1. "Trận cầu ấy" chính là cuộc đối đầu của Thanh Hóa với đội bóng chủ sân Hàng Đẫy ở thủ đô. Mùa giải năm trước, người viết đã từng phải tiếc nuối khôn nguôi với cách mà người ta "giết chết" trận đấu hay nhất V.League mùa giải ấy.
Trận thắng 2-1 của CLB Hà Nội trước Thanh Hóa hơn 14 tháng về trước là một trận cầu giàu cảm xúc, tính cống hiến và dĩ nhiên là đỉnh cao của chuyên môn, nhưng rốt cục nó bị xé nát bởi phản ứng của HLV cùng cầu thủ của đội thua cuộc, cũng như những lời bình luận phi chuyên môn của những người đáng ra phải truyền tải thật đầy đủ sự đẹp đẽ của trận cầu ấy.
May quá, ngày gặp lại giữa thủ đô, cả CLB Hà Nội và kẻ chiến bại ngày nào cũng đã kịp tái diễn lại một cuộc đại chiến đầy ắp những siêu phẩm, những tràng pháo tay vang dội, những bài hát, tiếng hò hét mãi không chịu dứt.
Vòng 9 V.League 2018: Hà Nội FC 4-3 FLC Thanh Hóa
Khi Trương Văn Thái Quý bay người đánh đầu cắt mặt tung lưới thủ thành Thanh Thắng nâng tỷ số lên 4-3 từ đường căng bóng vào của tuyển thủ U23 Quang Hải, khá nhiều phóng viên túc trực ở góc sân mà Quang Hải vừa tạt bóng ấy đứng bật dậy vỗ tay. Thời khắc ấy, không chỉ cảm xúc được đẩy lên tột đỉnh, mà nó còn là bước ngoặt tuyệt đỉnh của một trận cầu đỉnh cao thực sự.
CLB Hà Nội sơ sót những phút cuối hiệp 1, họ phải nhận ngay đòn đánh sắc lẻm của Thanh Hóa để gỡ hòa 2-2. Thay Moses vào sân đầu hiệp 2, đội bóng thủ đô lập tức có bàn thắng vươn lên. Tung Trương Văn Thái Quý vào sân, CLB Hà Nội có ngay bàn thắng "quý hơn vàng" ngay sau khi nhận bàn thua từ pha sút phạt cực kỳ đẹp mắt của Ngô Hoàng Thịnh.
Niềm vui bùng nổ của Thái Quý sau bàn thắng ấn định tỷ số trận đấu.
"Không ai tắm hai lần trên một dòng sông", ấy vậy mà trận "tắm lại" của Thanh Hóa trên sân Hàng Đẫy của CLB Hà Nội lại vẫn ngập tràn cảm xúc, ngập tràn siêu phẩm như hồi năm ngoái. Chỉ có điều, cách mà người hâm mộ Việt Nam nhìn về hai trận đấu ấy sao mà khác nhau đến thế, khác đến tủi hờn. Hãy hỏi Công Vinh...
2. Những ngày này, Công Vinh đang quay cuồng với cuốn tự truyện mới xuất bản của mình. Mới nhất, cựu quyền chủ tịch CLB TP.HCM này phải trực tiếp đăng đàn phản ứng với những phản ứng của kha khá nhân vật được mình "chiếu cố" đưa vào cuốn tự truyện.
Công Vinh viết: "Trong tự truyện này tôi chẳng nói ai là người xấu, mà chỉ kể lên những sự cố của riêng bản thân tôi dưới góc nhìn của riêng tôi, nên không thể nói tôi nói xấu hay dìm hàng ai được".
Công Vinh bảo: "Trong tự truyện tôi không hề nói hay khẳng định rằng ông Hải ăn tiền cầu thủ,... mà tôi chỉ kể về câu chuyện lý do tôi đẩy tôi vào sự đấu trí của bản thân tôi...".
Công Vinh không hề khẳng định ông Lê Thụy Hải ăn tiền cầu thủ, chỉ có điều...
Vâng, Công Vinh không hề nói hay khẳng định ông Hải ăn tiền cầu thủ, Vinh chỉ viết thế này: "Tôi không trả tiền để mua suất đá chính cho mình và sẵn sàng dùng năng lực để giành quyền đá chính. Nhưng mọi thứ hết sức khó khăn. Ông Hải "lơ" chính thức... lơ tôi như chính cái tên của mình. Tôi gần như chỉ được ngồi dự bị và khi vào sân cũng không được tạo điều kiện tốt nhất".
Vinh viết thế, thì người đọc sách phải nghĩ thế nào đây?
Vâng, Công Vinh kể chuyện dưới-góc-nhìn-của-mình. Chỉ có điều ở cái góc nhìn đấy, chỉ có mỗi Vinh là tốt, còn từ ông Hải "lơ", cho đến HLV Tavares, Riedl, Nguyễn Thành Vinh, Phan Thanh Hùng, Hoàng Anh Tuấn, rồi Tấn Tài, Văn Quyết, Huỳnh Đức, Timothy, các đồng đội ở Hà Nội ACB và Hà Nội T&T... đều "xấu xí" và "có vấn đề" hết.
Nhắc đến Công Vinh, không thể không nhắc đến Hữu Thắng. Nếu như dưới góc nhìn của Công Vinh, anh bị cô lập ở Bình Dương, thì việc cựu đội trưởng ĐTQG cùng HLV trưởng Hữu Thắng "đồng thanh tương ứng" khiến Anh Đức "mất cửa" lên ĐTQG, dẫn đến thấy bại thảm thương ở AFF Cup 2016, phải nhìn theo góc nhìn nào đây?
Mới đây nhất, việc đầu tiên mà Hữu Thắng làm sau khi ngồi vào chiếc ghế của Công Vinh để lại là sức công văn lên PVF để phản đối quyết định của trọng tài bắt việt vị Phi Sơn, dẫn đến chiếc thẻ đỏ cho cầu thủ đồng hương này.
Dưới góc nhìn của Hữu Thắng, pha bóng ấy Phi Sơn chưa hề việt vị. Góc nhìn này là đúng, với điều kiện nó diễn ra... hơn 3 năm trước. Thân là cựu HLV trưởng ĐTQG, mà Hữu Thắng không hề biết rằng trong luật việt vị sửa đổi của FIFA từ hơn 3 năm trước, những tình huống như của Phi Sơn đều được định nghĩa là việt vị.
Trở lại với trận đấu trên sân Hàng Đẫy cuối tuần qua. Nó khác với trận đấu ở mùa giải năm ngoái bởi không bị chi phối bởi các góc nhìn khiếm khuyết và mang nặng tiêu cực. Nó không bị chi phối bởi những lời bình luận phi chuyên môn ngay trên sóng truyền hình trực tiếp, như tình huống Bật Hiếu việt vị mười mươi, khán giả vẫn phải nghe "Trọng tài đã lấy đi của FLC Thanh Hóa một bàn thắng, một bàn thắng hợp lệ".
Tình huống này, người ta vẫn gào lên ra rả rằng Bật Hiếu (áo vàng đứng gần thủ môn nhất) không hề việt vị.
Bóng đálà sân khấu 4 mặt, với hàng vạn góc nhìn, và chỉ có tự trang bị cho mình đầy đủ kiến thức, thông tin và tình yêu thì những cổ động viên chân chính mới có thể nhìn thấy rõ ràng nhất chân tướng sự việc, có những góc nhìn chính xác nhất về những gì đang diễn ra ở V.League, ở bóng đá Việt Nam.
Xem bóng đá, cũng cần phải có sự đầu tư đấy.
Nhược bằng không, hãy cứ nhìn V.League bằng con mắt Công Vinh, Hữu Thắng vậy!