Ăn đồ ăn nóng có thể gây ung thư thực quản
Nhầm với viêm dạ dày
Ông T. kể: “cách đây khoảng hơn 2 tháng tôi thấy người mệt mỏi và thường xuyên đau vùng bụng dưới kèm theo ợ chua. Không những vậy, tôi còn bị sụt cân không rõ nguyên nhân. Lúc ấy, tôi cũng đoán mình mắc bệnh đường tiêu hóa thông thường.
Tôi thăm khám tại cơ sở y tế gần nhà thì được bác sĩ siêu âm và chẩn đoán bệnh đau dạ dày và kê đơn thuốc”.
Khi tình trạng không có dấu hiệu đỡ, ông T. đi làm nhưng bụng đau quặn nên được mọi người khuyên đi kiểm tra sức khoẻ tổng quát.
Đến bệnh viện, bác sĩ đưa ống nội soi dạ dày thì ở thực quản 1/3 dưới các u đã líp hết đường tròn thực quản, ống nội soi không vào được đến dạ dày.
Bác sĩ nghi ngờ ung thư thực quản và chẩn đoán theo dõi K thực quản, yêu cầu ông T. đến kiểm tra chi tiết hơn, nội soi kèm sinh thiết.
Kết quả nhuộm tế bào giải phẫu bệnh, ông T. bị ung thư thực quản và phải điều trị xạ trị kèm theo mở đường thông dạ dày.
Khi được bác sĩ hỏi về tiền sử rượu bia, thuốc lá ông T. tâm sự thuốc lá ông đã bỏ 6,7 năm nay nhưng bia rượu thì khó mà bỏ. Tuần nào ông cũng phải một “trận nhậu” vì công việc kinh doanh khó tránh khỏi.
Ngoài ra, ông T. còn có thói quen thích ăn những đồ nóng sốt, anh nói cảm giác vừa thổi vừa ăn bát canh nóng hổi vừa trên bếp đưa xuống với ông thật là tuyệt vời.
Có lẽ thói quen này đã khiến anh mang căn bệnh ung thư quái ác. Vì đây được xem là một trong những yếu tố gây ung thư thực quản.
Không riêng gì ông T., tại Bệnh viện K Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội, ông Trần Văn B. 61 tuổi, quê Tiền Hải, Thái Bình cũng đang chống chọi lại với căn bệnh ung thư thực quản giai đoạn cuối.
Trước đó, ông B thấy sức khoẻ bình thường, ông tự hào cả đời chẳng phải đi viện lần nào. Trước Tết hơn 4 tháng, ông B có triệu chứng nuốt nghẹn và đi khám ở phòng khám tư thì bác sĩ cho rằng viêm họng hạt.
Sau điều trị không khỏi, triệu chứng nghẹn của ông B được đổ cho là có tuổi ăn uống không còn tốt nữa.
Chỉ đến khi sụt cân, ăn uống không ngon cả ngày chỉ ăn 2- 3 thìa cơm, da dẻ sạm, đau hạ vị ông mới lên bệnh viện tỉnh kiểm tra và được giới thiệu lên tuyến trung ương.
Chỉ vào chiếc ống xông vào dạ dày hàng ngày ăn các thức ăn bơm từ xi lanh vào đường xông, ông B. kể 3 tháng trị bệnh là cả ba tháng chẳng còn biết ăn uống là gì. Tết về nhìn mọi người ăn gì cũng thèm nhưng không ăn được vì thực quan đang xạ trị.
Lúc nào ông cũng mong có thể tập ăn được chút cơm, cháo cảm nhận lại vị của thức ăn. Tiền sử ông B uống rượu 0,3 – 0,5 lít/ngày, kèm theo hút thuốc lá. Khi bị bệnh rồi ông mới ân hận “giá như biết mà bỏ sớm”.
Theo bác sĩ Hoàng Đình Chân – Nguyên bác sĩ tại Bệnh viện K trung ương, ung thư thực quản là một trong những bệnh nguy hiểm nhất trong các ung thư tiêu hóa, sau ung thư dạ dày, ung thư gan và ung thư đại trực tràng do chẩn đoán bệnh quá muộn.
Bác sĩ Chân cho biết bệnh ung thư thực quản thường khó nhận biết ở giai đoạn sớm, thường dễ nhầm lẫn với các với các bệnh lý khác ở thực quản và vùng hầu họng.
Trên thực tế các triệu chứng ung thư thực quản chỉ xuất hiện khi tế bào ác tính đã lan tràn toàn bộ lòng thực quản, điều trị gặp nhiều khó khăn.
Bệnh này tiên lượng cũng khó khăn chỉ hơn 40 % bệnh nhân sống trên 5 năm khi phát hiện ra bệnh còn lại bệnh nhân đều tử vong do bệnh phát hiện ở giai đoạn khá muộn.
Hiện nay, điều trị ung thư thực quản, các bác sĩ tuỳ vào từng bệnh nhân có thể phẫu thuật hay không.
Thông thường, bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ khối u cùng với tất cả hoặc một phần thực quản, các hạch lân cận và các mô khác trong vùng phẫu thuật (phẫu thuật cắt bỏ thực quản).
Bác sĩ phẫu thuật nối các phần lành còn lại của thực quản với dạ dày để bệnh nhân vẫn có thế nuốt được. Đôi khi, một ống bằng nhựa hoặc một phần ruột được sử dụng để nối.
Bác sĩ phẫu thuật còn có thể nới rộng vị trí dạ dày mở vào ruột non để cho phép thức ăn trong dạ dày có thể chuyển vào ruột non dễ dàng hơn. Đôi khi, phẫu thuật được tiến hành sau khi kết thúc một phương pháp điều trị khác.
Liệu pháp chiếu xạ là phương pháp sử dụng những tia có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Liệu pháp chiếu xạ chi ảnh hưởng tới tế bào ung thư ở vùng chiếu xạ. Phóng xạ có thể xuất phát từ một máy bên ngoài cơ thể (chiếu xạ ngoài) hoặc vật liệu phát xạ đặt ở bên trong hoặc gần khối u (chiếu xạ trong).
Liệu pháp chiếu xạ có thể được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với hóa trị liệu để làm phương pháp điều trị ban đầu thay cho phẫu thuật, đặc biệt là khi kích thước hoặc vị trí của khối u khiến cho việc phẫu thuật khó khăn.
Bác sĩ có thể kết hợp chiếu xạ với hóa trị liệu để làm co khối u trước khi phẫu thuật. Thậm chi khi khối u không thể cát bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật hoặc không thể bị phá huỷ hoàn toàn bằng chiếu xạ thì chiếu xạ thường có thể giúp giảm đau và giúp bệnh nhân dễ nuốt hơn.