Những chú cảnh khuyển CSCĐ vượt lửa, quật ngã tội phạm cứu người (Video: Hữu Dánh)
Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an) là mái nhà chung của hàng trăm chú chó nghiệp vụ với 5 giống điển hình như: Berger, Malinois, Rottweiler, Labrador và Cocker. Những chú cảnh khuyển đều rất mạnh mẽ và hung dữ khi tấn công, truy bắt tội phạm. Hàng ngày, những chú chó được huấn luyện theo từng chuyên khoa, gắn bó với huấn luyện viên như những người bạn thân thiết.
Có mặt tại thao trường rộng hơn 1.000m2 xem những buổi tập luyện của các cán bộ, chiến sĩ với những chú cảnh khuyển mới thấu hiểu được những khó khăn, vất vả mà họ phải trải qua. Để đào tạo được những chú chó thông minh, hiểu nghiệp vụ, các cán bộ, chiến sĩ ở đây không chỉ phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt mà thậm chí cả máu.
Để kiểm tra quá trình huấn luyện có đạt yêu cầu hay không, những cán bộ, chiến sĩ ở đây thường xuyên phải đưa ra những bài giả định sát hiện thực nhất. Trong buổi PV
Nhóm tội phạm không phối hợp với lực lượng chức năng mà phản kháng dữ dội, buộc lực lượng cảnh sát cùng chó nghiệp vụ phải sử dụng vũ lực, nghiệp vụ để khống chế.
Ngay sau đó, cảnh khuyển thực hiện nhiệm vụ đánh hơi, tìm thuốc nổ trên ô tô, đồng thời tìm ma túy trong các vali được khóa kín. Tất cả các bài được sự kiểm tra nghiêm ngặt của các huấn luyện viên.
Theo Đại uý Trần Văn Ngọ - Đội trưởng đội sử dụng động vật nghiệp vụ, để tăng độ hung dữ, cán bộ huấn luyện cho cảnh khuyển cắn vào "quân xanh" (giả làm tội phạm) mặc đồ bảo vệ, tập làm quen với tiếng nổ. Ban đầu, chó thường sợ tiếng nổ lớn nên chiến sĩ huấn luyện đặt quả nổ ở xa và phải giữ chặt chó lại. Sau dần, chiến sĩ đặt quả nổ ở gần hơn để hình thành phản xạ có điều kiện. Cuối cùng, chó nghiệp vụ sẽ hưng phấn khi nghe thấy tiếng nổ lớn. “Với những bài tập có độ khó như tình huống giả định tội phạm đi ô tô vận chuyển trái phép chất ma túy còn cài chất nổ trên xe, cán bộ, chiến sĩ không quản ngày đêm, thời tiết mưa rét, thường xuyên phải bám thao trường để thực binh nhuần nhuyễn, tạo thói quen và dũng khí chiến đấu cho những chú chó, để luôn sẵn sàng vào các trận chiến khi có yêu cầu” , Đại uý Trần Văn Ngọ nói.
Để những chú cảnh khuyển có tính chiến đấu và thực hiện được nhiều nhiệm vụ truy bắt tội phạm, rà phá bom, mìn hay đánh hơi ma tuý… phải trải qua quá trình huấn luyện gian khổ từ 6 tháng đến 12 tháng. Còn đối với những huấn luyện viên, họ phải miệt mài tập luyện bất kể thời tiết nắng hay mưa, ngày hay đêm. Nếu không được tập luyện và rèn luyện kỹ năng thường xuyên thì sẽ không thể có những chú cảnh khuyển tinh thông, đáp ứng tốt yêu cầu nghiệp vụ.
Tại Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an) đang tập trung huấn luyện chó theo các chuyên khoa như sau: Chó chuyên giám biệt mùi hơi, chó tìm kiếm cứu nạn; chó tìm kiếm ma túy, thuốc nổ và chó truy lùng, tấn công. Dù được huấn luyện ở chuyên khoa nào, các chú chó nghiệp vụ phải trải qua các bài tập từ đơn giản đến khó như bò qua hàng rào sắt, vượt các vòng lửa, địa hình khó...
Những chú chó nghiệp vụ chuyên đi cứu nạn cứu hộ phải có tính khí hiền lành. Khi huấn luyện đòi hỏi huấn luyện viên kiên nhẫn khổ luyện, vừa kiềm chế tính hung dữ vừa phát huy tối đa khứu giác. Khi huấn luyện và cho ra lò những chú chó tinh nhuệ nhất, cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại dùng cơ thể mình cho các bài tập. Trong các bài tập thực địa sát hạch chó, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp nằm sâu trong ngách hầm tối tăm, nóng bức, thậm chí phải đeo mặt nạ có ống thở nằm sâu dưới bùn đất. Tùy thuộc vào yêu cầu độ nông sâu đặt nguồn hơi, cán bộ chiến sĩ phải nằm yên trên thao trường 3 - 4 giờ cho chó luyện tập sao cho sát với các tình huống thực tiễn nhất.
Trung uý Nguyễn Trần Công Huân - Cán bộ Đội huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ cho biết, quá trình đào tạo chó cứu hộ là ngay từ nhỏ và được hội đồng tuyển chọn duyệt, đưa vào huấn luyện. “Ban đầu lựa chọn những chú chó cứu hộ phải có tính cách tốt, dũng cảm, biết tuân thủ mệnh lệnh, độ trung thành cao. Sau đó, huấn luyện viên phải dành thời gian dắt chó đi dạo, chải lông cho chó, bởi đây là lúc dễ làm thân nhất. Khoảng thời gian này, huấn luyện viên phát hiện cá tính nổi trội của chó để luyện phản xạ hằng ngày. Nghề của chúng tôi là sống, làm bạn với chó. Người hôi hám nhưng ai cũng yêu nghề, nỗ lực để chú chó của mình tìm được nạn nhân trong thiên tai, sự cố” , Trung uý Nguyễn Trần Công Huân chia sẻ.
Để đạt hiệu quả cao trong quá trình huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ, việc chọn lựa chó trải qua nhiều quá trình khắt khe. Theo Thượng tá Tạ Minh Đàn – Phó giám đốc Trung tâm phụ trách chăn nuôi và bồi dưỡng tính năng chó dự bị, chó con mới sinh được lựa chọn theo tiêu chí như ngoại hình đẹp, không có dị tật bẩm sinh, kêu, sủa tốt, linh hoạt trong mọi động tác. Sau khi được lựa chọn sẽ được bấm mã số cho từng con chó và được nuôi dưỡng, khi đến khoảng 3 - 4 tháng tuổi sẽ bước vào khóa huấn luyện "chó choai".
Phó giám đốc Trung tâm cho biết, giai đoạn "chó choai" là giai đoạn chó bắt đầu làm quen với dây cương, cổ dề, rọ mõm, tên gọi. Đến khi chó được 10 - 12 tháng tuổi, nhà trường sẽ thành lập hội đồng tuyển chọn chó để đưa vào huấn luyện chính thức theo từng chuyên ngành. Tùy theo khả năng, ngoại hình, thần kinh của từng con chó mà đưa vào huấn luyện những chuyên ngành phù hợp.
"Quá trình huấn luyện chó từ giai đoạn 3 - 4 tháng tuổi cho đến 10 - 12 tháng tuổi, nếu phát hiện con chó nào ham thích và hay cắp các đồ vật, hoạt bát và hay có biểu hiện hít, ngửi sẽ được đưa vào đào tạo các chuyên ngành chó phát hiện ma túy, chó phát hiện chất nổ, chó tìm kiếm cứu nạn và chó giám biệt nguồn hơi, hỗ trợ công tác điều tra hình sự. Con chó nào thần kinh mạnh, linh hoạt và hay cắn đồ vật, hay sủa sẽ được đưa vào đào tạo chuyên ngành chó chiến đấu", Thượng tá Tạ Minh Đàn cho hay.
Việc chọn lọc đã khó, song khâu chăm sóc từ thức ăn đến sức khoẻ còn khó hơn. Mỗi ngày, những chú chó nghiệp vụ trong đơn vị được ăn 2 lần, vào lúc 10h30 buổi trưa và 16h30 buổi chiều. Khẩu phần ăn chủ yếu là cơm, canh, thịt gà hoặc phổi lợn, phổi bò... Tất cả các khẩu phần ăn của những chú chó được các cán bộ, chiến sĩ kiểm tra nghiêm ngặt nhằm đảm bảo đủ thể lực, sức khoẻ phục vụ công tác huấn luyện.
Công tác bảo vệ sức khỏe cho chó nghiệp vụ luôn được các cán bộ chiến sĩ quan tâm. Đặc biệt, cán bộ làm công tác thú y thường xuyên đánh giá tình hình thực tế, điều kiện chăn nuôi, thời tiết khí hậu để từ đó xây dựng các quy trình chăn nuôi, phòng bệnh và phác đồ điều trị hiệu quả nhằm đảm bảo tốt về sức khoẻ, sức đề kháng, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Theo Đại uý Hà Thu Trang, bác sĩ thú y Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, chăm sóc sức khoẻ cho những chú chó nghiệp vụ rất khó khăn, vì chúng có bản tính hung dữ, qua quá trình thuần hoá phải mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, bằng tình yêu động vật và yêu nghề, Đại uý Trang đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu tính cách từng con chó nghiệp vụ khi đến đây chữa bệnh.
Theo Đại uý Trang, việc chăm sóc cho chó nghiệp vụ khác biệt hơn so với những chú chó thường là phải tỉ mẩn. Từ khâu phát hiện bệnh đến chữa bệnh cần phải quan sát kĩ lưỡng. “Ở giai đoạn chớm bệnh những chú chó nghiệp vụ thường không có biểu hiện rõ ràng. Bằng nghiệp vụ chuyên môn cũng như coi chú chó như những người thân của mình, hàng ngày chỉ cần có các biểu hiện như bớt nhanh nhẹn, bỏ ăn, đi tiểu nhiều hơn và các biểu hiện sinh lý khác với mọi hôm thì chúng tôi phát hiện ra những chú chó đó có vấn đề về sức khoẻ. Đầu tiên, chúng tôi kiểm tra về thân nhiệt, nhịp tim, tần số hô hấp và lấy máu đưa đến trung tâm kiểm nghiệm để xem chó đang gặp ở vấn đề gì về sức khoẻ. Sau đó chúng tôi sẽ đưa ra các phác đồ điều trị phù hơp với căn bệnh mà chú chó đang mắc phải” , Đại uý Trang cho hay.
Được biết, trong năm 2022, Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an), đã hoàn thiện hồ sơ, sổ khám chữa bệnh, hệ phả và bàn giao 46 chó nghiệp vụ đã tốt nghiệp về công an các đơn vị địa phương để thực hiện nhiệm vụ.