Đây là câu chuyện của một khách hàng mà bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền, tiếp nhận.
Bà Nga kể đây là một người đàn ông nước ngoài, đến trung tâm với vẻ tức tối. Anh nói được tiếng Việt đã chuẩn bị sẵn 2 mẫu đơn viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt theo đúng mẫu in trên trang web của trung tâm. Sau đó, anh mang ra 2 mẫu móng tay đã ghi tên tiếng Việt của 2 bé trai.
Bà Nga cho biết mọi thủ tục làm xét nghiệm diễn ra rất nhanh chóng. Người đàn ông ngoại quốc đăng ký nhận kết quả qua email vì trong ngày hôm nay anh sẽ phải bay về nước.
Theo bà Nga, kết quả xét nghiệm huyết thống của 2 đứa trẻ với người đàn ông này khá đặc biệt. Hai đứa trẻ đều không phải con của anh. Đồng thời, hai đứa trẻ cũng không phải là anh em cùng cha.
Sau khi có kết quả, trung tâm đã gửi mail cho người đàn ông. Ngay sau đó, anh trả lời qua email rằng muốn xin thêm một bản xét nghiệm bằng tiếng Việt và sẽ đến nhận trực tiếp tại trung tâm.
Xét nghiệm ADN qua mẫu móng tay (ảnh ST)
Bà Nga nhớ lại: "Vài ngày sau, người đàn ông đã tới trung tâm nhận kết quả tiếng Việt. Anh có nói rằng 'kết luận về quan hệ giữa tôi và 2 đứa bé thì rất rõ ràng, nhưng xem những con số, tôi không hiểu quan hệ giữa hai đứa trẻ là thế nào'. Tôi chỉ vào những con số giải thích: Chúng không phải là hai anh em cũng cha".
Sau khi nghe lời giải thích, anh ngạc nhiên và rồi gật gù hiểu ra vấn đề. Anh cất kết quả vào cặp, chào bà Nga và ra về.
Tuy nhiên, một tháng sau, người đàn ông ngoại quốc lại quay lại trung tâm một lần nữa. Lần này, anh mang tới một chiếc cuống rốn. Kết quả xét nghiệm đứa trẻ thứ 3 này cũng không phải con của anh. Thế nhưng, đứa trẻ này là anh em cùng cha với một trong hai đứa trẻ anh xét nghiệm lần trước.
Lần tới nhận kết quả này, anh đi cùng một nữ luật sư. Khi cầm tờ kết quả trong tay, cô luật sư nói với bà Nga: "Cháu sẽ giúp anh ấy giải quyết ly hôn với vợ. Đây là bằng chứng để làm căn cứ giải quyết nhanh chóng vụ ly hôn này".
Khi nghe cô luật sư nói vậy, bà Nga giải thích: Do cả 3 mẫu đều là do khách hàng mang tới nên không thể dùng làm căn cứ pháp lý được. Lý do là không có tính khách quan, biết đâu khách hàng không trung thực. Hiểu được ý bà Nga, nữ luật sư nói chỉ cần người vợ không phản đối kết quả này thì vụ việc sẽ được giải quyết nhanh.
Khoảng 2 tuần sau, bà Nga tiếp đón một người phụ nữ khoảng ngoài 30 tuổi tới muốn xét nghiệm huyết thống cho con. Người phụ nữ dẫn theo 3 đứa trẻ và một người đàn ông đi cùng.
Khi người phụ nữ ghi tên 3 đứa trẻ, bà Nga đã rất ngạc nhiên vì cả tên và tuổi của 3 đứa trẻ đều trùng với mẫu xét nghiệm của người đàn ông nước ngoài đã làm trước đó. Kết quả xét nghiệm cho thấy 2 trong ba đứa trẻ là con của người đàn ông đi cùng người phụ nữ. Và các chỉ số gen chứng tỏ cả 3 đứa trẻ đã được xét nghiệm với vị khách nước ngoài trước đó.
Lúc trao kết quả cho người phụ nữ, bà Nga hỏi: "Cả 3 đứa trẻ có cùng họ nước ngoài, thế chồng cháu là người ngoại quốc à?".
Người phụ nữ thành thật trả lời: "Vâng, nhưng cả 3 đứa đều không phải con của chồng cháu... Cháu với chồng cháu khác biệt về ngôn ngữ, tập quán nên khó có được hạnh phúc".
Người phụ nữ giải thích thêm rằng trong 3 đứa trẻ, 1 đứa là con của cô với người đàn ông khác, 2 đứa là con với người đi cùng cô hôm đó.