Xem phim Sex Education, tôi thảng thốt trước 1 tình tiết: Bố mẹ nào còn giữ lối nuôi dạy "độc hại" này thì thật tai hại cho con cái

Thanh Hương |

Kiểu nuôi dạy con độc hại này đang khiến nhiều đứa trẻ kiệt quệ.

Phim Sex Education là một bộ phim mà tôi không ngờ sẽ giúp bản thân nhìn nhận ra được nhiều bài học quý giá trong việc giáo dục con. Không chỉ nhân vật chính mà các nhân vật phụ cũng có những câu chuyện đáng suy ngẫm, trong đó phải kể đến nam sinh Jackson và mẹ cậu - bà Sofia.

Trong phim, Jackson là một vận động viên bơi lội xuất sắc, thường xuyên giành chiến thắng trong các cuộc thi. Mẹ của Jackson, Sofia, đặt rất nhiều kỳ vọng vào thành công của con, xem bơi lội như con đường duy nhất để tiến thân và "làm rạng danh gia đình". Jackson cảm thấy bị buộc phải duy trì sự hoàn hảo, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Để đáp ứng kỳ vọng của mẹ, Jackson phải luyện tập không ngừng, hy sinh sở thích cá nhân và thời gian cho các mối quan hệ. Cho đến khi không thể chịu đựng được áp lực nữa, Jackson quyết định tự làm hại mình. Cậu đã tự làm gãy tay để bản thân không thể bơi trong một thời gian. Tình tiết này đã khiến tôi rất thảng thốt khi xem.

Sofia yêu thương con, nhưng bà áp đặt ý chí của mình lên Jackson thay vì tôn trọng mong muốn thực sự của cậu. Bà nghĩ rằng thành công trong bơi lội sẽ mang lại hạnh phúc, nhưng lại không hỏi liệu Jackson có thật sự đam mê nó hay không.

Hai mẹ con Sofia - Jackson

"Văn hóa thành tích" này chính là thứ mà nhiều gia đình và xã hội thường đề cao. Đối với nhiều bậc cha mẹ, thành công đo bằng danh hiệu, giải thưởng hơn là niềm vui và sức khỏe tinh thần.

Trong phim, Jackson cảm thấy giá trị bản thân phụ thuộc hoàn toàn vào những chiến thắng. Nam sinh này thường xuyên bị lo âu, căng thẳng và áp lực, cảm thấy cô đơn vì không ai thực sự hiểu hoặc hỏi ý kiến của cậu về mong muốn cá nhân.

Việc Jackson tự làm đau tay mình chính là tiếng kêu cứu thầm lặng. Đây là cách cậu thoát khỏi áp lực mà không cần đối mặt trực tiếp với mẹ. Không chỉ vậy, Jackson còn mất phương hướng về bản thân khi không thể tách rời "Jackson vận động viên bơi lội" khỏi "Jackson con người". Cậu không biết mình là ai nếu không bơi lội.

Ở ngoài đời, có rất nhiều Sofia!

Câu chuyện về 2 mẹ Sofia - Jackson khiến tôi thấy quen thuộc, bởi ngoài kia, rất nhiều gia đình đang như vậy. Nói không đâu xa, chính nhiều phụ huynh ở lớp con gái tôi cũng là những "Sofia".

Ở lớp con tôi, có 1 bạn nữ học rất giỏi, lúc nào cũng đạt điểm kiểm tra cao nhất lớp. Theo chính lời phụ huynh bạn đó kể thì gia đình đã xây dựng lộ trình học tập cho con từ mầm non đến đại học, mỗi cấp sẽ phải học trường nào, đạt thành tích ra sao.

Bạn học sinh tham gia đủ loại lớp học thêm để duy trì được thành tích. Tôi từng gặp qua đứa trẻ này trong một lần đến trường, thú thật, tôi thấy thương cho cháu. Nhìn cháu trông lúc nào cũng mệt mỏi, không có sự vui vẻ, vô tư của các bạn bằng tuổi.

Chính con tôi cũng từng kể, có hôm đến lớp, bạn bị chảy máu mũi. Có hôm thì mặt nghệt ra, lẩm bẩm bảo "muốn đi đâu đó thật xa" khiến các bạn xung quanh "hết hồn".

"Kinh dị nhất là có lần, bài kiểm tra được 8 điểm thôi mà cậu ấy khóc nấc lên mẹ ạ", con tôi kể lại.

Tôi chẳng rõ, phụ huynh của đứa trẻ có từng nhận ra tình trạng bất ổn của con em mình hay không, nhưng có 1 điều mà tôi nhận thấy được: Đó là ngày nay, nhiều cha mẹ đang đặt kỳ vọng quá cao lên con cái. Dù xuất phát từ tình yêu thương, kỳ vọng đó có thể trở thành gánh nặng cho con nếu không đi kèm với sự thấu hiểu.

Tôi nói ra đây không phải tỏ ý khoe khoang mình dạy con giỏi. Nhưng thật sự, đã từ rất lâu, tôi hiểu rằng, thành công không phải là thước đo duy nhất của hạnh phúc. Ngoài điểm số, cha mẹ cần tập trung vào việc xây dựng cho con một cuộc sống cân bằng, để con có thể tận hưởng những niềm vui nhỏ bé, thay vì chỉ chạy theo thành tích.

Khi con hạnh phúc, thì cuộc đời cũng tự nhiên êm ả, xuôi chèo mát mái hơn. Thực tế, rất nhiều trường hợp những thiên tài trên thế giới, dù có xuất phát điểm hơn người với bộ óc siêu việt nhưng trưởng thành lại chẳng ra làm sao, có người tự kết liễu cuộc đời, có người điên dại,... Nguyên nhân cũng bởi không có tuổi thơ, không có trải nghiệm, không có mối quan hệ xã hội, không có kỹ năng sống,... - bởi thời gian dành cho những hoạt động này đều đã bị cha mẹ lấy đi và ép con phải vào bàn học, phải chạy theo thành tích.

Tôi mong rằng, thay vì áp đặt, cha mẹ nên học cách thấu hiểu, lắng nghe, và đồng hành cùng con trên hành trình phát triển. Giá trị thật sự không nằm ở thành tích mà ở hạnh phúc và sức khỏe toàn diện của con cái.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại