandal tình ái; Alvaro Morata có thể trở lại từ chấn thương đùi.
CH Séc: Không có thiếu vắng nào đáng kể.
ĐH dự kiến
TBN: De Gea; Alba, Ramos, Pique, Juanfran; Iniesta, Busquets, Koke; Silva, Nolito, Morata.
CH Séc: Cech; Limbersky, Kadlec, Sivok, Kaderabek; Darida, Plasil; Krejci, Kolar, Dockal; Necid.
Dự đoán: TBN 1-1 CH Séc
Đối đầu
Từ năm 1996 đến nay, TBN đụng độ CH Séc 4 lần, 2 ở VL WC 1998 và 2 ở VL Euro 2012. TBN hòa 1 (0-0) và thắng 3(1-0, 2-1, 2-0).
Họ nói:
HLV Vicente del Bosque: "Chúng ta không nên đặt ra bất cứ mục tiêu nào. Chúng tôi không thể nói mình sẽ hạnh phúc nếu vào Bán kết hay điều gì đó tương tự. TBN cần có sự khát khao chiến thắng.
Chúng tôi không biết mình có thể tiến xa đến đâu, nhưng cần duy trì giấc mơ vô địch Euro lần thứ 3 liên tiếp".
HLV Pavel Vrba: "Đội hình của họ gồm những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, đến từ Barca và Real. Vì thế đây sẽ là trận đấu khó khăn cho chúng tôi. Tuy nhiên tất cả chúng tôi sẽ cố gắng để đánh bại TBN, dù biết mọi thứ rất gian nan".
Tây Ban Nha thua đội có thứ hạng thấp hơn tuyển Việt Nam
Thông số thống kê
Trong 12 lần đối đầu với Tiệp Khắc (năm 1993 chia thành CH Séc và Slovakia), TBN thắng 4, hòa 1 và thua 7. Trong các giải chính thức, La Roja thắng 2, thua 3.
Ngày 9/6/1997, TBN đủ điều kiện dự VCL World Cup 1998 nhờ chiến thắng 1-0 khi đón tiếp CH Séc. Trận này, Fernando Hierro ghi bàn duy nhất trên chấm 11m.
Đây là VCK Euro thứ 6 liên tiếp của TBN, và họ đang hướng tới kỷ lục vô tiền khoáng hậu: Vô địch giải 3 lần liên tiếp. Hiện cũng chỉ có TBN là đội duy nhất vô địch giải này 2 lần liên tiếp!
TBN và Đức/Tây Đức đang là 2 quốc gia thành công nhất ở Euro với 3 lần vô địch.
Kể từ năm 1993, CH Séc đều đủ điều kiện dự VCK Euro.
Năm 1976, Tiệp Khắc vô địch Euro. Năm 1996, CH Séc vào Chung kết nhưng thua Đức.
Ở vòng bảng, CH Séc thắng 7, hòa 1 và thua 2. Đấy là thành tích tốt nhất của CH Séc ở các vòng loại Euro.