Chiều nay 16/1, đại diện Viện kiểm sát đã tranh luận với các luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ án "Cố ý làm trái" và "Tham ô tài sản" xảy ra ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
VKS cho rằng, vụ án này xuất phát điểm và xuyên suốt là việc chỉ định PVC làm tổng thầu. Ngay cáo trạng, hồ sơ và lời khai của các bị cáo cũng cho thấy PVN chỉ định thầu cho PVC là không đúng nghị quyết của HĐTV tập đoàn này.
Trong cáo trạng, trong hồ sơ vụ án và qua lời khai tại Tòa, các bị cáo nguyên là cán bộ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) như Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc PVN), Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN)... đều thừa nhận việc chỉ định thầu cho PVC không đúng như nghị quyết của Hội đồng Thành viên PVN.
Cụ thể, Hội đồng Thành viên PVN thống nhất để PVC là liên danh tổng thầu, nhưng cuối cùng bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN) lại chỉ định PVC là tổng thầu. Đây chính là sai lầm của bị cáo Đinh La Thăng.
Kiểm sát viên Đào Thịnh Cường (Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội) giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng: "Chúng tôi lấy làm lạ là chính PVC và Ban Lãnh đạo PVC đều thừa nhận thời điểm ký hợp đồng, PVC không có năng lực.
PVC không đủ năng lực và kinh nghiệm theo quy định để thực hiện một dự án lớn như Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Nhưng các luật sư và một số bị cáo khác lại cố chứng minh PVC đủ năng lực làm tổng thầu.", báo Vietnamplus ghi lời kiểm sát viên tại tòa.
Bị cáo Đinh La Thăng: " Không thể quy kết cứ bổ nhiệm là lợi ích nhóm "
VKS tiếp tục nêu quan điểm rằng, việc phát triển phải có lộ trình không phải chỉ có nguồn vốn mà còn là công nghệ, nguồn nhân lực. Nếu đưa một dự án quá sức cho họ thì sẽ để lại hậu quả và thực tế hậu quả đã xảy ra.
Cụ thể, số tiền thiệt hại trên 119 tỷ đồng và 13 tỷ đồng tham ô chưa nói hết được tính chất mức độ nghiêm trọng của vụ án. Ngoài những thiệt hại ban đầu xác định được, việc làm trên của các bị cáo đã làm Dự án kéo dài gấp đôi, làm đội vốn đầu tư gần chục ngàn tỷ đồng, số tiền nếu phạt theo tiến độ của hợp đồng EPC đã lên tới hàng trăm triệu USD...
Đại diện VKS nêu ra dẫn chứng dự án Ethanol Phú Thọ - dự án nhiên liệu sinh học trị giá gần 2.500 tỷ đồng nhưng bị phá sản để phản biện quanh vấn đề "năng lực". Ông nói: Nếu dẫn chứng Ethanol Phú Thọ sẽ thấy xót xa như thế nào.
"Các luật sư ở đây, có những luật sư là chuyên gia, cũng khẳng định có thiệt hại, nhưng không nhiều. Như vậy, do cách tính, do đánh giá, do lập luận về cách thức, phương thức.
Do đó, kết luận giám định đưa ra là đúng, có cơ sở. Thiệt hại này là thiệt hại đã xảy ra chứ không phải là thiệt hại trong tương lai", báo Tuổi trẻ ghi lời đại diện viện kiểm sát khi nêu về vấn đề thiệt hại.
Tổng hợp