Theo Defence World, một chiếc xe tăng T-90 của Nga đã vô tình bị trúng tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) trong cuộc tập trận diễn ra ở vùng Astrakhan vào ngày 15/9 vừa qua.
Những hình ảnh ghi nhận về thiệt hại của chiếc xe tăng T-90 xấu số trên đã được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông xã hội và thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng nhưng Quân đội Nga vẫn chưa chính thức lên tiếng xác nhận về sự việc này.
Cuộc tập trận đa quốc gia “Kavkaz 2020” (Caucasus 2020) hiện đang được tổ chức ở Astrakhan từ ngày 15 - 26/9 và trải dài trên nhiều khu vực phía nam Astrakhan, Prudboi, Ashuluk, Kapustin Yar, Nikolo-Aleksandrovskii cùng một số thao trường không quân khác.
Theo một số thông tin, nhiều hệ thống tên lửa chống tăng đã được sử dụng trong các cuộc tập trận kể trên, trong đó có cả tổ hợp 9M113 Konkurs. Một báo cáo cho biết, tên lửa của hệ thống ATGM Konkurs đã bắn trúng một chiếc xe tăng tham gia cuộc tập trận.
Xe tăng T-90 khai hỏa tại thao trường Alabino. Ảnh: Sputnik
Trang Topwar.ru đưa tin, chiếc xe bị trúng đạn tên lửa đã hư hại nghiêm trọng và dù không bị xuyên thủng nhưng rõ ràng là các bộ phận bảo vệ gắn trên xe đã bị phá hủy. Chưa rõ liệu có bất kỳ kíp lái nào bên trong hay không.
Ngoài Nga, cuộc tập trận Kavkaz còn có sự tham gia của các thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), gồm Trung Quốc, Pakistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.
Một số quốc gia nước ngoài khác được cho cũng có mặt, bao gồm Mông Cổ, Syria, Iran, Ai Cập, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Turkmenistan và thậm chí cả Myanmar.
Nhiều người xác định chiếc xe tăng bị trúng đạn là T-90A trong khi một số khác thì cho rằng đó là xe tăng T-90 thế hệ đầu không có giáp bảo vệ để đối phó với các ATGM nguy hiểm như Konkurs.
Được phát triển vào cuối những năm 1980 bởi Cục Thiết kế Kỹ thuật Giao thông Urals (Nizhny Tagil), xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-90 với vỏ giáp đa lớp là phiên bản hiện đại hóa sâu của xe tăng T-72B, được Quân đội Nga đưa vào trang bị tháng 10/1992.
T-90 nặng 46,5 tấn, được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tự động với phạm vi nhận dạng mục tiêu lên tới 1.500m. Thiết bị chụp ảnh nhiệt cho phép T-90 phát hiện không chỉ các mục tiêu bọc thép, mà cả con người ở khoảng cách lên tới 3km cả ngày lẫn đêm.
T-90 được trang bị pháo nòng trơn 125A 2A46M-5 cùng thiết bị nạp đạn tự động, cơ số đạn gồm 42 viên đạn xuyên giáp với tốc độ bắn 7 quả/phút.