Sau khi xem phim Sex Education, tôi đã hiểu vì sao bộ phim này được lòng các bậc cha mẹ đến vậy. Không chỉ nói về vấn đề giáo dục giới tính, phim còn đề cập đến cả khía cạnh gia đình, bạn bè, tình yêu,... Rất nhiều bài học mà chúng ta có thể rút ra và áp dụng trong cuộc sống. Là một bà mẹ có 2 đứa con "đủ nếp, đủ tẻ", tôi đã nhận ra rất nhiều giá trị từ những tình tiết nhỏ tới lớn trong bộ phim.
Khoan nói tới chuyện giáo dục giới tính - chủ đề chính của bộ phim này mà nói về khía cạnh gia đình, cha mẹ - con cái, có 1 tình tiết khiến tôi nhớ mãi. Bởi trong thực tế, rất nhiều câu chuyện, trường hợp thực tế xảy ra y hệt!
Tình tiết mà tôi đang nói đến là việc nhân vật Jean Milburn - một nhà trị liệu tình dục, mẹ của nam chính Otis Milburn đã viết sách về chính con trai mình, vô tư kể những điều riêng tư nhất của con như chuyện vệ sinh cá nhân. Otis đã rất xấu hổ và tức giận.
Xem đến tình tiết đó, tôi thật sự phải cảm thán rằng: Chao ôi! Không chỉ trên phim mà ngoài đời, vẫn còn rất nhiều bậc làm cha, làm mẹ "vô tư" kể lể chuyện riêng của con cho người ngoài. Đó có thể là điểm số, là một tật xấu của con, hay thậm chí khi con lớn thì "bô bô miệng" kể lể, khoe khoang mức lương, công việc của con dẫn đến những tình huống khó xử. Chẳng hạn như bị họ hàng, người quen nhờ vả giúp đỡ nhờ xin việc, vay tiền,...
Phụ huynh hãy rút ra bài học!
Tôi cho rằng, tất cả mọi phụ huynh đều nên rút ra những bài học sau:
Đầu tiên, bài học về tôn trọng sự riêng tư của con: Trẻ em, dù ở độ tuổi nào, đều cần được tôn trọng quyền riêng tư. Khi cha mẹ xâm phạm điều này, dù vô tình hay cố ý, có thể làm tổn thương lòng tự trọng và khiến trẻ cảm thấy không được coi trọng.
Thứ hai, giao tiếp trung thực và lắng nghe con: Trước khi chia sẻ câu chuyện liên quan đến con, hãy thảo luận và hỏi ý kiến của trẻ. Điều này không chỉ giúp xây dựng lòng tin mà còn tạo cơ hội để hiểu nhau hơn. Chúng ta không thể cậy quyền làm cha mẹ mà cứ vô tư tiết lộ mọi điều về con cho người ngoài được. Làm như vậy là rất dốt nát, dại dột, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của con.
Bạn không thể biết được, những điều mà bạn chia sẻ, tưởng chừng vô hại có thể gây ra những tác động tiêu cực, phiền phức đến nhường nào. Thuở nhỏ, tôi đã từng chứng kiến một cô bạn, thường xuyên bị mẹ bêu khuyết điểm, thói quen chưa tốt với bạn bè, với ý "răn đe", muốn con biết ngại mà sửa đổi. Kết quả, cô bạn đã bị trêu chọc, bắt nạt suốt những năm cấp 2.
Thứ ba, cha mẹ cũng có thể sai và cần xin lỗi: Trong phim, khi Jean nhận ra sai lầm của mình, bà đã cố gắng sửa chữa và đối thoại với Otis. Điều này nhấn mạnh rằng cha mẹ cần sẵn sàng thừa nhận lỗi lầm, không cố chấp, và dạy trẻ qua hành động rằng việc xin lỗi không làm giảm giá trị của bản thân.
Thứ tư, tình cảm gia đình luôn quan trọng: Dù Otis cảm thấy bị tổn thương, cậu vẫn chọn cách tha thứ. Điều này nhắc nhở phụ huynh rằng, tình cảm gia đình cần được vun đắp bằng sự kiên nhẫn, thấu hiểu, và yêu thương vô điều kiện.
Mong rằng, mọi bậc cha mẹ tự nhìn lại cách hành xử của mình trong quá trình nuôi dạy con. Hãy luôn đặt mình vào vị trí của con để cân nhắc, tôn trọng và giữ gìn mối quan hệ gia đình thật bền chặt.