Vừa qua, Bộ Công thương đã công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2021. Theo đó, năm 2019, thu nhập bình quân tháng của một lao động của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD đạt 9,3 triệu đồng, tăng 5,8% so với năm 2018.
Đáng chú ý, so với năm 2018, khu vực doanh nghiệp nhà nước có mức thu nhập bình quân tháng một lao động trong năm 2019 đạt cao nhất với 14,2 triệu đồng, tăng 14,2% (trong đó, khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đạt 13,8 triệu đồng, tăng 16,7%).
Theo sau đó là khu vực doanh nghiệp FDI 10,1 triệu đồng, tăng 3,8%. Cuối cùng là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 8,3 triệu đồng, tăng 5,6%.
Xét theo quy mô doanh nghiệp, năm 2019, thu nhập bình quân tháng của một lao động tăng dần theo quy mô doanh nghiệp từ siêu nhỏ đến lớn. Cụ thể, khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ có mức thu nhập thấp nhất với 6,9 triệu đồng/tháng và giảm nhẹ so với năm 2018 (giảm 0,8%).
Ngoài ra, khu vực doanh nghiệp quy mô nhỏ có mức thu nhập 8,1 triệu đồng, tăng 5,7%. Khu vực doanh nghiệp quy mô vừa với 8,9 triệu đồng, tăng 7,9%. Khu vực doanh nghiệp quy mô lớn có mức thu nhập cao nhất, đạt 10,2 triệu đồng, tăng 6,2%
Dữ liệu: Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2021
Tính trong giai đoạn 2016-2019, thu nhập bình quân tháng một lao động làm việc trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD cả nước đạt 8,5 triệu đồng, tăng 44,6% so với thu nhập bình quân giai đoạn 2011-2015.
Cũng trong giai đoạn này, thu nhập bình quân tháng của người lao động khu vực dịch vụ đạt cao nhất với 9,7 triệu đồng, tăng 43,2% so với thời kỳ 2011-2015.
Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 7,9 triệu đồng, tăng 45,4% (trong đó thu nhập bình quân của người lao động trong doanh nghiệp ngành sản xuất và phân phối điện đạt cao nhất với 16,3 triệu đồng); doanh nghiệp khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 5,3 triệu đồng, tăng 8,2%.
Bên cạnh đó, cũng trong giai đoạn 2016-2019, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt cao nhất với 12,4 triệu đồng (trong đó, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đạt 12,0 triệu đồng), tăng 39,7% so với giai đoạn 2011- 2015. Khu vực doanh nghiệp FDI đạt 9,4 triệu đồng, tăng 42,8%. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 7,5 triệu đồng, tăng 52,5%.
Ngoài ra, xét theo quy mô, khu vực doanh nghiệp có quy mô lớn giai đoạn 2016-2019 có thu nhập bình quân tháng của một lao động cao nhất đạt 9,3 triệu đồng, tăng 41,1% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.
Khu vực doanh nghiệp có quy mô vừa đạt 8,1 triệu đồng, tăng 48,6%. Khu vực doanh nghiệp có quy mô nhỏ đạt 7,3 triệu đồng, tăng 52,9%. Khu vực doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ có thu nhập bình quân thấp nhất với 6,3 triệu đồng, tăng 49,7% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.