6h sáng, ông Phạm Văn Thọ (70 tuổi, Nam Định) có mặt tại Bệnh viện K (Hà Nội) để khám định kỳ. Trong vòng 13 năm, ông Thọ được xác định mắc 4 loại bệnh ung thư gồm ung thư trực tràng, bàng quang, phần mềm và phổi. Ông từng trải qua rất nhiều lần phẫu thuật, để đảm bảo sức khoẻ, định kỳ 1 tháng ông sẽ phải tái khám 1 - 2 lần.
Theo đúng tuyến bảo hiểm y tế, ông sẽ khám ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định. Tuy nhiên do bệnh lý phức tạp, mắc kết hợp nhiều loại bệnh, ông phải theo dõi sức khoẻ ở tuyến trung ương.
Thời gian đầu mới mắc ung thư, mỗi lần tái khám ông đều phải xin giấy chuyển tuyến mất rất nhiều thời gian, có khi mất cả tuần để đi đi lại lại xin giấy, không ít lần ông tự bỏ tiền túi để khám dịch vụ.
Về sau khi ông phát hiện mắc nhiều bệnh ung thư khác cùng lúc, bệnh viện địa phương tạo điều kiện cấp cho ông giấy chuyển tuyến một lần.
“Giấy xin chuyển tuyến một lần sẽ dùng được trong cả năm. Người bệnh nộp bản gốc cho bệnh viện ở lần tái khám đầu tiên của năm đó, sau đó giữ bản photo để làm thủ tục ở lần tái khám tiếp theo”, ông Thọ cho hay, để xin được giấy chuyển viện này ông cũng phải đi qua nhiều cửa, nhiều phòng tư vấn ở bệnh viện mới được giải quyết.
Không may mắn như ông Thọ, bà Mai Thị Vân (60 tuổi, Hà Nội) mắc ung thư vú, từng điều trị tại một bệnh viện ung bướu trên địa bàn thành phố. Sau mổ, bà thường xuyên phải tái khám, tuy nhiên, mỗi lần đến lịch khám bà lại phải xin giấy chuyển tuyến từ nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
“Việc xin giấy chuyển lên tuyến trên rất rườm rà và mất thời gian. Để có được giấy chuyển viện, tôi phải mất nửa ngày đến một ngày, mỗi một lần tái khám là một lần đi xin giấy chuyển tuyến. Có lần vì không đủ kiên nhẫn tôi bỏ điều trị theo bảo hiểm y tế, sử dụng khám chữa bệnh theo dịch vụ, dù tốn kém nhưng nhanh gọn”, bà Vân nói.
Bà Vân mong các bệnh viện sớm áp dụng công nghệ thông tin để người bệnh đỡ phải đi lại và cấp giấy chuyển viện một lần cho người mắc bệnh mạn tính để tránh mệt mỏi khi xin giấy tờ.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế thừa nhận tình trạng nhiều người mắc bệnh mạn tính, phải đi tái khám nhiều lần trong năm, mỗi lần tái khám lại bị yêu cầu phải có giấy chuyển tuyến/chuyển viện mới được thanh toán bảo hiểm y tế. Nhiều bệnh nhân không đủ kiên nhẫn xin giấy chuyển nên tự bỏ tiền đi khám dịch vụ, không được thanh toán bảo hiểm y tế.
"Tuy nhiên, không phải cơ sở y tế nào cũng có tình trạng này", bà Trang nói và cho biết thêm rằng Bộ đã có nhiều giải pháp để giải quyết những khó khăn liên quan đến giấy hẹn khám lại, đặt lịch khám lại.
Theo Chỉ thị số 25 năm 2020 của Bộ trưởng Y tế, các cơ sở phải phân luồng người bệnh hẹn tái khám, thực hiện hệ thống hẹn lịch trên điện thoại, online để không có quá nhiều bệnh nhân dồn ứ trong cùng một thời điểm gây kéo dài thời gian chờ đợi. Bộ Y tế thường xuyên có công văn đôn đốc các cơ sở khám chữa bệnh triển khai thực hiện việc này.
Bộ Y tế đang nghiên cứu cách làm đơn giản hơn về giấy hẹn tái khám. Theo đó thay vì bắt buộc phải là lãnh đạo cơ sở y tế ký giấy này như hiện nay thi có thể phân cấp cho các trưởng khoa, phòng trong cơ sở khám chữa bệnh để nhiều người có thể ký giấy này, giúp bệnh nhân không phải chờ đợi.
Tại Nghị định 75 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 146 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế do Chính phủ ban hành vừa có hiệu lực từ 3/12 cũng có quy định liên quan giấy hẹn này, trong đó đã có những giải pháp để giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh.
Cụ thể, theo quy định cũ, người bệnh được hẹn khám lại vào một thời điểm nhất định hoặc đến bất kỳ thời gian nào trước ngày hẹn khám lại nếu có dấu hiệu bất thường. Giấy hẹn chỉ có giá trị sử dụng 1 lần trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày được hẹn khám lại.
Nếu quá 10 ngày không đi khám lại, giấy hẹn sẽ hết hiệu lực, nếu muốn hưởng bảo hiểm y tế đúng tuyến phải xin giấy chuyển tuyến đúng quy định.
Còn tại quy định mới nếu người bệnh không thể quay lại trong vòng thời gian 10 ngày của giấy hẹn khám lại thì có thể liên hệ trước với cơ sở y tế để đề nghị lịch hẹn khác. “Như thế, bệnh nhân không phải xin giấy lại giấy hẹn và không phải chờ đợi"- bà Trang nói.
Sắp tới, Bộ Y tế sẽ ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa các giấy tờ như giấy chuyển tuyến, giấy ra viện, khám lại theo hình thức điện tử. Bộ Y tế đang lấy ý kiến các cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội về các trường thông tin số hóa các loại giấy tờ này. Sau khi được ban hành sẽ chạy thử 6 tháng, nếu phù hợp sẽ giúp giảm phiền hà cho người bệnh.
Giấy chuyển tuyến điện tử có thể tích hợp vào ứng dụng thẻ bảo hiểm y tế, mã thẻ bảo hiểm y tế của người bệnh hoặc mã định danh công dân hoặc thông qua hệ thống VssID của bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Người bệnh đến cơ sở yêu cầu giấy hẹn tái khám có thể mang thẻ bảo hiểm y tế điện tử hoặc mã định danh công dân trình cơ sở tiếp nhận để được khám chữa bệnh, hưởng bảo hiểm y tế theo quy định. Hoặc thông qua hệ thống VssID, các cơ sở khám chữa bệnh có thể tự tra cứu. Sau thời gian chạy thử, Bộ Y tế sẽ có hiệu chỉnh và ban hành chính thức.
Bà Trang cũng nhấn mạnh, với các văn bản như giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại cấp trong năm 2023, Vụ bảo hiểm y tế sẽ có công văn đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở có thể cấp giấy cho người bệnh luôn trong tháng 12, không phải chờ đến tháng 1/2024 mới cấp và thực hiện trong năm 2024.