Vụ án sẽ được Tòa án xét xử kín nhằm tránh gây áp lực tâm lý cho nạn nhân, riêng phần tuyên án sẽ được tiến hành công khai.
Điều 103, Hiến pháp năm 2013 quy định về nguyên tắc xét xử, trong đó nêu rõ: “Tòa án nhân dân xét xử công khai.
Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”.
Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, Điều 25 - Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã quy định: “Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.
Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.
Theo quy định này, những trường hợp được xét xử kín thông thường là những vụ án cần giữ bí mật nhà nước, những vụ án xâm hại tình dục (hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô…)…
Đặc biệt, những vụ án mà nạn nhân là trẻ em gái, người chưa thành niên thường được xét xử kín, tránh gây áp lực tâm lý cho nạn nhân.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát xác định, Nguyễn Trọng Trình (sinh năm 1988, trú tại thôn Lưu Xá, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) làm nghề mổ lợn và bán thịt ở khu vực quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 24/2/2019, sau khi bán thịt xong, Trình đi xe máy từ quận Thanh Xuân về thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) và đi theo đường Tỉnh lộ 419 để về nhà ở thôn Lưu Xá, xã Hòa Chính.
Khi đi đến đoạn đường gần khu vực Nghĩa trang liệt sỹ xã Hợp Đồng (huyện Chương Mỹ), Trình nhìn thấy cháu Vũ Như Q. (sinh ngày 4/9/2009, trú tại xã Hợp Đồng) đang đi bộ một mình trên lề đường.