Chỉ mất có một năm, HLV Park đã đạt đến những thành tích chói lọi mà chưa có một HLV nào trong lịch sử Việt Nam có thể vươn tới. Và khi rời khỏi chiếc ghế huấn luyện hiện tại để giải nghệ, có lẽ Park sẽ được nhìn nhận như vị HLV tốt nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Tất cả chỉ gói gọn trong một chữ: DUYÊN.
Khi đến với Việt Nam, Park Hang-seo đã trải qua một sự nghiệp đầy thăng trầm, nhưng… trầm nhiều hơn thăng. Ông chưa từng là một cầu thủ giỏi lẫn một HLV giỏi.
Điều duy nhất khiến người ta nhớ đến ông Park (trước khi nhận lời cầm quân cho Việt Nam) là việc ông từng làm trợ lý cho HLV Guus Hiddink ở World Cup 2002, nơi Hàn Quốc bất ngờ trở thành đệ tứ anh hào thế giới. Tờ Munhwa Ilbo của Hàn Quốc viết: "Khi Park đến Việt Nam, ai cũng nghĩ ông đã hết thời".
Mà Park… hết thời thật. Ở hai CLB Chunnam Dragons và Sangju Sangmu, ông thua nhiều hơn hòa (chứ đừng nói thắng). Năm 2015, ông Park thậm chí đã giã từ bóng đá đỉnh cao, trở về quê nhà cầm quân cho Changwon để kết thúc sự nghiệp trong âm thầm. Khi VFF lên danh sách tìm HLV trưởng sau thất bại của Nguyễn Hữu Thắng, cái tên Park Hang-seo chỉ xuất hiện ở vị trí thứ ba.
Khi tấm ảnh mà ông Park, Đoàn Nguyên Đức và Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh chụp cùng tại Seoul xuất hiện trên mặt báo, người hâm mộ bóng đá cả nước sửng sốt. Có thể chờ đợi gì ở một ông lão gần tới ngưỡng 60 cuộc đời mới lần đầu ra nước ngoài làm việc đây?
Trước ông Park, cũng có vài HLV Hàn Quốc thử sức ở Đông Nam Á hoặc… châu Phi, và đều thất bại thê thảm. Nhật báo Hanbook đặt câu hỏi hoài nghi: "Ông ấy sẽ làm gì ở nơi được mệnh danh là mồ chôn của những HLV ngoại đây?". Foxsports Asia gọi đây là một nước cờ túng quẫn của VFF.
Thực ra, người ngạc nhiên nhất chính là… ông Park. Nhưng cả một cuộc đời lăn lộn với bóng đá, ông Park thừa hiểu thành bại của một trận đấu nằm ở… phút chót. Và ông quyết định sẽ bước vào thử thách cuối cùng của sự nghiệp. Không thể ngờ, mới nhân duyên lạ kỳ ấy lại chấp cánh cho những kỳ tích bất tử.
Từ khi sang Việt Nam, ông Park Hang-seo bỗng trở thành Park Đang Son, làm gì cũng hanh thông, quyết gì cũng đúng. Không chỉ được người Việt Nam yêu mến, ông còn trở thành đại sứ văn hóa của Hàn Quốc tại Việt Nam, vốn đã rất yêu chuộng văn hóa Hàn Quốc từ rất lâu thông qua K-pop, phim ảnh Hàn Quốc và… món thịt nướng kiểu Hàn. Chính phủ Hàn Quốc thậm chí đã nới lỏng visa cho công dân tại 3 thành phố lớn của Việt Nam.
Dân ta yêu Hàn, và người Hàn cũng dần mê ta. Lần đầu tiên trong lịch sử, Hàn Quốc mua bản quyền AFF Cup phát cho người Hàn xem, tất nhiên là xem Việt Nam. Khi đo rating, người ta thấy số lượng người xem Việt Nam tăng dần theo từng trận. Có thể họ vì người trợ lý năm nào của Guus Hiddink, cũng có thể vì cách chơi của Quang Hải và các đồng đội đã chinh phục họ.
Ông Park chuyên nghiệp tuyệt vời. Và dù là người do bầu Đức đưa về, ông cũng không chút vị nể quân số của Hoàng Anh Gia Lai. Nhìn mặt ông nom lúc nào cũng buồn ngủ. Vậy mà khi cầu thủ của ông bị chơi xấu, ông già 6x bật dậy như hỏa tiễn, lao ra đường piste nói một tràng xí xô xí xào. Cầu thủ đang nóng máu, thấy ông thầy còn… nóng hơn, bất giác nguội lại. Cục diện căng thẳng được vãn hồi, chuyền banh lại đá tiếp.
Một ông lão mặt mũi ban đầu hơi… oải, bây giờ lại càng nhìn lại càng dễ thương, nom giống một nhân vật bước ra từ truyện tranh, có lúc thấy phảng phất Quy lão tiên sinh Kame trong "Bảy viên ngọc rồng". Hình ảnh Park bỗng trở nên thân thuộc trong đời sống thị dân. Lúc thì thấy ông mặc áo vest đứng cạnh Xuân Trường, khi thì thấy ông hít hà… xúc xích.
Về mặt chiến thuật, ông là chuyên gia đánh cờ. Gần như không có ai đoán được thế cờ mà ông chuẩn bị dàn ra. Ông hiểu rất rõ những quân cờ mình có trong tay, phát huy tối đa hiệu dùng và tầm sát thương của từng quân cờ. Thế nên mỗi trận, đội hình ra sân mỗi khác. Thế nên mỗi khi thay người, cục diện trận đấu gần như thay đổi. Trong lịch sử, chúng ta đá hiệp 1 hay hơn hiệp 2. Dưới thời Park, ta đá hiệp 2 hay hơn hiệp 1.
(Ảnh: Tuấn Mark)
Trước đây ta càng đá càng đuối, bây giờ ta càng đá càng hay. Những vấn đề nảy sinh (nếu có) trong hiệp 1, gần như Park có lời giải trong hiệp nhì. Kết thúc hiệp 1 với Philippines, tôi nhớ mãi hình ảnh ông Park gục đầu xuống. Cầu thủ thì thở phào rời khỏi sân khi khi bị đối phương ép cho tối tăm trong 10 phút cuối hiệp. Ông Park để cho các cầu thủ vào phòng thay quần áo trước, ông cúi gằm mặt, ôm đầu. Đấy không phải là cái cúi đầu bất lực của vị tướng, mà là phút xuất thần để tư duy.
Kết quả, nửa đầu hiệp 2 ta… bị ép còn dữ hơn cả hiệp 1. Nhưng rồi sau phút thứ 65, sức ép giảm dần và cuối cùng là đòn kết liễu. Riêng trận đấu này, ông Park thực sự đã đấu như một võ sĩ quyền Anh hạng nặng đích thực. Phía bên kia, Sven Goran Eriksson oai chấn năm nào liên tục tung ra những cú đấm, ép Park về góc đài.
Park nhẫn nhịn đến hiệp chót, ngẩng đầu tung một cú thôi sơn. Eriksson ngã gục. Bóng đá như quyền Anh vậy thôi. Kẻ mạnh là kẻ đến hết trận vẫn còn đứng trên đài. Và việc anh tung ra bao nhiêu cú đấm không quan trọng, quan trọng là phải đấm trúng, và đấm cú nào… ra cú đó. Ông Park nhìn mặt coi hiền hiền, nhưng… dữ dễ sợ!
Park là bậc thầy về quản trị nhân sự. Một người ngoại quốc, lại giúp chúng ta phát huy nội lực. Bởi vì ông trọng tình cảm, coi cầu thủ như con.
Là một trung vệ, lại thấp bé, ông dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ cách đối đầu với những tiền đạo cao to hơn mình. Bởi thế mà dù Trần Đình Trọng chỉ cao 1,74 mét, vẫn oai dũng đững giữa trung tâm hàng thủ, đối đầu với những kẻ cao hơn anh đến… hai cái đầu. Người thanh niên nghiêm túc đã dành cả thanh xuân để bỏ áo vào quần chính là một bản sao của ông thầy trên sân: xuất hiện đúng chỗ, hành động đúng lúc. Vậy là đủ!
Ông Park vừa là tướng nghiêm khắc, vừa là người cha tình cảm. Ông có thể vật cầu thủ ngay trên sân, gục đầu vào vai học trò tranh thủ làm một giấc, giả vờ nhét đồ ăn vào miệng cầu thủ nhưng sau đó lại bỏ vào miệng mình. Ông đá ma với họ, cá độ đá xà ngang và vui vẻ chung khi thua độ.
Nhưng cũng người cha ấy biết ẩn mình đi. Trên xe bus, ông để yên cho họ làm việc riêng của mình. Trong phòng chờ, ông chẳng làm phiền họ. Khi tất cả ôm nhau sau một chiến công, ông lùi ra phía sau, không tranh giành vinh quang với họ.
Là một người Hàn Quốc, ông Park rất thực dụng, chính xác hơn là thực tế. Sự tan vỡ giấc mộng HAGL chính là sự minh xác tuyệt vời nhất. Bán kết AFF Cup với Philippines, lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam (và cả U23) ra sân mà không có một cầu thủ HAGL nào trong đội hình xuất phát. Số cầu thủ HAGL giảm dần theo thời gian ông Park ở đội tuyển.
Điều ấy cho thấy hai việc: không có sự vị nể nào dành cho bầu Đức, người có công lớn nhất mang ông Park sang Việt Nam. Anh thuê tôi về để làm chuyên môn, vậy thì tôi phải được toàn quyền quyết định. Hai, ông Park không gò mình vào triết lý đá đẹp mà sử dụng những cầu thủ phù hợp với triết lý phòng ngự - phản công, với khả năng chịu đòn và áp lực cao.
(Ảnh: Hoàng Anh)
Đá đẹp chưa bao giờ là điều mà ông Park bị ám ảnh. Bởi vì chúng ta đâu có mạnh mẽ gì cho cam. Một cơ thể đang lớn thì cần phải ăn no đã, trước khi tính chuyện ăn ngon. Thắng trước hết là phải không thua.
Mọi người có thể dồn hết sự chú ý vào Quang Hải hay Văn Đức, nhưng nền tảng của thành công dưới thời Park chính là hàng thủ ba người. Đấy là một Trần Đình Trọng lúc nào cũng áo bỏ vào quần, nhưng tỉnh táo chuẩn xác, không phạm một sai lầm nào. Đấy là một Đỗ Duy Mạnh đã cắm ngọn cờ Việt Nam trong ụn tuyết ở Thường Châu. Họ đã đứng ở hàng thủ của chúng ta suốt từ đầu năm đến giờ, giúp cho Việt Nam tuy có những lục bị ép nghẹt thở những chưa bao giờ hoảng loạn.
Họ, những trung vệ "kiểu Park", không xoạc bóng nhiều, không lãnh thẻ, thậm chí chả mấy khi nghe tên. Nhưng luôn xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ để chuyển an thành nguy. Họ, cũng như Park, mang cái motive kinh điển của những phim tình yêu Hàn Quốc: bên nhau ngàn phút có khi chẳng bằng một bàn tay đúng lúc.
Ông Park đã đến khi Việt Nam cần, và Việt Nam đã cho ông Park một cơ hội để ghi dấu son cho sự nghiệp trầm nhiều hơn thăng của mình. Người Việt Nam luôn biết ơn ông Park Đang Son. Và ông Park có Đang Son được cũng chính nhờ Việt Nam!