Anh Võ Phúc (quê Lai Châu) lập gia đình được 18 năm và 4 con (3 gái, 1 trai), cuộc sống của họ khá yên bình. Nhưng khi các con càng lớn, nhiều người nhận xét không giống bố, thậm chí mỗi bé một nét.
Lúc này anh mới để ý, nhớ lại suốt những năm cùng nhau, vợ thường có biểu hiện lén lút, thường trốn ra một góc khi nghe điện thoại, rồi vội vàng cúp máy khi thấy bóng dáng chồng. Tuy nhiên vì tin tưởng vợ nên anh Phúc không để ý.
Từ khi bị những người xung quanh trêu chọc, nhận xét “nuôi con hàng xóm”, anh Phúc bắt đầu nghi ngờ vợ ngoại tình, hai người thường xuyên cãi vã.
Anh Phúc nảy sinh ý nghĩ trong số các con, có thể có bé không phải con ruột. Người đàn ông bí mật lấy tóc của các con đi làm xét nghiệm ADN và sốc khi biết duy nhất một cô con gái trong số đó cùng huyết thống với mình.
Thấy bằng chứng xác thực, biết rằng có ngụy biện đến đâu cũng không ích gì, vợ anh thừa nhận đã phản bội chồng. Thậm chí cô cũng không thể xác định chính xác cha của trẻ là ai.
Sau nhiều cuộc cãi vã, người vợ không thể chịu nổi sự dằn vặt của chồng và hàng xóm xung quanh nên quyết định ly hôn và đưa các con ra ngoài sống.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (Hà Nội), xét nghiệm huyết thống có thể thực hiện ở bất kỳ độ tuổi nào vì hệ gene của con người được thiết lập từ thời điểm thụ thai và thường không thay đổi, thậm chí có thể lấy mẫu vật từ trẻ chưa sinh như nước ối chứa các tế bào của thai nhi.
Ngoài ra các mẫu máu, tế bào niêm mạc miệng, mẫu mô, móng tay, chân tóc, cuống rốn, xương, răng đều có thể sử dụng để xét nghiệm ADN.
ADN là phân tử mang thông tin di truyền, chứa chương trình quyết định các đặc tính cũng như hành vi (một cách gián tiếp) của mỗi người. Trong số các đặc tính mà ADN quy định có các đặc điểm cá nhân của mỗi người, được truyền từ bố mẹ.
Ở Việt Nam, công nghệ gene hiện được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ phân tích di truyền đến giải mã gene vào nền y học chính xác. Các giải pháp giải trình tự gene giúp tầm soát, chẩn đoán, dự phòng và điều trị chính xác ứng dụng trong sản, nhi, tâm thần, ung thư hay tiêu hóa, hô hấp.
“Không chỉ xác định huyết thống, nếu tìm ra được bố mẹ mang gene bệnh thì có thể biết con cái sau này có khả năng mắc bệnh hay không, khả năng mắc là bao nhiêu phần trăm”, bà Nga nói.
Theo chuyên gia phân tích ADN, muôn vẻ chuyện đời xung quanh câu chuyện xét nghiệm ADN, vui buồn đều có. Nhiều cảnh đời, tình huống trớ trêu, nhiều sự thật khó tin, nhưng công nghệ thì chỉ có một sự thật, là sự chính xác.
Hiện nay lĩnh vực xét nghiệm huyết thống qua phân tích ADN, trình độ ở Việt Nam tương đương với thế giới. Có nghĩa làcùng là xét nghiệm đó, thực hiện ở Anh, Pháp, Mỹ hay ở Việt Nam, kết quả chính xác như nhau.
Thế giới đã có các quy chuẩn chung về xét nghiệm gene để xác định huyết thống nên yêu cầu đối với các phòng xét nghiệm, phải đảm bảo về hóa chất, máy móc, trang thiết bị làm xét nghiệm là cơ bản giống nhau. Ở Việt Nam, công nghệ gene khá phát triển. Nhiều đơn vị đã triển khai ứng dụng vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế, nâng cao chất lượng sống.