Xem Olympic giữa mùa COVID-19, người hâm mộ đối mặt các lệnh cấm éo le

Hoàng Trang |

Cấm cổ vũ, hò hét, ăn uống hoặc vẫy cờ… dường như là những quy tắc đang chờ đợi người hâm mộ tại Olympic Tokyo, trong trường hợp họ được đến sân vận động vào tháng 7 tới.

Khán giả đeo khẩu trang khi xem trận chung kết Cúp Nhật hoàng tại Tokyo. Ảnh: AFP

Khán giả đeo khẩu trang khi xem trận chung kết Cúp Nhật hoàng tại Tokyo. Ảnh: AFP

Các biện pháp chống virus SARS-CoV-2 đã thay đổi bộ mặt thể thao trực tiếp tại Nhật Bản, nơi các sân vận động đang coi trọng thói lịch sự hơn niềm đam mê.

Hãng thông tấn AFP đưa tin trận chung kết bóng đá Cúp Nhật hoàng tại Sân vận động Quốc gia Tokyo mới đây – nơi tổ chức chính của Thế vận hội Olympic – đã dự báo phần nào tương lai của Thế vận hội Tokyo 2020.

Khi cầu thủ của câu lạc bộ Kawasaki Frontale ghi bàn thắng duy nhất của trậu đấu, tiếng reo hò vui sướng vừa vang lên đã vội tan biến thành tiếng rì rầm yên lặng. Bởi lẽ, số lượng khán giả ít ỏi được phép vào sân đã nhớ đến quy định cấm cổ vũ.

“Bạn muốn hét lên khi có bàn thắng nhưng bạn phải cố kìm nén. Chúng tôi có thể chặn nỗi niềm cảm xúc bên trong mình để tạo ra một môi trường an toàn cho mọi người cùng theo dõi”, Daiya Inoue, người hâm mộ Kawasaki Frontale chia sẻ.

Những cảnh tượng tương tự cũng bị bắt gặp tại một cuộc thi thể dục ở Tokyo hồi tháng 11/2020. Đó là sự kiện thể thao quốc tế đầu tiên tổ chức tại Nhật Bản kể từ khi bùng phát đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Gần 2.000 khán giả đeo khẩu trang đã phải sát khuẩn tay, kiểm tra nhiệt độ và giữ khoảng cách xã hội khi vào trong Cung thể dục Yoyogi với sức chứa 8.700 chỗ. Những tràng pháo tay lịch sự cũng những lời tán thưởng thầm thì là phản ứng duy nhất dành cho các vận động viên ưu tú.

Nguy cơ lây nhiễm

Xem Olympic giữa mùa COVID-19, người hâm mộ đối mặt các lệnh cấm éo le  - Ảnh 1.

Theo kế hoạch, Olympic Tokyo sẽ được tổ chức từ ngày 23/7 đến 8/8, trong khi Paralympic Tokyo sẽ diễn ra từ ngày 24/8 đến 5/9. Ảnh: Kyodo

Người yêu thể thao sẽ thấy bản thân may mắn khi được tham dự Olympic dù bất cứ điều kiện nào. Đa số sự kiện thể thao trên thế giới vẫn đang diễn ra mà không có khán giả. Ngày càng có nhiều người suy đoán rằng Thế vận hội sẽ bị hủy bỏ hoàn toàn sau khi bị trì hoãn suốt 1 năm qua. Tuy nhiên, ban tổ chức cho biết họ đang gấp rút chuẩn bị, trong đó có việc thực hiện một báo cáo dài 53 trang phác thảo các biện pháp an toàn sinh học. Ngày 20/1, tại một cuộc phỏng vấn trực tuyến độc quyền với hãng thông tấn Kyodo News, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach bày tỏ tự tin rằng Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch, "không có kế hoạch B".

Tại các sân thi đấu, người hâm mộ sẽ phải rửa tay và tránh không gian kín, trong khi các hành động gia tăng nguy cơ lây nhiễm bởi giọt bắn chứa virus trong không khí như hò hét, nói chuyện lớn… sẽ bị cấm. Về phần khán giả nước ngoài, việc họ được phép nhập cảnh hay không sẽ được ra quyết định trong những tháng tới.

Cô Lisa Inoue, cổ động viên của Kawasaki Frontale, cho biết các người hâm mộ môn thể thao vua đã dần quen với những quy tắc của sân vận động. “Tôi phải ngăn bản thân mình hò reo trong vài trận đầu, nhưng sau đó tôi bắt đầu tận hưởng việc có thể nghe thấy tiếng các cầu thủ và huấn luyện viên trao đổi với nhau. Một số người nói họ không muốn đến khi không thể cổ vũ theo cách họ thường làm. Bầu không khí hoàn toàn khác biệt, nhưng tôi thích như vậy”.

Liệu có đáng để đánh đổi?

Tại chung kết Cúp Nhật hoàng, chỉ có 13.318 khán giả có mặt tại Sân vận động Quốc gia sức chứa 60.000 người, cùng với tiếng trống dồn dập và những đợt vỗ tay ngắt quãng. Khi tiếng còi chung cuộc cất lên, tiếng hò hét lớn nhất xuất phát từ các cầu thủ câu lạc bộ Frontale để mừng chiến thắng.

Dù cổ động viên Nhật Bản luôn ghi nhớ quy tắc nhưng không phải ai cũng tin rằng người hâm mộ từ nước ngoài có thể tuân thủ kỷ luật như vậy. “Người Nhật có xu hướng quan sát những gì mọi người xung quanh đang làm và khi họ thấy người khác không hò hét, họ cũng không hét lên”, Kentaro Sawada, người dự định làm tình nguyện viên tại Thế vận hội nói.

Theo anh, lối ủng hộ này đã trở nên quen thuộc tại giải J-League, nhưng mọi người từ khắp nơi trên thế giới đến Nhật Bản dự Thế vận hội, đó sẽ lần trải nghiệm đầu tiên.

Giám đốc điều hành Ủy ban Olympic Tokyo 2020, ông Toshiro Muto từng thừa nhận hồi tháng 12 rằng các biện pháp chống virus sẽ khiến Thế vận hội trở nên khác biệt với bầu không khí đơn giản, thiếu tính lễ hội.

Sự nhiệt tình dành cho sự kiện thể thao quốc tế này đã suy yếu trong người dân Nhật Bản. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy hơn 80% người tham gia trả lời đã phản đối tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo trong năm nay do ảnh hưởng của COVID-19. Gần 18% số vé đã bán ở Nhật Bản sẽ được hoàn lại do có khoảng 810.000 người yêu cầu hoàn tiền.

Ryo Hajimoto, người hâm mộ Fontale chia sẻ: “Olympic sẽ kéo khán giả ở khắp thế giới đổ về đây và tiếp xúc, tương tác với nhau. Bạn sẽ tự hỏi liệu điều này có đáng hay không”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại