Bahrain (1 trong 4 nước thuộc khối Ả Rập tiến hành cấm vận Qatar, 3 nước còn lại là Ả Rập Saudi, UAE và Ai Cập) đã cáo buộc Qatar có hành động "leo thang quân sự" trong cuộc khủng hoảng này khi cho phép quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện nhiều hơn tại khu vực.
Ngoại trưởng của Bahrain, Sheikh Khalid bin Ahmed al-Khalifa cho biết động thái này là một sự khiêu khích chỉ làm trầm trọng thêm sự xung đột giữa các nước vùng Vịnh. "Sự bất đồng (của khối Ả Rập) với Qatar chỉ là tranh chấp chính trị, an ninh và chưa bao giờ là chuyện quân sự. Tuy nhiên, việc triển khai quân đội nước ngoài với cả xe thiết giáp là một bước leo thang quân sự mà Qatar sẽ gánh chịu hậu quả", ông Sheikh Khalid bin Ahmed al-Khalifa tuyên bố.
Thổ Nhĩ Kỳ vốn chỉ đặt ít hơn 100 quân tại Qatar. Thế nhưng, sau khi Qatar bị khối Ả Rập áp đặt trừng phạt hồi đầu tháng 6 thì Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng thông qua luật cho phép triển khai lực lượng quân sự lớn hơn.
Theo số liệu của tờ Hurriyet (Thổ Nhĩ Kỳ), số lượng quân đội của Ankara hiện diện ở Qatar có thể tăng lên khoảng 1.000. Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar cũng sẽ thực hiện một cuộc tập trận chung trong vài tuần tới.
Các nước láng giềng của Qatar đã nhìn căn cứ quân sự nhỏ của Thổ Nhĩ Kỳ với ánh mắt nghi ngại. Hồi cuối tuần trước, Khối Ả Rập gửi cho Qatar bản yêu sách 13 điểm. Trong số đó có một khoản là yêu cầu Doha phải đóng cửa căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, họ còn yêu cầu Qatar hạn chế quan hệ với Iran, bồi thường cho các nước vùng Vịnh những thiệt hại và chi phí phát sinh từ chính sách ngoại giao của Qatar trong vòng nhiều năm qua.
Không chỉ vậy, khối Ả Rập cũng yêu cầu Qatar phải hoàn thành các yêu cầu trên trong thời gian 10 ngày và họ sẽ giám sát kỹ lưỡng việc thực thi kèm theo báo cáo đánh giá được công bố hàng tháng trong năm đầu tiên và hàng quý trong năm tiếp theo và hàng năm trong thập kỷ tiếp theo. Bộ Ngoại giao Qatar cho biết họ đã tiếp nhận được danh sách này và truyền thông Doha mô tả chúng là vô lý, không khả thi.
Về phần mình, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không đóng cửa căn cứ và cuộc khủng hoảng ngoại giao chỉ đưa Ankara và Doha xích lại gần nhau hơn. Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã cam kết: "Có những người không cảm thấy thoải mái khi Thổ Nhĩ Kỳ đứng cạnh người anh em Qatar, cung cấp cho họ lương thực. Tôi xin lỗi, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp mọi mặt cho Qatar".
Tổng thống Iran, Hassan Rouhani cũng đã lên tiếng ủng hộ Qatar. Ông khẳng định rằng cuộc "bao vây" của bốn quốc gia Ả Rập (Ả Rập Saudi, UAE, Bahrain, Ai Cập) gần đây bằng cách tuyệt giao với Doha là điều mà Iran cảm thấy "không thể chấp nhận được". Ông Rouhani cũng cam kết với Quốc vương Qatar rằng "Tehran sẽ đứng về phía chính phủ Qatar".
Ngoại trưởng Qatar, Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani, đang ở Washington và sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vào hôm nay.
Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh cuộc phong tỏa Qatar và chỉ đích danh Qatar là nước tài trợ cho khủng bố, thì ông Tillerson đã kêu gọi các bên kiềm chế. Cuộc gặp gỡ giữa ngoại trưởng Mỹ và Qatar hôm nay hy vọng sẽ tạo bước ngoặt cho việc giải quyết khủng hoảng, dập tắt lo ngại về leo thang quân sự.