Ảnh minh họa.
Bác sĩ sốc khi xem ảnh chụp X-quang của bệnh nhân bị đau bụng
Người đàn ông 36 tuổi có tên Kuldeep Singh ở Ấn Độ bị đau bụng liên tục trong 2 năm. Bệnh nhân Kuldeep nhập viện tại Bệnh viện Moga Medicity ở Punjab, Ấn Độ trong tình trạng đau bụng, sốt cao. Bệnh nhân được chỉ định chụp X-quang ổ bụng.
Bác sĩ Ajmer Singh Kalra, giám đốc bệnh viện cho biết khi xem kết quả chụp X-quang, các bác sĩ đã bị sốc khi thấy trong ổ bụng của bệnh nhân chứa rất nhiều dị vật.
Bác sĩ Ajmer nói: “Chúng tôi thấy trong dạ dày của bệnh nhân có mặt dây chuyền, dây xích, đai ốc, bu lông, tai nghe, nam châm, nút áo, khóa kéo và nhiều vật thể khác bên trong dạ dày. Tổng cộng có khoảng hơn 60 dị vật”.
Sau đó bác sĩ phẫu thuật Anup Handa và bác sĩ tiêu hóa Vishavnoor Kalra tại bệnh viện đã nhanh chóng tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Các bác sĩ phải tốn ba tiếng đồng hồ để lấy hết dị vật trong bụng ra ngoài.
Bác sĩ Kalra cho biết: “Vì bệnh nhân nuốt nhiều dị vật, có cả dị vật sắc nhọn nên ổ bụng của bệnh nhân bị tổn thương nghiêm trọng”.
Do đó, mặc dù cuộc phẫu thuật diễn ra thành công nhưng bệnh nhân vẫn chưa qua cơn nguy kịch và được theo dõi đặc biệt kèm thở máy.
Hội chứng Pica là gì?
Bệnh nhân sau đó được chẩn đoán mắc hội chứng Pica. Theo phòng khám Cleveland Clinic, Mỹ hội chứng Pica là một tình trạng sức khỏe tâm thần gây rối loạn ăn uống. Người mắc hội chứng Pica sẽ ăn những thứ không phải là thực phẩm chẳng hạn như tro, than, tóc, đất sét, giấy, sỏi, đá,... Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bệnh nhân nếu họ ăn phải thứ chứa chất độc hoặc sắc nhọn gây tổn thương cơ quan trong cơ thể.
Hội chứng Pica thường xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi; phụ nữ có thai hoặc người mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần như rối loạn phổ tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, tâm thần phân liệt.
Các triệu chứng của hội chứng Pica xảy ra dựa trên những thứ mà bệnh nhân ăn vào cơ thể. Cụ thể bao gồm:
- Buồn nôn;
- Đau hoặc co thắt bụng ở dạ dày;
- Táo bón;
- Tiêu chảy;
- Mệt mỏi;
- Hành vi bất thường.
Hội chứng Pica cũng có thể gây ra một số biến chứng nếu không được điều trị kịp thời, chẳng hạn như:
- Tắc ruột kèm theo cơn đau dạ dày không thuyên giảm;
- Loét dạ dày, có thể gây ra tình trạng đi ngoài ra máu;
- Ngộ độc chì nếu bệnh nhân nuốt phải mảnh sơn có chứa chì;
- Mất cân bằng điện giải;
- Gây ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng như vỡ, nứt hoặc gãy răng do nhai các vật cứng;
- Nhiễm trùng do vi trùng và/hoặc ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể.
Trước đó ở Anh cũng từng ghi nhận trường hợp một sản phụ có tên Jenny Mason (30 tuổi) mắc hội chứng Pica khi mang thai vào năm 2013. Được biết sản phụ này rất thích ăn đất, gạch đỏ dùng trong xây dựng và cát ở bờ biển. Tình trạng này dừng lại khi sản phụ Jenny sinh con xong.