Cho đến giờ, đã 45 năm trôi qua nhưng các cựu chiến binh (CCB) Lữ đoàn xe tăng 273 và các Cựu sinh viên - Chiến sĩ xe tăng 6971 không ai quên được chàng cựu sinh viên Bách khoa Nguyễn Tự Chính.
Gác bút nghiên lên đường ra trận
Nguyễn Tự Chính quê Khánh Hòa nhưng lại sinh ở Tuy Hòa, Phú Yên. Chả là, ba Chính là cán bộ kháng chiến đang hoạt động ở quê nhà, năm 1950 khi má Chính mang thai, sợ bọn địch nghi ngờ và cũng để đảm bảo cho hai mẹ con ông đã quyết định gửi vợ ra Tuy Hòa để sinh nở.
Năm 1954, Chính theo ba má ra miền Bắc tập kết. Ra đi khi mới 4-5 tuổi, ấn tượng của Chính về quê hương chỉ là biển xanh, cát trắng và bát ngát rừng dừa. Lớn lên rồi, nghe ba má kể lại anh thường tự hào mình có hai quê: Khánh Hòa là quê cha đất tổ, còn Phú Yên là nơi chôn nhau cắt rốn.
Bạn bè gọi nhầm anh là Tư Chính anh cũng không sửa mà bảo: "Càng tốt! Thế mới ra dáng người miền Nam!".
Cuối những năm 60 của thế kỷ 20, khi quân đội Mỹ đẩy mạnh chiến tranh cục bộ ở miền Nam và chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Chính đã nhiều lần tình nguyện tòng quân giết giặc. Anh tự nhủ: "bao bạn trẻ miền Bắc còn xung phong vào Nam giết giặc, mình là người miền Nam chẳng lẽ ngồi yên".
Thế rồi nguyện vọng của anh đã thành sự thật. Ngày 6.9.1971, Nguyễn Tự Chính - chàng sinh viên K14 - Đại học Bách khoa đã cùng với hàng nghìn sinh viên các trường đại học khác "gác bút nghiên lên đường ra trận" theo tiếng gọi của Tổ quốc, tiếng gọi của miền Nam quê hương.
Sau 3 tháng huấn luyện tân binh tại Sư đoàn 325, Nguyễn Tự Chính nằm trong số 100 sinh viên được điều về binh chủng Tăng Thiết giáp (TTG). Tại Đoàn huấn luyện 10, 50 người được biên chế vào học hệ chỉ huy, 50 người học hệ kỹ thuật.
Bộ đội xe tăng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Chính nằm trong số học kỹ thuật. Đây là lớp đào tạo kỹ thuật viên - người giúp ban chỉ huy đại đội thực hiện các nhiệm vụ công tác kỹ thuật tại đơn vị.
So với các bạn sinh viên về TTG năm ấy, Chính có nhiều nét khác biệt. Trong khi hầu hết các sinh viên đều mảnh khảnh thư sinh thì Chính lừng lững như một võ sĩ La-mã: cao trên 1 mét 7, vai vuông, ngực nở...
Trong khi các bạn "hót như khiếu" thì Chính lại trầm lặng, cả ngày chẳng nói một câu. Nhưng đằng sau vẻ bề ngoài đó là một tâm hồn chính trực, chân tình và cái tính "gan lỳ cóc tía"...
Có lẽ không ai trong số học viên lớp kỹ thuật ngày ấy quên được hình ảnh chiếc xe tăng do Chính lái ầm ầm lao với tốc độ cao qua "vách hụt". Đó là một vật chướng ngại có độ sâu hơn 1 mét, quy tắc lái là khi đến gần nó phải về số thấp để vượt qua, sau khi qua rồi lại tăng tốc rời khỏi.
Ấy vậy mà chàng học viên Nguyễn Tự Chính lại lao qua "vách hụt" bằng số 3. Ai cũng nghĩ cậu ta không sứt đầu cũng mẻ trán. Nhưng không phải, sau khi xe dừng, Chính chui ra với vẻ mặt tỉnh khô như không có chuyện gì xảy ra.
Ngay sau đó, giáo viên tập hợp lớp lại để rút kinh nghiệm. Ông phê bình học viên đã không thực hiện đúng quy tắc lái. Không ngờ, cậu học viên ít nói nhất lớp lại mở miệng lý luận:
"Tôi thấy với chướng ngại vật này hoàn toàn có thể đi qua với tốc độ cao mà vẫn an toàn, tội gì mất công về số rồi lại lên số?".
Đến nước này, giáo viên chỉ biết nghiêm sắc mặt: "Đã là quy tắc thì phải chấp hành cho đúng".
Lý sự thì lý sự thế thôi chứ Chính học tập rất nghiêm chỉnh. Với vốn kiến thức một sinh viên năm thứ ba Khoa Chế tạo máy, Đại học Bách khoa các nội dung về kỹ thuật TTG được Chính tiếp thu một cách không quá khó khăn và kết quả thi cuối khóa của anh đều đạt khá, giỏi.
Bộ đội xe tăng đánh chiếm Dinh Độc Lập sáng ngày 30/04/1975.
Cuối năm 1972, khóa học kết thúc, Nguyễn Tự Chính được điều về làm Kỹ thuật viên đại đội thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn xe tăng 201 tại Xuân Mai (Hòa Bình, nay thuộc Hà Nội). Tháng 12.1972, Tiểu đoàn 4 nhận lệnh đi tăng cường cho Mặt trận B3 với phiên hiệu Đoàn A16. Ước mơ trở về giải phóng quê hương của Chính đã ở trong tầm tay!
Vượt mưa bom, bão đạn về nơi chôn nhau cắt rốn
Cũng tương tự như mọi cuộc hành quân vào chiến trường, cuộc hành quân hơn 1000 km của đoàn A16 vào B3 vô cùng gian khổ, ác liệt.
Liệt sĩ Nguyễn Tự Chính.
Từ Xuân Mai, các anh theo Đường 15 vào đến Tây Quảng Bình, từ đây vượt Trường Sơn sang Lào rồi đi dọc cao nguyên Nam Lào đến vùng "ba biên giới". Từ đó lại quay ngược trở về Việt Nam.
Trên đường đi, ngoài đèo cao dốc đứng còn là sự ngăn chặn quyết liệt của không quân Mỹ. Bất chấp tất cả, các anh đã đưa được 100% trang bị vào đến vị trí tập kết.
Trong thành tích chung đó không thể không kể đến những đóng góp không nhỏ của chàng kỹ thuật viên dũng cảm Nguyễn Tự Chính.
Sau khi vào đến mặt trận, đơn vị của Nguyễn Tự Chính được bổ sung cho Trung đoàn XT 273 vừa mới được thành lập.
Đại đội của Chính đổi phiên hiệu thành Đại đội 6 của Tiểu đoàn 2, do đồng chí Đoàn Sinh Hưởng (sau này là Trung tướng, AHLLVTND, Tư lệnh Binh chủng TTG, Tư lệnh Quân khu 4) làm đại đội trưởng, đồng chí Huỳnh Rịch là chính trị viên. Chính vẫn làm kỹ thuật viên.
Cho đến giờ, khi nhắc lại về những ngày tháng ấy, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng vẫn bồi hồi: "Thật may mắn là đại đội tôi có đến 6 cựu sinh viên.
Đó là Nguyễn Tự Chính, Trương Công Đạo, Lê Minh Tân, Đỗ Đình Thành, Nguyễn Đình Thịnh, Hoàng Ngọc Sỹ. Đó là những con người có kiến thức, có tự trọng, rất dũng cảm song cũng rất khiêm tốn. Họ thường là đầu tầu trong mọi nhiệm vụ của đơn vị".
Nhiệm vụ đầu tiên mà Đại đội XT6 dược giao là cùng với bộ binh tiến công cứ điểm Đắc Pét- một cứ điểm rất lợi hại nằm sâu trong vùng giải phóng ngày 15.5.1974 (xem chi tiết tại đây). Đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cán bộ chiến sĩ ai cũng phấn khởi.
Ngay sau đó, cùng với toàn mặt trận, Trung đoàn XT 273 bắt tay vào làm công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975. Lúc này, đại đội của Chính một lần nữa đổi phiên hiệu thành Đại đội 9 thuộc Tiểu đoàn 3. Riêng Nguyễn Tự Chính được bổ nhiệm là trung đội trưởng Trung đội 1.
Thông thường, ở các đơn vị xe tăng cán bộ được phân chia thành hai hệ rõ rệt: chỉ huy và kỹ thuật. Các kỹ thuật viên nếu có phát triển thì lên đại đội phó kỹ thuật là chính chứ không mấy ai chuyển sang ngạch chỉ huy. Trường hợp như của Nguyễn Tự Chính là khá hiếm.
Sở dĩ có chuyện bổ nhiệm trái ngạch này là do đại đội trưởng Hưởng thấy ở Chính có đầy đủ tố chất của một cán bộ chỉ huy: dũng cảm, thông minh, quyết đoán.
Nhất là khi anh xem Chính chơi cờ thì anh càng tin điều đó. Chính đánh cờ rất giỏi, những nước đi của anh thường rất dũng mãnh, sáng tạo, nhiều khi làm đối thủ bất ngờ, thua mà tâm phục, khẩu phục.
Bởi vậy, khi có sự điều động, chuyển biến về tổ chức, đại đội trưởng Hưởng đã mạnh dạn đề nghị lên cấp trên bổ nhiệm Chính làm trung đội trưởng. Và thật may, cấp trên đã chấp thuận đề nghị đó.
Về phía cá nhân, Chính phấn khởi lắm vì ở cương vị này anh sẽ được trực tiếp chiến đấu, không như anh chàng kỹ thuật viên lúc nào cũng lẹt đẹt đằng sau.
Trong trận tiến công Buôn Mê Thuột (BMT), Đại đội XT9 nằm trong thành phần mũi thọc sâu vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn BB 23 của VNCH. Trung đội của Chính được phân công làm Thê đội 1. Chính cùng anh em nghiên cứu thật kỹ sa bàn và cách đánh, quyết tâm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ trên giao.
Thật không may, sau một đêm càn rừng để đi, khi chỉ còn cách cửa mở chừng hơn 1000 mét thì xe của Chính bị sa lầy. Kíp xe đành đứng tại chỗ chi viện hỏa lực cho các xe bạn xung phong. Sau đó, cả kíp xe lại tập trung tự cứu đưa xe ra khỏi bãi lầy và tiếp tục tham gia chiến đấu, cùng các đơn vị bạn làm chủ BMT trưa ngày 11.3.1975.
Tiếp đó là liên tục các trận chiến đấu đánh địch phản kích xung quanh BMT, đánh địch rút chạy dọc Đường 7.
Ngày 21.3.1975, Đại đội XT9 được lệnh bàn giao các xe tăng T-54 còn lại cho các đơn vị khác để thu hồi xe tăng chiến lợi phẩm đưa vào sử dụng. Thực hiện mệnh lệnh của trên, các anh đã thu hồi được hơn 40 xe tăng M48 và M41.
Bộ đội xe tăng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Với sự giúp đỡ của các hàng binh, chỉ trong vòng 3 ngày huấn luyện, cán bộ chiến sĩ Đại đội XT9 đã sử dụng tương đối thành thạo hai loại xe chiến lợi phẩm.
Đến lúc này, được biết đơn vị mình sẽ nằm trong đội hình chiến đấu giải phóng thị xã Tuy Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ, Nguyễn Tự Chính vô cùng phấn khởi và tự hào vì chính mình sẽ được về chiến đấu giải phóng quê hương.
Chiếc xe tăng M41 số hiệu 025 mà Nguyễn Tự Chính chỉ huy gồm 4 anh em. Ngoài anh ra còn có: Lái xe Hoàng Mạnh Lực người Phú Thọ, pháo thủ Đỗ Văn Mạnh người Tuyên Quang và pháo hai Trần Hán Hoa người Lạng Sơn. Chính động viên các thành viên kiểm tra kỹ thuật xe thật kỹ để anh "ra mắt" quê hương thật ngon lành.
Đêm 31.3, tại vị trí tập kết, Chính trằn trọc không ngủ được. Nhìn vầng sáng mờ mờ phía thị xã Tuy Hòa anh tâm sự với pháo thủ Mạnh: "Tuy Hòa đấy, nơi chôn nhau cắt rốn của mình đấy. Nghe má kể, Tuy Hòa đẹp và thanh bình lắm! Thế là ngày mai mình sẽ được trở về đúng nơi mình sinh ra rồi!".
Theo kế hoạch đã thống nhất, Trung đội 1 của Chính có nhiệm vụ cùng bộ binh đánh vào trung tâm thị xã rồi truy kích địch ra phía biển.
Sáng 1.4.1975, trận đánh bắt đầu. Quân địch chống cự quyết liệt song không thể ngăn cản được bước tiến của xe tăng và bộ binh. Chiếc xe 025 chở theo 3 chiến sĩ bộ binh như một con mãnh hổ tung hoành ngang dọc. Trung đội 1 của Chính nhanh chóng đánh chiếm được khu trung tâm rồi truy kích địch ra hướng biển.
Sau khi thất thủ ở trung tâm, tàn quân địch chạy ra biển hòng đến được mấy chiếc tàu chiến đang rập rình ngoài khơi để di tản. Thấy ba chiếc xe tăng lao đến, chúng tản ra nấp sau các lùm cây, bờ ruộng chống cự quyết liệt ở thế không còn gì để mất.
Khoảng cách giữa hai bên lúc này rất gần. Chính nhắc pháo thủ Mạnh quay pháo xuống góc thấp nhất để diệt địch.
Đúng lúc đó, một viên đạn của địch bắn trúng thùng xăng ngoài xe, ba chiến sĩ bộ binh ngồi sau tháp pháo hy sinh. Xăng từ thùng ngoài bắt lửa bốc cháy dữ dội, khói lửa trùm kín cả xe. Chính ra lệnh: "Rời xe, tiếp tục chiến đấu!".
Các thành viên kíp xe mỗi người một khẩu AK vọt ra ngoài, lợi dụng thân xe che chắn đánh địch. Mấy phút sau, thấy xăng cháy hết mà xe không việc gì, Chính ra lệnh: "Vào xe!".
Bốn anh em nhanh chóng vào lại xe và tiếp tục dùng hỏa lực tiêu diệt địch. Hai xe cùng trung đội đã ở ngay phía sau hỗ trợ xe 025 chiến đấu rất nhịp nhàng.
Đã có kinh nghiệm bắn gần, pháo thủ Mạnh phát huy rất tốt hỏa lực vũ khí trên xe. Bỗng nhiên, sau một phát bắn, khóa nòng khẩu pháo 76 mm bị tụt ra ngoài.
Pháo hỏng, Chính lệnh cho Mạnh tiếp tục dùng đại liên chiến đấu. Còn anh bật cửa trưởng xe rồi nhô nửa người lên ôm khẩu đại liên 50 quét từng tràng đạn thẳng căng về phía địch.
Khẩu đại liên đang nổ ròn giã bỗng ngừng bặt. Pháo thủ Mạnh ngước nhìn lên thấy Chính đang gục đầu vào đuôi súng, anh vội kéo áo trưởng xe không để lộn ra ngoài. Thì ra, một viên đạn thẳng đã trúng đầu Nguyễn Tự Chính.
Máu của anh thấm đẫm người đồng đội. Các xe bạn tràn lên, bọn địch hoảng sợ tháo chạy tán loạn. Thị xã Tuy Hòa được giải phóng.
Phần mộ của Liệt sĩ Nguyễn Tự Chính tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Tuy Hòa.
Vậy là, sau 20 năm Nguyễn Tự Chính đã trở về đúng nơi chôn nhau cắt rốn của mình và anh đã hy sinh ngay tại nơi mình được sinh ra.
Nghe tin Nguyễn Tự Chính hy sinh, đại đội trưởng Hưởng bàng hoàng không tin. Đã bao lần cùng nhau xông pha lửa đạn, thấy Chính coi thường cái chết, anh nhắc phải cẩn thận thì Chính chỉ cười: "Em có chết cũng phải chết trên quê hương!". Chả lẽ điều đó đã xảy ra?
Điều đó đã xảy ra thật! Và từ đó đến giờ, Nguyễn Tự Chính vẫn mãi mãi tuổi 20 tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Tuy Hòa - nơi chôn nhau cắt rốn của mình!