Xét nghiệm máu có thể phát hiện sớm được bệnh ung thư không? Bác sĩ giải đáp sự thật phía sau

Đậu Đậu |

Nhiều người hi vọng chỉ cần thực hiện xét nghiệm máu là có thể tầm soát được ung thư, tuy nhiên hiệu quả của nó đến đâu? Cùng lắng nghe phân tích của chuyên gia ung bướu ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn.

Làm sao để phát hiện ung thư sớm là điều bất cứ ai cũng quan tâm. Theo các chuyên gia, sau tuổi 40 mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 1 năm 2 lần. Đặc biệt, nên tiến hành tầm soát các loại bệnh ung thư theo lời tư vấn của bác sĩ.

Tuy nhiên, nhiều người vì lo ngại quy trình tầm soát ung thư tốn kém, mất thời gian, gây đau đớn... nên đã bỏ cuộc ngay khi mới bắt đầu nhen nhóm ý định. Vài năm gần đây, dịch vụ "xét nghiệm máu phát hiện sớm ung thư" ra đời đã giải quyết các vấn đề mà mọi người đang gặp phải đó là: tiết kiệm chi phí, nhanh chóng, tiện lợi. Thậm chí, nhiều cơ sở còn quảng cáo rằng dịch vụ này có thể "giúp phát hiện bệnh ung thư ngay từ giai đoạn đầu, độ nhạy cao đến 97%". Chính vì thế, dịch vụ này ngày càng được mọi người quan tâm và lựa chọn sử dụng hơn.

Xét nghiệm máu có thể phát hiện sớm được bệnh ung thư không? Bác sĩ giải đáp sự thật phía sau - Ảnh 1.

Một bài quảng cáo "Tầm soát ung thư sớm bằng cách xét nghiệm máu".

Trả lời về câu hỏi liệu chỉ dựa vào xét nghiệm máu có thể phát hiện ra bệnh ung thư hay không, ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn (chuyên ngành Ung bướu, Giảng viên Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích: "Trong chuyên môn, xét nghiệm máu không dùng để chẩn đoán bệnh. Mục đích thực hiện xét nghiệm máu là để xét nghiệm về chất chỉ điểm ung thư. Nếu cơ thể một người đang có ung thư thì 'có thể', chỉ là có thể thôi chất chỉ điểm ung thư này sẽ tăng cao hơn. Và sau đó bác sĩ bắt đầu đi tìm kiếm thêm xem có ung thư hay không. Tuy nhiên, phương pháp xét nghiệm này chỉ dùng để theo dõi tiên lượng cho bệnh nhân đã phát hiện ra bệnh và đang điều trị rồi, chứ không dùng để phát hiện sớm đâu".

Xét nghiệm máu có thể phát hiện sớm được bệnh ung thư không? Bác sĩ giải đáp sự thật phía sau - Ảnh 2.

ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn.

ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn cho biết, trong thực tế có nhiều người mắc ung thư nhưng chất chỉ điểm ung thư trong máu không tăng. Ngược lại, có những người không hề mắc bệnh nhưng chất chỉ điểm ung thư lại tăng, điều đó khiến người bệnh cảm thấy hoang mang, làm rất nhiều xét nghiệm liên quan nhưng thực tế không có bệnh, gây tốn kém rất lớn.

"Mọi người thường muốn làm những gì đơn giản nhất có thể nhưng lại muốn hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, nếu muốn tầm soát bệnh ung thư, bắt buộc chúng ta phải kết hợp giữa nhiều phương pháp, ví dụ như chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng và kết hợp với các xét nghiệm máu... Chứ không bao giờ chỉ sử dụng một phương pháp mà mà mong tìm ra bệnh", ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn.

Vị chuyên gia đồng thời cũng cảnh báo mọi người không nên tin vào các lời quảng cáo trên mạng về phương pháp "Tầm soát ung thư sớm bằng cách xét nghiệm máu", mà nên tìm đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ khám và tư vấn.

Những dấu hiệu ung thư không nên bỏ qua

"Phát hiện sớm, chữa khỏi sớm" là 6 chữ vàng trong điều trị ung thư, bởi ung thư khi được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tiên lượng điều trị rất tốt. Khi có những biểu hiện bất thường dưới đây, mọi người nên thận trọng với việc bản thân đã mắc ung thư:

- Giảm cân nhiều không rõ nguyên nhân: Cân nặng giảm mạnh trong thời gian ngắn thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh ung thư. Những biểu hiện như vậy thường gặp ở bệnh nhân ung thư vú, phổi, gan và ung thư ruột. Nếu giảm 10% cân nặng trong thời gian ngắn, không rõ nguyên nhân bạn nên đi khám kịp thời.

Xét nghiệm máu có thể phát hiện sớm được bệnh ung thư không? Bác sĩ giải đáp sự thật phía sau - Ảnh 3.

- Thay đổi rõ rệt của nốt ruồi: Nếu da bạn xuất hiện nhiều nốt ruồi mới, những nốt ruồi này thay đổi về kích cỡ, màu sắc... đề phòng có thể có biểu hiện ung thư da.

- Sốt hoặc nhiễm trùng thường xuyên: Khi các tế bào ung thư xâm nhập vào cơ thể, sức đề kháng sẽ suy giảm khiến con người dễ bị nhiễm trùng và gây sốt. Sốt dai dẳng không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu của các bệnh ung thư như ung thư hạch.

- Ho mãn tính và đau ngực: Các triệu chứng ho hoặc viêm phế quản có thể là triệu chứng của bệnh bạch cầu và ung thư phổi. Cảm giác đau ngực cũng có thể ảnh hưởng đến vai và cánh tay, kéo dài hơn 6 tuần có thể là ung thư vòm họng, tuyến giáp, thực quản...

- Các vấn đề về đường ruột: Bệnh nhân ung thư ruột sẽ đi đại tiện thường xuyên và có cảm giác không sạch sẽ. Phân màu trắng và có mùi hôi có thể là do ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại