Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều.
Đây là văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) sau đề nghị của Bộ KH-ĐT ngày 2/3/2020 về chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT rà soát, xem xét chặt chẽ việc lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới, làm sao đảm bảo tốt nhất quản lý nhà nước về hàng không, phát triển bền vững; báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét, quyết định.
KiteAir nhắm vào phân khúc hàng không chi phí thấp với đội máy bay chủ lực là ATR.
Trước đó, Bộ KH-ĐT đã báo cáo Chính phủ kết quả thẩm định Dự án vận tải hàng không Cánh Diều của Công ty Cổ phần Hàng không Thiên Minh, đồng thời kiến nghị Thủ tướng xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều với mục tiêu xây dựng một hãng hàng không mới chi phí thấp để kết nối người dân các địa phương có hạ tầng sân bay chưa được đầu tư phát triển.
Dự án vận tải hàng không Cánh Diều (KiteAir) tại cảng hàng không Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam của công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh. Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, do ông Trần Trọng Kiên (Chủ tịch Thiên Minh Group) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc.
Theo hồ sơ dự án, tổng vốn đầu tư của Dự án là 5.500 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.000 tỉ đồng, vốn vay 4.500 tỉ đồng.
Dự kiến, trong năm đầu tiên, KiteAir sẽ khai thác 6 máy bay ATR72 hoặc tương đương và tăng dần qua các năm, đến năm thứ 6 khai thác 25 máy bay. Trong đó, từ năm thứ 3 trở đi, hãng sẽ bổ sung thêm máy bay A320/A321 hoặc tương đương. Bước đầu khai thác bay nội địa, sau đó mở rộng bay quốc tế với Lào, Campuchia, khu vực Đông Dương, Đông Nam Á và một số điểm Đông Bắc Á.
Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, KiteAir sẽ hoàn tất các thủ tục để bắt đầu khai thác từ quý II/2020.
Theo Bộ GTVT, dự án phù hợp với các quy hoạch: Lựa chọn sân bay Chu Lai làm sân bay căn cứ và sử dụng sân bay Đà Nẵng làm nơi đậu tàu bay qua đêm trong 2 năm đầu khai thác; các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn làm nơi đậu tàu bay tiếp theo.
Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh khẳng định có thể tự đáp ứng được nguồn nhân lực hàng không mà không giành giật, lôi kéo phi công, đặc biệt là phi công của Vietnam Airlines, lý do là khai thác máy bay ATR chứ không phải loại máy bay đang phổ biến hiện nay như A320/A321.
Tuy nhiên, hiện nay, đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng không toàn cầu và không biết đến khi nào sẽ chấm dứt. Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết trong 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội vừa qua, lượng khai thác của các hãng hàng không Việt Nam chỉ còn từ 2-5% năng lực.
Đến thời điểm này, hãng không đặt vấn đề lỗ lãi nữa, bởi lợi nhuận gần như không có, mà giải pháp đặt ra phải phục hồi thế nào trong thời gian tới mới là quan trọng. Với quy mô như Việt Nam Airlines (khoảng 100 máy bay), nếu làm ăn tốt sau dịch bệnh, tối thiểu phải 5 năm mới bù được khoản lỗ đã phát sinh.
Ngày 3/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 457 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines). Dự án sẽ có 9 tháng thực hiện đầu tư, tính từ khi phê duyệt chủ trương, bắt đầu khai thác và kinh doanh từ tháng thứ 10. Như vậy, đầu năm 2021 có thể hãng sẽ bay chuyến thương mại đầu tiên.