Gần đây, một bé trai 5 tuổi có biệt danh là Lele ở Đông Quan, Trung Quốc luôn cau mày và nheo mắt mỗi khi nhìn vào một vật gì đó. Vì vậy, gia đình đã đưa cậu bé đến bệnh viện mắt để kiểm tra. Ai ngờ, Lele bị cận thị nặng , gần 10 độ.
Vì thấy con nhìn gì cũng phải nheo mắt nên cha mẹ Lele đã cho con đi khám mắt (Ảnh minh họa).
Bác sĩ nhãn khoa đã thực hiện đo thị lực cho Lele và thấy rằng mắt phải của đứa trẻ bị cận 9,75 độ, loạn thị là 2,25 độ, còn mắt trái cận 7,5 độ và loạn thị là 3 độ. Như vậy có nghĩa là khả năng nhìn của Lele chỉ còn 0,3/10.
Điều đáng lo ngại hơn nữa là thông qua kiểm tra đáy mắt, các bác sĩ phát hiện đáy mắt của Lele đang có vấn đề, có khả năng gây ra các biến chứng nghiêm trọng nguy hiểm cho thị lực.
Vì vậy, bác sĩ yêu cầu cha mẹ Lele đưa con đến kiểm tra mắt 3 tháng một lần.
Các bác sĩ phát hiện đáy mắt của cậu bé đang có vấn đề, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho thị lực (Ảnh minh họa).
Được biết, mẹ của Lele đã mua cho con một máy tính bảng từ khi bé trai mới được 3 tuổi để cho con xem các chương trình giáo dục sớm. Và đứa trẻ hầu như mỗi ngày đều dành 6 giờ để học và chơi trên máy tính bảng.
Các bác sĩ nhãn khoa cho biết nhìn vào máy tính bảng hay điện thoại thì cũng đều có hại như nhau. Và việc sử dụng thiết bị điện tử sớm trong một thời gian dài chính là nguyên nhân khiến Lele bị cận nặng.
Và thật đáng tiếc là không có cách nào có thể khôi phục lại mắt cho cậu bé, theo thời gian, độ cận thị của bé trai sẽ ngày càng tăng lên.
Các bác sĩ cũng khuyên rằng trẻ em dưới 3 tuổi không nên sử dụng các sản phẩm điện tử như điện thoại di động, máy tính bảng dù với bất kỳ mục đích gì.
Trẻ từ 3 đến 6 tuổi không nên sử dụng các sản phẩm điện tử quá 30 phút mỗi ngày, tốt nhất là chỉ trong vòng 15 đến 20 phút.
Vậy làm thế nào để phòng tránh cho con không bị cận thị?
Để con có một đôi mắt khỏe mạnh, cha mẹ hãy quan tâm và hướng dẫn trẻ làm những điều dưới đây:
- Cho mắt nghỉ ngơi hợp lý: Hãy áp dụng quy tắc 20-20-20 cho mắt. Nghĩa là cứ học bài hay làm việc được 20 phút, thì lại nhìn vào một vật cách xa 20 feet (khoảng 6m) trong vòng 20 giây.
- Chú ý đến ánh sáng: Phòng học của con cần đầy đủ ánh sáng, ưu tiên ánh sáng tự nhiên. Ánh sáng cũng cần đáp ứng đủ các tiêu chuẩn như không quá sáng, không bị khuất bóng, không chiếu trực tiếp vào mắt…
- Khoảng cách: Khoảng cách đọc sách và viết với học sinh là 35 - 40cm.
- Thường xuyên vui chơi ngoài trời: Cha mẹ nên thường xuyên cho con ra ngoài trời chơi để giúp mắt thư giãn, hạn chế được nguy cơ mắc tật khúc xạ.
- Khám mắt định kỳ: Đây là cách để phát hiện sớm tật khúc xạ mắt. Với trẻ chưa bị cận thì khoảng 1 năm cha mẹ cho bé đi khám 1 lần, và 6 tháng/lần đối với bé đã bị cận.
- Bổ sung dưỡng chất cho mắt: Cha mẹ hãy bổ sung các dưỡng chất tốt cho mắt như vitamin A, E, C, và các chất khoáng có trong rau củ, trái cây tươi, thịt, cá, trứng giúp tăng khả năng điều tiết, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về mắt.