Xét xử vụ Việt Á: Tòa triệu tập vợ bị cáo Phan Quốc Việt

Nguyễn Long |

Trong phiên xét xử đại án Việt Á sáng nay vắng mặt bị cáo Trần Thị Hồng, nhân viên Công ty Việt Á. Chủ tọa phiên tòa nói người này vắng mặt có lý do chính đáng, do mới sinh con, không ảnh hưởng đến phiên xét xử.

Không ảnh hưởng đến phiên xét xử

Ngày 3/1, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa 38 bị cáo trong đại án Việt Á ra xét xử. Chủ tọa phiên tòa thông báo vắng mặt bị cáo Trần Thị Hồng, nhân viên Công ty Việt Á và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đại diện Viện kiểm sát đánh giá, sự vắng mặt của bị cáo Hồng và những người khác không ảnh hưởng đến phiên tòa nên đề nghị tiếp tục phiên xét xử.

Sau đó, Hội đồng xét xử nghỉ ít phút để hội ý. Ít phút sau, Thẩm phán Trần Nam Hà, Chủ tọa phiên tòa cho biết, bị cáo Trần Thị Hồng vắng mặt có lý do chính đáng, do mới sinh con, không ảnh hưởng đến phiên xét xử nên tiếp tục phiên tòa, đối với những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác vắng mặt, do phiên xét xử kéo dài nên khi nào thấy cần thiết sẽ triệu tập những người này. 

Sau đó, đại diện Viện Kiểm sát công bố bản cáo trạng dài gần 70 trang. Tại phiên xét xử sáng nay có mặt hơn 30 người là đại diện cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố và các công ty có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Ngoài ra, bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ Phan Quốc Việt) cũng được triệu tập đến phiên tòa.

Trước đó, vào sáng cùng ngày, cảnh sát dẫn giải các bị cáo đầu tiên đến Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Do số lượng bị cáo đông nên được dẫn giải trên nhiều xe chuyên dụng, thành nhiều đợt.

Theo cáo trạng, đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Học viện Quân y được giao triển khai đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm Covid-19, nhằm giúp Việt Nam chủ động vật tư y tế chống dịch.

Tuy nhiên, với động cơ vụ lợi, bị cáo Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tìm cách đưa Công ty Việt Á vào cùng tham gia đề tài với Học viện Quân y.

Quá trình thực hiện, các bị cáo thông đồng với nhau, tham mưu cấp trên tổ chức nghiệm thu ngay sau khi có kết quả giai đoạn 1 (thay vì nghiệm thu toàn phần).

Ngay sau khi được chuyển giao quy trình nghiên cứu kit xét nghiệm, Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) giao cấp dưới tiếp tục phát triển để sản xuất, rồi xin cấp phép lưu hành, kinh doanh thương mại.

Để được tham gia nghiên cứu, cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm, hiệp thương giá, Phan Quốc Việt bị cáo buộc đưa hối lộ 106 tỷ đồng, trong đó có 3 triệu USD và 4 tỷ đồng (tổng 82 tỷ đồng) chi cho 6 quan chức.

Cáo trạng thể hiện, trong năm 2020 và 2021, Công ty Việt Á sản xuất tổng cộng hơn 8,7 triệu kit xét nghiệm và bán cho các đơn vị, cơ sở y tế trên khắp cả nước hơn 8,3 triệu kit. Việt Á đã được thanh toán hơn 4,5 triệu kit xét nghiệm với tổng số tiền 2.250 tỷ đồng.

Kết quả điều tra xác định Công ty Việt Á bỏ ra gần 365 tỷ đồng để mua nguyên vật liệu, cộng với các loại chi phí khác, thuế và lợi nhuận 5%, giá thành sản xuất 1 kit xét nghiệm là hơn 143.000 đồng.

Tuy nhiên Công ty Việt Á đã "thổi giá" nâng khống lên gấp nhiều lần và được phía Bộ Y tế chấp thuận khi hiệp thương giá, để bán ra thị trường mức 470.000 đồng/1 kit xét nghiệm. Cơ quan truy tố cáo buộc, từ việc nâng khống giá bán kit xét nghiệm, Công ty Việt Á thu lời bất chính 1.235 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại