Năm 2023, trong số 27 trường đại học đào tạo ngành Y khoa của cả nước, có 4 trường dùng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển, bên cạnh 3 tổ hợp khác, chọn từ Toán, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên.
Cụ thể, trường Đại học Văn Lang lần đầu sử dụng tổ hợp D12 (Ngữ văn, Hóa, Anh) để xét tuyển ngành Y khoa bằng cả điểm thi tốt nghiệp và học bạ. Trong khi đó, trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng dùng tổ hợp A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn); trường Đại học Võ Trường Toản ở Hậu Giang và trường Đại học Tân Tạo ở Long An cùng sử dụng tổ hợp B03 (Toán, Ngữ văn, Sinh).
Việc một số trường đại học xét tuyển ngành Y bằng tổ hợp có môn Ngữ văn gây ra những tranh luận trái chiều. Có ý kiến cho rằng, việc xét tuyển ngành Y bằng tổ hợp có môn Ngữ văn nhằm đánh giá toàn diện khả năng của thí sinh. Đồng thời, những bác sĩ tương lai không chỉ cần giỏi về chuyên môn mà còn phải biết cảm thông, chia sẻ với người bệnh.
Việc một số trường đại học xét tuyển ngành Y bằng tổ hợp có môn Ngữ văn đang gây ra những ý kiến trái chiều (Ảnh minh họa)
Trao đổi với VOV2, TS. Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, việc xét tuyển ngành Y bằng tổ hợp có môn Ngữ văn là điều đáng lo ngại. Ông khẳng định, Y khoa là ngành học quan trọng, liên quan đến vận mệnh sống của bệnh nhân, việc đào tạo tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.
“Việc đưa môn Ngữ văn vào xét tuyển ngành Y sẽ lợi bất cập hại. Nếu sinh viên không đủ khả năng tiếp thu kiến thức chuyên môn ngành Y có thể họ sớm phải bỏ học hoặc học xong không hành nghề được. Chính vì vậy, nếu việc xét tuyển đầu vào không chuẩn sẽ dẫn đến việc lãng phí lớn về nguồn lực tiền của, thời gian", ông Phương nói.
Trước lý giải của các trường đại học: bác sĩ cần phải có giao tiếp tốt, khả năng trao đổi với người bệnh..., ông Phương cho rằng, phân tích này không sai. Tuy nhiên, kỹ năng giao tiếp không phụ thuộc vào môn Ngữ văn mà phụ thuộc vào phẩm chất, tố chất của mỗi người và môn Văn chỉ đóng góp một phần nhỏ.
Cũng theo phân tích của TS Lê Đông Phương, cuộc đua tuyển sinh khối ngành Sức khỏe luôn khắc nghiệt đối với các trường đại học ngoài công lập bởi liên quan đến danh tiếng đào tạo. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo khối ngành Sức khỏe của một số trường đại học ngoài công lập chưa được kiểm chứng. Do vậy, việc mở rộng xét tuyển ngành Y bằng tổ hợp có môn Ngữ văn có thể là cách để các trường mở rộng diện thí sinh, nói cách khác là cố “vét” thí sinh.
TS. Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học
Liên hệ với việc tuyển sinh, đào tạo ngành Y ở một số nước trên thế giới, ông Lê Đông Phương cho biết, việc tuyển sinh được các trường thực hiện khắt khe. Ví dụ ở Mỹ, thí sinh phải trải qua kỳ thi MCAT (Medical College Admission Test) - đây là bài thi dành cho các ứng viên (đã có bằng tiền y khoa premed) nộp đơn vào các trường y khoa tại Mỹ, Canada, Úc.
Bài thi MCAT được xây dựng và quản lý bởi Hiệp hội các trường y khoa Hoa Kỳ AAMC (Association of American Medical Colleges). Việc kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm đánh giá năng lực tư duy, giải quyết vấn đề của các ứng viên. Ngoài ra, bài thi MCAT cũng giúp đánh giá kiến thức của sinh viên về các khái niệm khoa học tự nhiên, hành vi xã hội và các nguyên tắc khoa học trước khi nghiên cứu chuyên sâu về y học. MCAT được xem như một công cụ dự đoán thành công của các ứng viên thạc sĩ Y khoa dành cho các ban tuyển sinh.
“Hoặc tại CHLB Đức, riêng khối ngành Y, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục sẽ phối hợp để xây dựng định mức, chỉ tiêu tuyển sinh và các yêu cầu rõ ràng chứ không phải muốn tuyển sinh bao nhiêu cũng được”, ông Phương cho biết.
Mặc dù theo quy định hiện nay, các cơ sở đào tạo đại học Việt Nam tự chủ trong công tác tuyển sinh, xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, theo đúng quy định và năng lực đào tạo, chịu trách nhiệm giải trình... Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng tuyển sinh, đào tạo ngành Y, TS. Lê Đông Phương cho rằng, Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế và Tổng hội y học Việt Nam cần rà soát lại các quy định hiện hành, xây dựng quy chuẩn về việc mở ngành, tuyển sinh và đào tạo ngành Y cũng như khối ngành sức khỏe nói chung.
“Cần có sự thống nhất đảm bảo cả về mặt tiêu chuẩn chất lượng, chuyên môn nhưng không ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các trường", ông Phương nói.
4 trường sử dụng môn Ngữ văn để xét tuyển ngành Y Dược:
Trường Đại học Duy Tân: Xét điểm học bạ năm lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 hoặc xét điểm học bạ năm lớp 12. Trong đó, ngành Y khoa xét tổ hợp A16 gồm các môn/tổ hợp Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn.
Với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chuyên ngành Bác sĩ đa khoa và Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt sử dụng tổ hợp A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn). Chuyên ngành Dược sĩ, Điều dưỡng đa khoa xét tuyển bằng tổ hợp A16 và B03 (Toán, Ngữ văn, Sinh học).
Trường Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang): Xét tuyển học bạ và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023. Ngoài các tổ hợp A02 (Toán, Vật lí, Sinh học); tổ hợp B00 (Toán, Hoá học, Sinh học); tổ hợp D08 (Toán, Sinh học, Tiếng Anh), ngành Y khoa của trường còn xét tuyển bằng tổ hợp B03 gồm các môn Toán, Sinh học, Ngữ văn.
Ngành Dược học xét tuyển bằng tổ hợp C02 gồm các môn Toán, Ngữ văn, Hoá học.
Trường Đại học Văn Lang (Thành phố Hồ Chí Minh): xét tuyển bằng hai phương thức. Phương thức thứ nhất, sử dụng điểm trung bình học bạ lớp 12 hoặc điểm trung bình học bạ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12. Phương thức thứ 2, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Ngành Y khoa xét tổ hợp D12 gồm các môn Ngữ văn, Hóa học, Tiếng Anh bên cạnh các tổ hợp A00 (Toán, Vật lí, Hóa học); tổ hợp B00 (Toán, Hóa học, Sinh học); tổ hợp D08 (Toán, Sinh học, Tiếng Anh).
Trường Đại học Tân Tạo (Long An): Xét điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ngoài các tổ hợp truyền thống B00 (Toán, Hoá học, Sinh học), D08 (Toán, Sinh học, Tiếng Anh), A02 (Toán, Vật lí, Sinh học), ngành Y khoa, Điều dưỡng và ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học còn sử dụng tổ hợp B03 gồm các môn Toán, Ngữ Văn, Sinh học để xét tuyển./.