Ngày nay, cuộc sống ngày càng phát triển, cha mẹ vì thế có nhiều điều kiện chăm sóc tốt hơn cho con cái. Thế nhưng đôi khi, một số phụ huynh thái quá trong vấn đề này, cho con ăn diện nhứ thứ xa xỉ, đắt tiền dù rằng điều này không cần thiết. Với trẻ nhỏ, một chiếc áo hiệu cũng như một chiếc áo bình thường, nhưng với người lớn, đó là thứ để đổi lấy cái nhìn xã hội, trẻ con với bản tính hiếu động nếu lỡ làm hư hại thì người đầu tiên phản ứng hẳn nhiên phải là bố mẹ.
Cô bé Xiaoquiang, 4 tuổi đến từ Trung Quốc sinh ra trong một gia đình vô cùng giàu có. Cha mẹ của cô bé sử dụng toàn đồ đắt tiền được nhập từ nước ngoài, do đó những bộ quần áo em mặc cũng có giá trị đặc biệt cao. Em cũng được cho học tại một ngôi trường mầm non cao cấp với học phí giá trên trời. Nhưng vô tình điều này lại gây ra một phiền toái lớn cho đứa trẻ.
Vì là trường mầm non cao cấp, họ chú trọng vào việc kết nối 3 chiều giữa phụ huynh - giáo viên và học sinh, do vậy ngôi trường này cho phép cha mẹ theo dõi con mình trên lớp thông qua camera. Nhờ vậy, người lớn có thể biết con mình ăn, ngủ, chơi và học ra sao ở trường.
Một hôm, mẹ Xiaoquiang bật phần mềm kết nối với camera lên để theo dõi con. Chị phát hiện ra rằng, con mình đang tự chơi một mình trong góc lớp mà chẳng ai chơi chung.
Nghĩ rằng con đang bị bạn bè tẩy chay nên chị lập tức liên hệ với cô giáo để tìm hiểu nguyên nhân. Giáo viên chỉ nói 1 câu làm người mẹ càng thêm điếng người: "Cô bé mặc đồ thế này thì chẳng ai dám lại gần em ấy cả, các phụ huynh khác đều dặn con họ tránh xa Xiaoquiang ra!"
Thì ra, gần đây, trong 1 lần đi học về, bố mẹ của Xiaoquiang thấy chiếc áo tinh tươm của con lúc sáng mới đến lớp bỗng có 1 vết rách lớn. Vì chiếc áo này chị mua từ nước ngoài trong 1 chuyến du lịch trị giá tới 700 tệ, tương đương khoảng 2,5 triệu đồng thế nên người mẹ đã rất tức giận.
Sau một hồi chất vấn con gái rằng ai đã làm hỏng, cô bé nói do bạn cùng lớp trong lúc đùa nghịch nên lỡ tay. Nghe vậy, người mẹ liền gọi cho cô giáo và liên lạc với vị phụ huynh của đứa trẻ kia để đòi bồi thường.
Ngoài những gia đình khá giả, các gia đình với mức sống bình thường khác rất khó để sắm sửa cho con một bộ quần áo đắt tiền như của Xiaoquiang, vì chúng đắt ngang ngửa tiền sinh hoạt phí hàng tháng. Nhưng không còn cách nào khác, để tránh rùm beng, phụ huynh của đứa trẻ kia của phải chắt bóp ra đền lại chiếc áo cho mẹ Xiaoquiang.
Sau sự việc này, Xiaoquiang bắt đầu không có đứa trẻ nào muốn chơi cùng và dần trở nên bị cô lập. Ai cũng sợ nếu "dây" vào cô bé, họ cũng phải trả giá đắt như vị phụ huynh tội nghiệp kia nên họ bảo con không được lại gần Xiaoquiang.
Ảnh minh họa
Việc để trẻ trở nên khác biệt thông qua giá trị vật chất có thể vô tình khiến trẻ trở nên lạc lõng và xa cách trong lớp học. Cha mẹ rất yêu con cái và chúng ta đều có thể hiểu rằng họ muốn dành những điều tốt nhất cho con, nhưng đôi khi chúng ta vẫn phải cân nhắc ở thực tế rằng nhà trường là nơi để các con được học tập và rèn luyện nhân cách chứ họ không có nhiệm vụ phải bảo quản tài sản cá nhân cho trẻ. Do vậy, nếu bị hư hỏng, mất mát đồ đạc, thầy cô không phải là người duy nhất phải chịu trách nhiệm cho việc này.
Hoặc nếu vô tình bạn cùng lớp là người gây ra nhưng không đủ khả năng đền bù thì sẽ có thêm nhiều cô bé, cậu bé bị cô lập nữa. Chưa kể, khoác lên người con cái những vật phẩm đắt tiền sẽ khiến những kẻ xấu chú ý, qua đó dễ đẩy trẻ vào các tình huống nguy hiểm hơn.
Theo Sina