Xiaomi vẫn còn "ánh sáng cuối đường hầm", nhưng hoàn toàn không phải nhờ smartphone hay các dịch vụ Internet

Liam |

Lei Jun đã luôn nói tôn chỉ tồn tại của Xiaomi là dùng smartphone giá rẻ để thúc đẩy doanh số từ các dịch vụ Internet. Chiến lược ấy cho tới ngày hôm nay vẫn chưa được chứng minh.

Kết thúc tuần đầu tiên trong tháng cuối cùng của năm 2019, giá cổ phiếu Xiaomi đang ở mức xấp xỉ 1,2 USD, tức chỉ khoảng một nửa mức giá IPO vào tháng 7/2018. Thực tế, từ ngày trở thành một công ty đại chúng, Xiaomi gần như chỉ chứng kiến cổ phiếu lao dốc. Tính trong 6 tháng trở lại, mã XIACF chỉ tăng đáng kể vào 2 thời điểm: tháng 9, sau khi Xiaomi công bố sẽ mua lại cổ phiếu để chặn đà giảm và đầu tháng 12 vừa qua, khi công ty này cho biết nhà sáng lập Lei Jun sẽ rời bỏ vị trí chủ tịch tại Trung Quốc. Một loạt các thay đổi nhân sự khác được thực hiện cho thấy Xiaomi đang ở vào thời điểm rối ren và cần phải thay đổi.

Trong bất kỳ một cuộc họp nào với báo giới, Lei Jun đều đã nhắc đến chiến lược kinh doanh của Xiaomi: bán smartphone giá rẻ để làm mồi cho Internet. Từ đó đến nay, người ta luôn nói đến 2 mảng kinh doanh này như hai nửa giữ cho Xiaomi đứng vững. Song, doanh số/doanh thu của Xiaomi đã suy giảm trong cả quý 2 và quý 3. Sự bùng nổ vũ bão của Huawei tại thị trường nội địa cũng như sự xuất hiện đầy mạnh mẽ của Realme cũng có nghĩa rằng Xiaomi khó lòng trở lại với tăng trưởng.

Xiaomi vẫn còn ánh sáng cuối đường hầm, nhưng hoàn toàn không phải nhờ smartphone hay các dịch vụ Internet - Ảnh 1.

Nếu Xiaomi không tự xưng là "công ty Internet" và bán smartphone lãi dưới 5%, có lẽ mọi thứ đã không tệ đến mức này.

Trong kịch bản này, tầm nhìn "bán smartphone để xây công ty Internet" của Lei Jun đã bị thử thách và cũng đã bị chứng minh là không thực tế: cho đến hết quý 3 vừa qua, tổng doanh thu Internet của Xiaomi vẫn chỉ đạt vỏn vẹn 5,3 tỷ Tệ, tức chưa nổi 10% doanh thu công ty. Doanh số smartphone đã không thể trở thành bàn đạp cho doanh thu Internet như những gì Lei Jun từng hy vọng.

Mảng kinh doanh thứ 3

Song, cũng chính trong thất bại ê chề này, Lei Jun có thể tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm. Tính đến hết quý 3 vừa qua, mảng thiết bị IoT & Lifestyle (tạm hiểu là thiết bị điện tử và gia dụng thông minh ngoài smartphone/tablet/laptop) đã mang về cho Xiaomi 15,6 tỷ Nhân Dân Tệ. Con số này hiện chiếm 29% tổng doanh thu công ty, gấp 3 lần doanh thu Internet.

Có rất nhiều tín hiệu khác cho thấy IoT có thể là chìa khóa giúp Xiaomi tiến vào tương lai. Tổng số thiết bị thiết bị kết nối của Xiaomi (trừ smartphone và laptop) hiện tại đã chạm tới mức 216 triệu đơn vị. Mảng TV của Xiaomi đứng đầu Trung Quốc với doanh số lên tới 3,1 triệu chiếc trong quý 3. Dựa theo số liệu của các nhà phân tích thị trường, mảng wearable của Xiaomi thường xuyên đứng số 1 hoặc số 2 thế giới (sau Apple) nhờ thành công của những chiếc Mi Band giá rẻ. Các sản phẩm mới vẫn liên tục ra mắt đều đặn, và không giống như smartphone, có vẻ mảng IoT và thiết bị thông minh của Xiaomi vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh ở mức trên 40%.

Xiaomi vẫn còn ánh sáng cuối đường hầm, nhưng hoàn toàn không phải nhờ smartphone hay các dịch vụ Internet - Ảnh 2.

Áp dụng cùng chiến lược phá giá, Xiaomi đang đạt thành công trên lĩnh vực thiết bị IoT/gia dụng.

Những con số này cho thấy một hiện tượng hiếm khi được Xiaomi nói đến: smartphone giá rẻ sẽ đóng vai trò thúc đẩy các mảng phần cứng khác, hơn là thúc đẩy các dịch vụ Internet viển vông. Trong báo cáo quý 3 vừa qua, Lei Jun khoe lượng người dùng MIUI (cũng tương đương với người dùng dịch vụ Internet của Xiaomi) lên tới gần 300 triệu, nhưng con số đó cuối cùng vẫn là vô nghĩa khi nhìn vào doanh thu Internet ít ỏi. Ở phía ngược lại, mảng IoT chỉ "khoe" khoảng 3,5 triệu người dùng mua từ 5 sản phẩm kết nối Internet của Xiaomi trở lên. Doanh thu mảng này hiện vào mức 29% tổng doanh thu của Xiaomi, gấp 3 lần doanh thu Internet.

Thậm chí, cũng giống như smartphone, thiết bị thông minh còn góp phần đem lại doanh thu phần mềm cho Xiaomi. Thành công của mảng smart TV và đầu giải mã (Mi Box) đã giúp Xiaomi thu hút được 3,2 triệu người dùng cho dịch vụ trả phí. Những chiếc loa thông minh của Xiaomi cũng đứng đầu thị trường Trung Quốc, hoàn toàn có thể trở thành bàn đạp cho Xiaomi bán dịch vụ nhạc số, sách audio hay radio trả phí.

Giờ là lúc Xiaomi nhìn vào sự thật: một công ty phần cứng sẽ mãi là một công ty phần cứng. Như Apple chẳng hạn, mặc dù mảng dịch vụ của hãng này rất thành công (doanh thu dịch vụ của Apple cao gấp rưỡi TỔNG doanh thu của Xiaomi) nhưng đến cuối cùng, người mua iPhone vẫn sẽ nghĩ đến AirPods, Apple Watch, iPad, Mac... trước khi nghĩ đến App Store hay Apple TV+. Xiaomi đã luôn hô hào bán smartphone giá rẻ để thu lời từ dịch vụ Internet, nhưng giữa các cửa hàng Mi Store trang trí đẹp mắt (vì học Apple) và một cửa hàng ứng dụng/nội dung số "ảo" chẳng mấy khi được khởi động, thứ gì sẽ hấp dẫn người dùng hơn?

Xiaomi vẫn còn ánh sáng cuối đường hầm, nhưng hoàn toàn không phải nhờ smartphone hay các dịch vụ Internet - Ảnh 3.

Với Xiaomi hay bất kỳ một hãng phần cứng nào khác, dùng smartphone để thúc đẩy doanh thu phần cứng bao giờ cũng dễ hơn là để thúc đẩy phần mềm.

Câu trả lời không hề khó để nhìn ra. Sự thực là game hay quảng cáo Trung Quốc chỉ có thể bán cho người Trung Quốc còn sản phẩm phần cứng giá mềm thì sẽ luôn được lòng tất cả người hâm mộ trên toàn cầu. Ánh sáng cuối đường hầm của Xiaomi không phải là các dịch vụ Internet như những gì Lei Jun công bố. Trái lại, tương lai lại đang nằm ở TV, đồng hồ, tủ lạnh, ấm đun nước, bồn cầu thông minh v...v... tất cả những gì chúng ta đang tin dùng của Xiaomi.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại